Bạn đọc

Mối nguy từ đồ chơi tự chế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chỉ vài chục ngàn đồng, một số cậu bé đã có thể chế tạo thành công một khẩu súng hay một quả pháo. Nếu nhìn bên ngoài, những khẩu súng, quả pháo ấy trông chẳng khác đồ chơi, song thực tế, độ sát thương của chúng thì không phải chuyện… chơi!

Trong một chuyến công tác tại huyện biên giới Chư Prông, tôi đã rất ngạc nhiên khi nghe được câu chuyện của một số em nhỏ (chừng 13-14 tuổi) xung quanh việc rủ nhau chế tạo súng để đi bắn chim. Ban đầu, tưởng các em gọi cái ná vẫn hay dùng bắn chim là súng! Nhưng khi hỏi lại thì là súng hơi cồn 100%. Lân la dò hỏi, một cậu bé tên Yêh nói rằng, làm súng hơi cồn cũng đơn giản và không tốn nhiều tiền, chỉ cần nhìn qua ai đó làm là có thể học được ngay. Theo Yêh, nguyên liệu quyết định đến việc súng bắn tốt hay không nằm ở bộ đánh lửa. Bộ đánh lửa có thể của quẹt gas hoặc bếp gas, cùng với đó là ống nhựa, băng keo, cồn, bi… Riêng nguyên lý hoạt động của súng hơi cồn cũng không quá phức tạp, chỉ cần đổ cồn vào trong báng súng rỗng, đạn (có thể dùng bi xe đạp hoặc các viên bi thủy tinh) bỏ trực tiếp vào trong nòng súng và bóp cò.

 

Súng tự chế có khả năng gây sát thương cao. Ảnh: A.H
Súng tự chế có khả năng gây sát thương cao. Ảnh: A.H

Điểm đặc biệt của khẩu súng tự chế là chúng rất nhẹ, có thể tháo lắp dễ dàng khiến cho việc kiểm soát của lực lượng chức năng càng trở nên khó khăn. Vì khi tháo rời, chúng chẳng khác nào những ống nhựa vô tri. Nhưng khi lắp hoàn chỉnh, đổ cồn và lên đạn thì chúng lại trở nên vô cùng nguy hiểm. Theo một số người, những khẩu súng hơi cồn tự chế có thể gây sát thương trong vòng bán kính 20-50 mét, đặc biệt ở cự ly ngắn thì khả năng sát thương sẽ rất nghiêm trọng.

Không “nghiên cứu” về súng, song cậu bé Hồ Duy T. (TP. Pleiku) lại rất thích mạo hiểm với… pháo nổ. Mỗi khi nghe tiếng pháo nổ, bạn bè trong xóm vỗ tay, T. lại thêm phấn khích và quyết tâm học thêm nhiều cách làm pháo mới. T. nói, chỉ cần một cuộn giấy vệ sinh-có lõi bằng bìa cứng- cùng với một ít bột thuốc nổ và phân ka li, que diêm…là em có thể chế ra được một quả pháo đại. Tiếng nổ của quả pháo này có thể khiến cho người đứng ở xa vài trăm mét cũng giật mình. Hoặc chỉ với một chiếc van xe máy, một cây đinh, một que diêm và hai chiếc đũa, T. cũng có thể làm được pháo búa. “Khi đập pháo búa xuống nền xi măng, tiếng nổ sẽ phát ra và chiếc đinh sẽ bay ra ngoài”-T. nói. “Pháo nổ vậy có nguy hiểm không?”-tôi hỏi. Cậu bé hồn nhiên trả lời, nếu là pháo đại thì đứng gần sẽ không tránh được thương tích, còn với pháo búa thì ít nguy hiểm hơn, trừ khi pháo nổ, chiếc đinh văng ra và trúng vào một ai đó… Và “người thầy” hướng dẫn T. làm pháo lại chính là các trang mạng xã hội-T. nói, chỉ cần vào Google và gõ tìm kiếm cách làm súng, pháo thì một loạt những nội dung cần tìm đều xuất hiện và hướng dẫn một cách tỉ mỉ bằng video hẳn hoi.

Rõ ràng, ở độ tuổi của các em, sự tò mò, ham học hỏi là điều rất đáng ghi nhận, song giá như có ai đó ở bên cạnh, định hướng để các em hiểu rằng, tò mò cũng cần phải đúng nơi, đúng chỗ và nên chọn những cái hay để học. Bởi, các em vẫn chưa ý thức được việc mình đang làm có thể gây nguy hiểm cho chính bản thân và những người xung quanh. Tôi đã từng giật mình khi nghĩ, nếu chẳng may, trong một lúc bốc đồng, các em sử dụng chiếc súng ấy để đùa nghịch… hoặc trong lúc “thử” pháo, có ai đó vô tình đi ngang qua thì chuyện gì sẽ xảy ra? Phải chăng, các bậc phụ huynh cần phải quan tâm nhiều hơn nữa đến con em mình và đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”.

Anh Huy

Có thể bạn quan tâm