Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Mổ tử cung, cắt luôn niệu quản?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Phẫu thuật cắt bỏ tử cung toàn phần cho bệnh nhân bị u xơ tử cung, có biến chứng đau là một phẫu thuật không quá phức tạp và các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thực hiện thành công rất nhiều ca. Song, trong một trường hợp, vì để xảy ra tai biến trong quá trình phẫu thuật, sau mổ không phát hiện và xử lý kịp thời tai biến ấy cộng với việc chẩn đoán và điều trị sau mổ không chuẩn xác, dẫn đến một bệnh nhân đã phải tự bảo vệ sức khỏe của mình bằng cách... trốn viện, tự ý chuyển đến điều trị ở một bệnh viện khác với hy vọng tính mạng của mình được đảm bảo.

Giữ được tính mạng nhờ… trốn viện

Tiếp chuyện chúng tôi, gương mặt vẫn còn lộ rõ vẻ mệt mỏi, xanh xao, bà Trần Thị Hạnh (235A đường Cách Mạng Tháng Tám-TP. Pleiku), rầu rĩ: “Dù không được sự đồng ý của bác sĩ, tôi vẫn quyết định xuất viện, theo kiểu… chạy trốn. May mà tôi trốn viện chứ không thì có thể hôm nay lại là ngày gia đình… cúng 49 ngày cho tôi rồi”-bà Hạnh nói rồi lấy tay xoa vùng bụng: “Tôi vẫn còn đau vùng bụng, tuy nhiên điều đó không còn là đáng ngại khi sức khỏe tôi đang dần phục hồi, có thể đi lại trong nhà và làm những công việc nhẹ. Hơn một tháng nữa tôi sẽ quay trở lại Bệnh viện Đại học Y dược Hoàng Anh Gia Lai mổ rút ống nối niệu quản ra”-bà Hạnh cho biết.

Với gia đình bà Hạnh, việc giành lại được mạng sống chỉ trong gang tấc đó là nhờ cuộc “đào tẩu” khỏi Bệnh viện Đa khoa tỉnh vào chiều ngày 18-5-2013 và kịp thời chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Đại học Y dược Hoàng Anh Gia Lai. Đến bây giờ nhắc lại, bà và người thân vẫn còn chưa hết ám ảnh và thầm cảm ơn quyết định có phần liều mạng ấy. “May mắn là chúng tôi đã quyết định làm liều mới giữ lại được mạng sống cho bà ấy”-ông Hoàng Văn Dậu, chồng của bệnh nhân Hạnh, nói.
 

Bà Trần Thị Hạnh đang dần hồi phục sau hơn một tháng rưỡi phẫu thuật khắc phục tổn thương niệu quản do tai biến phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tử cung. Ảnh: Lê Hòa
Bà Trần Thị Hạnh đang dần hồi phục sau hơn một tháng phẫu thuật khắc phục tổn thương niệu quản do tai biến phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tử cung. Ảnh: Lê Hòa

Theo lời kể của bà Hạnh, vào 10 giờ 10 phút ngày 6-5-2013, bà được người nhà đưa tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh với triệu chứng đau nặng vùng bụng. Sau khi áp dụng các phương pháp siêu âm, xét nghiệm, các bác sĩ xác định bà bị u xơ tử cung, có biến chứng đau (tiền sử bà Hạnh liên tục có triệu chứng đau vùng bụng từ cách đây 10 năm-P.V) và chỉ định phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tử cung và phần phụ bên phải. Ca phẫu thuật đã được tiến hành vào lúc 9 giờ và hoàn thành vào 11 giờ 45 phút ngày 10-5-2013. Sau phẫu thuật 5 ngày (tức 15-5-2013), qua theo dõi của bác sĩ cho biết, diễn biến tình hình sức khỏe của bà hoàn toàn bình thường, vết mổ khô.

Đến khoảng hơn 11 giờ 30 phút ngày 15-5, bà Hạnh thấy rất đau ở vùng bụng bên phải, tiểu rắt và buốt, bụng mềm. Sau khi báo với bác sĩ, bà được tiếp tục tiến hành siêu âm, xét nghiệm để kiểm tra các dấu hiệu bất bình thường ở vùng bụng. Tuy nhiên, sau nhiều lần kiểm tra, các bác sĩ chỉ phát hiện có sỏi ở túi mật 5 mm, thân và niệu quản bên phải có ứ nước nhẹ nên bà được chuyển qua Khoa Nội để tiếp tục theo dõi và điều trị. Hai ngày sau đó, dù vẫn được các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh thăm khám và tiến hành làm các xét nghiệm, siêu âm, kiểm tra khác (siêu âm, chụp Xquang, chụp UIV) song các cơn đau vẫn không hề giảm bớt, nhất là vùng hông bên phải, hông lưng và vùng hạ vị. Trưa 18-5, bà Hạnh và gia đình đã có ý xin được chuyển viện song các bác sĩ điều trị tại đây đã động viên gia đình nên bình tĩnh và yên tâm tiếp tục điều trị… Tuy nhiên, đến cuối giờ chiều ngày 18-5, do bà Hạnh quá đau, sau khi bàn bạc trong gia đình, bà Hạnh đã đánh liều bỏ trốn khỏi Bệnh viện Đa khoa tỉnh và qua nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y dược Hoàng Anh Gia Lai. “Các bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y dược Hoàng Anh Gia Lai chẩn đoán tôi bị viêm phúc mạc do tổn thương niệu quản phải sau cắt tử cung và tiến hành phẫu thuật vào chiều ngày 19-5. Sau phẫu thuật, các cơn đau vùng bụng của tôi đã dần dứt và tới nay-sau hơn một tháng rưỡi điều trị, tôi đang dần hồi phục sức khỏe”- bà Hạnh nói.

