(GLO)- Cứ mỗi khi đến dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam (30-4), những cựu chiến binh chúng tôi lại thường nhớ về kỷ niệm một thời trận mạc. Hôm rồi, câu chuyện của anh Nguyễn Văn Sĩ (tổ 1, phường Ia Kring, TP. Pleiku) khiến ai nấy đều lặng đi. Vào năm 1975, anh chỉ đang độ tuổi thiếu niên nhưng đến giờ vẫn nhớ như in cái đêm kinh hoàng cùng gia đình di tản dưới làn đạn.
Theo trí nhớ của Sĩ, chiều 16-3-1975, mặc cho chiến trận đến rất gần, tiếng súng đã đì đoàng ven thị xã Pleiku, Sĩ vẫn cùng nhóm bạn sống ở đường Sư Vạn Hạnh hết lên chùa Bửu Thắng bắt chim, rồi lang thang ở ngã ba Diệp Kính, sau đó rủ nhau đi tắm và bắt cá dưới suối Hội Phú, chẳng hiểu gì về chiến sự. “Nhưng chập choạng tối hôm đó, trời thị xã Pleiku có gì khác lắm, súng nổ ầm ầm ngay trong phố.
Ảnh minh họa |
Xe quân đội đi trên đường Hoàng Diệu (đường Hùng Vương bây giờ) nhiều hơn. Tò mò, chúng tôi chạy ùa trên phố thì chứng kiến cảnh lính ở đâu tràn về ngang phè. Mạnh ai nấy bắn, họ xả súng vào các cửa tiệm 2 bên đường, lửa bùng cháy cả thị xã. Mấy cửa tiệm vải của nhà buôn người Ấn và tiệm buôn của gia đình ông Diệp Kính đã di tản trước đó bị bọn lính bắn cháy, hầu như các trục đường chính của Pleiku lửa ngút trời… Anh trai tôi là trung sĩ lính địa phương quân Pleiku, nháo nhác chạy về hối thúc mẹ, vợ và mọi người di tản ngay, vì nghe tin Việt cộng đang đánh vào Pleiku. Vậy là, bỏ lại tất cả, gia đình chúng tôi có 15 người lớn bé, dâu con… vơ mấy bộ quần áo, tiền vàng, gồng gánh, cùng đoàn người hỗn tạp chạy theo những đoàn xe nhà binh đi về nơi bất định. Người cứ đi, tiếng súng của những lính dù, bảo an, cảnh sát vẫn nổ vào bất cứ ai cản đường. Sống và chết chưa bao giờ ở gần như vậy. Lần đầu tiên tôi bước qua xác chết…”-Sĩ nhớ lại. Với anh, cảm giác đó thật kinh hoàng.
Sĩ kể tiếp: Sáng 17-3-1975, đoàn di tản chạy đến ngã ba Cheo Reo (thị trấn Chư Sê hiện nay). Cái đói, cái khát bắt đầu dày vò mỗi thành viên. Sĩ cùng chị dâu thay nhau bế cháu nhỏ, chen lấn theo đoàn người. Đến đêm 17-3 thì cả nhà đã đến sông Bờ (thị xã Ayun Pa bây giờ). Khi điểm lại thì thấy thiếu mất đứa em trai. Mọi người gào gọi nhưng bất lực. Xung quanh, nhiều bà mẹ như điên như dại vừa chạy gào gọi tên con mình nhưng vô vọng giữa làn bom đạn và biển người đang giẫm đạp lên nhau. “Tôi chẳng thấy Việt cộng đâu, chỉ thấy bom đạn do không kích từ máy bay của ngụy quân dội xuống đúng vào đoàn di tản và binh lính. Chỉ thấy đạn nổ, lửa cháy do binh lính bắn lẫn nhau tranh giành nước uống, lối đi, xe ô tô, xe máy”-Sĩ kể lại.
Cũng may, đêm ấy, bỗng từ đâu có tiếng loa xưng danh là quân giải phóng, kêu gọi binh lính Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng, kêu gọi nhân dân bình tĩnh tự giúp nhau và trật tự theo sự hướng dẫn của bộ đội giải phóng. Vậy là cảnh hỗn loạn từng bước được kiểm soát. Binh lính buông vũ khí, vứt quần áo lính. Một số ngoan cố chạy vào rừng, còn đa phần đầu hàng và được bộ đội đưa vào nơi tập trung riêng. Những người dân di tản thì được đưa về khu vực sân bay Phú Bổn, được bộ đội cấp thực phẩm, nước uống. Tiếng súng thưa dần rồi dừng hẳn. Sự sống được đảm bảo, đó là suy nghĩ của những người di tản lúc bấy giờ.
…Đêm 18-3-1975 và những ngày tiếp theo, dưới sự bảo vệ của quân giải phóng, vài ngày sau, gia đình Sĩ trở lại Pleiku. Đến bây giờ, trong đầu của Sĩ vẫn còn hằn sâu nỗi kinh hoàng của sự hỗn mang cảnh binh lính tàn sát bất cứ ai chỉ vì tranh giành phương tiện hay đơn giản chỉ là phần nước uống. Song cũng lần đầu tiên ấn tượng về các chú giải phóng quân rầm rập hành quân, vừa đi vừa hát bài “Giải phóng miền Nam”. Cảm giác thân thiện, an toàn là ấn tượng không phai mờ trong đầu của cậu thiếu niên Nguyễn Văn Sĩ. Sau này, chính hình ảnh và những ấn tượng ấy đã trở thành động lực để khi tròn 18 tuổi Sĩ nhập ngũ, trở thành bộ đội Biên phòng nơi tuyến đầu biên giới.
Duy chỉ còn một điều đớn đau, day dứt mãi trong lòng mỗi thành viên gia đình anh, đó là đến giờ họ vẫn chưa tìm ra người em trai của Sĩ. Mẹ anh, cho đến trước khi qua đời, vẫn đau đáu dặn dò: Phải tiếp tục tìm kiếm và đừng bao giờ ngừng nuôi hy vọng. Hy vọng về một ngày đoàn tụ…
Linh Lan