Kinh tế

Nông nghiệp

Mô hình sản xuất lúa VietGAP

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trồng lúa theo tiêu chuẩn an toàn, sạch và đạt chất lượng cao trên địa bàn tỉnh vẫn đang là bài toán nan giải. Thời gian qua, Ban Quản lý Dự án Cạnh tranh nông nghiệp Gia Lai đã xây dựng và chuyển giao mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn Vietgap cho nông dân vùng trọng điểm lúa nước Phú Thiện, Ia Pa và thị xã Ayun Pa. Bước đầu nhiều người đã áp dụng và phấn khởi trước hiệu quả kinh tế của mô hình mang lại.

Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP là sản xuất theo hướng an toàn, đạt chất lượng cao theo một tiêu chuẩn thống nhất. Mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn này được thực hiện tại các huyện Ia Pa, Phú Thiện và thị xã Ayun Pa, từ vụ Đông Xuân 2012-2013 và kéo dài đến vụ mùa 2013 tổng diện tích 9 ha, với giống lúa OM 4900.

 

Ảnh: Nguyễn Diệp
Ảnh: Nguyễn Diệp

Mô hình do Ban Quản lý Dự án Cạnh tranh nông nghiệp Gia Lai làm chủ đầu tư và Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Phương Nam tư vấn khảo sát thực hiện. Trong quá trình triển khai thực hiện, đơn vị tư vấn đã khảo sát việc trồng lúa của 75 hộ về phương pháp sản xuất lúa, kỹ thuật canh tác lúa…

Thực tế khảo sát cho thấy phần lớn nông dân sản xuất lúa theo phương pháp truyền thống; sản xuất không theo quy trình khuyến cáo của cơ quan chuyên môn; phần lớn tự để giống và gieo sạ với lượng giống khá cao từ 180 kg đến 250 kg/ha. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật còn bị động, chưa nắm bắt kỹ thuật 3 giảm 3 tăng. Đặc biệt hầu hết nông dân chưa có ý thức trong việc bảo quản sau khi thu hoạch lúa… Vì vậy, năng suất lúa bình quân hàng năm chỉ đạt 55-60 tạ/ha và vụ mùa con số này còn thấp hơn chỉ đạt 45-50 tạ/ha.

Để thực hiện mô hình sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP, Ban Quản lý Dự án Cạnh tranh nông nghiệp cùng đơn vị tư vấn tổ chức mở 30 lớp tập huấn kỹ thuật IPM, ICM cho nông dân, nhận thức về VietGAP; phân tích hệ sinh thái đồng ruộng, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật…, để nông dân áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Kết quả việc gieo trồng vụ mùa 2013 nông dân dần thay đổi nhận thức khi lượng lúa giống gieo sạ thấp hơn trước đây, tỷ lệ sâu bệnh gây hại giảm hẳn. Năng suất lúa bình quân 8 tấn/ha cao hơn ruộng đối chứng, cá biệt tại huyện Ia Pa năng suất đạt đến 8,5 tấn/ha.

Ông Nay Sớt làng Sơma Biơng, xã Chroh Pơnan, huyện Phú Thiện cho biết: “Vụ Đông Xuân vừa qua gia đình đã làm 1,2 ha lúa nước theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Nhờ đó, năng suất đạt trên 7 tấn/ha không những vậy lượng giống gieo sạ chỉ còn 15 kg/sào. Bà con nông dân ai cũng phấn khởi. Vụ mùa này bà con tiếp tục sản xuất theo mô hình mới mẻ này”.

Theo ước tính, mô hình sản xuất lúa VietGAP cho thu nhập cao hơn ruộng lúa bình thường 5,5 triệu đồng/ha nhờ năng suất cao hơn và giảm được chi phí công phun thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, giống lúa OM 4900 có chất lượng gạo ngon được nhiều nông dân đánh giá cao.

Nguyễn Hồng

Có thể bạn quan tâm