Có hay không chuyện bác sĩ “mổ tử cung, cắt luôn niệu quản”?

Theo bản “Tường trình phẫu thuật-thủ thuật” ngày 19-5-12013 của Bệnh viện Đại học Y dược Hoàng Anh Gia Lai, chẩn đoán trước phẫu thuật, bệnh nhân Trần Thị Hạnh bị abscess tồn lưu sau cắt tử cung 8 ngày; chẩn đoán sau phẫu thuật, bà Hạnh bị viêm phúc mạc do tổn thương niệu quản phải sau cắt tử cung; vì vậy, chỉ định của các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược Hoàng Anh Gia Lai đối với trường hợp của bà Hạnh là đặt sonde JJ niệu quản phải, khâu lại niệu quản phải đồng thời rửa sạch bụng đến nước trong bằng 3 lít nước NaCl 0,9%, dẫn lưu douglas. Như vậy, có thể thấy, việc bà Hạnh bị “viêm phúc mạc do tổn thương niệu quản phải sau cắt tử cung” mới chính là nguyên nhân dẫn đến những cơn đau bụng quằn quại trước đó mà các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh không phát hiện ra trong quá trình điều trị sau mổ. Theo nhận định của một bác sĩ có uy tín trong tỉnh, việc bệnh nhân bị “viêm phúc mạc do tổn thương niệu quản phải sau cắt tử cung” nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh.
 

Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai-Bác sĩ Bạch Anh Hùng đang cung cấp các thông tin và các tài liệu liên quan tới trường hợp bệnh nhân Hạnh cho P.V. Ảnh: Lê Hòa
Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai-Bác sĩ Bạch Anh Hùng đang cung cấp các thông tin và các tài liệu liên quan tới trường hợp bệnh nhân Hạnh cho P.V. Ảnh: Lê Hòa

Giải đáp những thắc mắc của P.V xung quanh vụ việc, ngay trong chiều 2-7, bác sĩ Bạch Anh Hùng-Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, sau khi cung cấp cho P.V đầy đủ hồ sơ bệnh án của Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng như tường trình phẫu thuật-thủ thuật của Bệnh viện Đại học Y dược Hoàng Anh Gia Lai đối với bệnh nhân Trần Thị Hạnh; bác sĩ Bạch Anh Hùng cho rằng, đây là một sự cố đáng tiếc đã xảy ra đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh. “Những bệnh nhân được hội chẩn phẫu thuật u xơ tử cung, u xơ tử cung biến chứng đau như trường hợp của bệnh nhân Trần Thị Hạnh, trong quá trình phẫu thuật-thủ thuật vẫn có tỷ lệ gây tổn thương niệu quản, bàng quang hoặc vùng trực tràng (con số này chiếm khoảng từ 1%-1,5% số ca phẫu thuật). Trước tai biến xảy ra đối với bệnh nhân Hạnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chưa gặp trường hợp tương tự nào (các trường hợp bị tổn thương niệu quản trong quá trình phẫu thuật trước đây có dấu hiệu khá rõ và được phát hiện kịp thời, xử lý cũng không mấy khó khăn).

Trường hợp của bệnh nhân Hạnh do tổn thương nhỏ, phải mất một khoảng thời gian mới biểu hiện, các thiết bị máy móc không dễ phát hiện được những bất thường này, bệnh nhân lại có sỏi túi mật nên bác sĩ đã không tiên lượng để điều trị đúng hướng. Đến ngày 18-5, khi chúng tôi phát hiện ra thận phải của bệnh nhân ứ nước độ I, có dịch ổ bụng thì cũng là lúc bệnh nhân tự ý bỏ viện. Và nếu như có phát hiện bệnh nhân bị tổn thương trên, chúng tôi cũng hoàn toàn có thể khắc phục”-bác sĩ Bạch Anh Hùng nói.

“Để xảy ra vụ việc này, phía Bệnh viện cũng đã nhận trách nhiệm về mình. Ngay sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã đến thăm bà Hạnh tại Bệnh viện Đại học Y dược Hoàng Anh Gia Lai và khi bà Hạnh xuất viện, chúng tôi đã đến tận nhà để xin lỗi và hỗ trợ phần chi phí thuốc men cho người bệnh. Đối với bác sĩ Nguyễn Tĩnh Bình-Phó trưởng Khoa Sản, người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật, Bệnh viện đã tổ chức họp, đề xuất hình thức xử lý sai sót, hiện đang chờ quyết định của cấp trên”-bác sĩ Hùng cho biết thêm.

Về phía gia đình bệnh nhân, trước những vấn đề trên cũng đều bày tỏ sự thông cảm vì cho rằng, mọi chuyện đã qua, bây giờ cơ bản đã tạm ổn, ở đâu thì cũng có những sai sót. “Bệnh viện và đích thân bác sĩ tiến hành phẫu thuật đã tới nói chuyện, chia sẻ trách nhiệm với gia đình. Chúng tôi bây giờ chỉ quan tâm tới sức khỏe của bà ấy làm sao hồi phục tốt nhất”-ông Dậu chia sẻ quan điểm.

Thu Huế-Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm