Phóng sự - Ký sự

Mong ước ở Mang Ve

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nằm ở vùng giáp ranh, bên triền con sông Tà Meo, không đường giao thông, không điện lưới quốc gia nhưng người dân ở làng Mang Ve, khu dân cư Mang Tăng, thôn Đắk Doa, xã Sơn Liên (Sơn Tây) với khoảng 50 hộ dân chẳng ai chịu rời xa mảnh vườn, cái rẫy, ngôi nhà sàn của mình.

Chênh vênh trên rẻo cao

Tuyến đường về thôn Đắk Doa, xã Sơn Liên giữa trong những ngày nắng như đổ lửa mà vẫn ngập đầy bùn đất. Điểm khởi đầu từ trung tâm xã về thôn Đắk Doa là tuyến Sơn Liên - Tà Meo vừa được ngân sách đầu tư hoàn thành nhưng chưa hoàn thiện. Sau mỗi trận mưa lớn, đất đá tràn ra biến nền đường bê tông thành đường đất. Ngồi trên chiếc xe bán tải của cán bộ địa phương, chúng tôi lắm lúc nín thở khi vượt qua vũng bùn lầy. Xe chạy chừng chục cây số, anh lái xe thông báo "hết đường" và đánh lái qua cầu Tà Meo, vào địa phận xã Đắk Nên thuộc huyện Kon Plông (Kon Tum).Vậy là, chúng tôi buộc phải xuống xe ô tô để chuyển sang đi xe máy vì đường đi chỉ còn là một lối mòn. Chủ tịch UBND xã Sơn Liên Trần Minh Tuấn chở tôi trên chiếc xe "chiến trường" của anh chầm chậm lăn trên con đường mòn đầy đá cuội, hướng thẳng về phía ngôi làng Mang Ve. Hồi hộp nhất là lúc lắc lư qua cầu treo Tu Ngú rộng 1m, dài 54m, với chỉ dẫn "xe máy đi qua từng chiếc một", đoàn người đi bộ giữ khoảng cách 4m/người. Mất thêm gần 1 giờ vượt dốc cao, suối sâu, chúng tôi mới đến được Mang Ve.


 

 Trẻ em ở Mang Ve rời làng đến trung tâm thôn Đăk Doa để học. Ảnh: Thanh Nhị
Trẻ em ở Mang Ve rời làng đến trung tâm thôn Đăk Doa để học. Ảnh: Thanh Nhị


Cảnh sắc ở làng Mang Ve với vườn cây trĩu quả, nhà sàn xinh xắn, những đám ruộng bậc thang đang thì xanh cốm, keo và mì bạt ngàn, rồi cả sườn đồi mắc ca đang cho quả... đã phần nào xua đi mệt nhọc trong chúng tôi. Làng vắng lặng. Bí thư Chi bộ thôn Đắk Doa Đinh Văn Niêng giải thích, người làng đi rẫy hết rồi. Họ đi từ sáng sớm đến chiều tối mới về. Ở đây đất đai màu mỡ, trồng cây gì cũng đều cho kết quả tốt, nên ai cũng hăng say lao động. Qua mấy chục năm từ ngày lập làng, không một ai dời đi nơi khác mặc dù ở đây đường lớn chưa có, điện cũng chưa kéo về.
 
May mắn cho chúng tôi, hôm ấy có anh Đinh Văn Linh - người làm ăn khấm khá nhất làng Mang Ve, có ở nhà. Anh Linh đưa chúng tôi đi thăm vườn bưởi da xanh đang cho quả và mấy nghìn gốc cau quanh làng, đám mì, rẫy keo gần đó, rồi trần tình việc anh ở lại ngôi làng xa xôi, hẻo lánh này bằng những câu nói rất thật. "Làng xa mà lòng người gần gũi, thân thương. Mọi người chỉ bảo nhau cách làm ăn. Cả làng chỉ uống rượu vào ngày vui. Ngày mưa mới ở nhà, còn thường ngày đi làm ruộng, làm rẫy. Người dân trong làng thương nhau như ruột thịt, không ai muốn bỏ làng đi nơi khác", anh Linh nói.
 
Nét đẹp ở Mang Ve

 

“Đường giao thông từ trung tâm xã về thôn Đắk Doa hiện nay đã được đầu tư khoảng 10km, còn lại 7km chưa thông tuyến, người dân vẫn phải đi đường mòn. Còn đường điện thì xã đã báo cáo và lập kế hoạch sơ bộ, kinh phí khoảng 7 tỷ đồng, cấp điện cho tất cả hộ dân trong khu vực này nhưng phải chờ huyện xem xét quyết định. Xã rất mong sớm có đường, có điện quốc gia để đánh thức được vùng đất này, đưa cuộc sống người dân phát triển".

Chủ tịch UBND xã Sơn Liên TRẦN MINH TUẤN

Làng Mang Ve có 50 hộ dân người Ca Dong sinh sống. Cả 50 nóc nhà đều là nhà sàn khang trang, mái ngói, rộng và sạch. Cả làng không ai vướng vào tệ nạn cờ bạc, say rượu bê tha, mâu thuẫn đánh nhau... Trẻ em đến tuổi đi học đều được cha mẹ đưa đến trường. Hai năm nay, điểm trường mầm non ở Mang Ve đã đóng cửa vì không còn các em trong độ tuổi. Các em từ bậc tiểu học trở lên đã được đưa về học ở các điểm trường chính. Người dân trong làng tự hào là có con em vào đại học.
 
Hiện nay, trên địa bàn xã Sơn Liên vẫn còn một số nơi xảy ra tình trạng "thiếu ăn mùa giáp hạt", nhưng ở Mang Ve không có tình trạng này. Nhiều gia đình ở Mang Ve lúa ăn không hết phải bán bớt. Nhà ít ruộng cũng đủ ăn quanh năm. Nhiều gia đình, nhờ trồng keo, mì, mỗi mùa thu hoạch tích lũy thêm vài trăm triệu đồng. Nhiều hộ dân trồng cây ăn quả, cây dược liệu với diện tích lớn. Điển hình là hộ gia đình anh Đinh Văn Linh trồng gần 500 cây ăn quả các loại; hộ chị Đinh Thị Nú trồng nhiều héc ta nghệ vàng. Một số hộ dân hiện nay đang trồng thử nghiệm sâm đương quy, cây mắc ca... để tìm hướng đi mới, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
 

 Nhà sàn của người dân ở Mang Ve. Ảnh: T.Nhị
Nhà sàn của người dân ở Mang Ve. Ảnh: T.Nhị


Chúng tôi dạo một vòng quanh ngôi làng Mang Ve. Trên triền sông, suối và ra rẫy, hầu như nhà nào cũng trồng thêm bắp, cỏ lai; trồng mướp, rau cải để làm thức ăn cho người và gia súc. Nơi đây vẫn giữ được nếp sinh hoạt cộng đồng của người Ca Dong, tôn trọng quy ước của làng; giữ gìn văn hóa cồng chiêng, trang phục dân tộc. Họ sống hiền hòa, mến khách. Biết chúng tôi là người nơi khác về làng, chị Đinh Thị Bay mang đãi khách chai rượu đoác mới lấy ở rừng già về. Chị Đinh Thị Viềng có quả mít chín cũng nhiệt tình mời khách thưởng thức. Cụ bà Đinh Thị On mới nấu nồi nước chè xanh cũng vui vẻ rót vài ly mang đến... Họ sống như không có khoảng cách, không có khái niệm lạ quen, chỉ có ánh mắt, nụ cười, cử chỉ thân thiện, cởi mở.
 
Nhà sàn ở Mang Ve mang nhiều vẻ. Kiểu dáng nhà truyền thống nhưng chất liệu làm nhà thì khác nhau, nhà mát mẻ, sạch sẽ. Những ngôi nhà cũ kỹ thì làm bằng cột gỗ; sàn nhà lát ván hoặc lồ ô. Nhà mới làm bằng cột bê tông, nền lát gạch bông. Bí thư Chi bộ thôn Đắk Doa Đinh Văn Niêng cho biết, người làng Mang Ve đã có quy ước người dân trong làng không được chặt cây rừng làm nhà như trước nữa mà phải làm bằng cột bê tông cốt thép, để hạn chế phá rừng và thêm vững chãi, không lo sợ khi mưa rừng trút xuống...
 
Mong một con đường và dòng điện sáng
 
Trò chuyện về định hướng phát triển cho vùng đất Mang Ve, Chủ tịch UBND xã Sơn Liên Trần Minh Tuấn cho biết, người dân ở đây tuy có cuộc sống khá hơn một số vùng trên địa bàn, nhưng đây là khu vực khó phát triển nhất xã. Bởi vì Mang Ve chưa có đường giao thông, không có điện lưới quốc gia. Nông sản làm ra bán với giá thấp và mọi thứ mua vào, kể cả nhu yếu phẩm đều phải mua với giá cao hơn.

 

Vườn bưởi da xanh của anh Đinh Văn Linh, ở Mang Ve, đã bắt đầu cho quả. Ảnh: T.Nhị
Vườn bưởi da xanh của anh Đinh Văn Linh, ở Mang Ve, đã bắt đầu cho quả. Ảnh: T.Nhị


Chúng tôi về Mang Ve vào đúng thời điểm một số hộ dân trong làng thuê phương tiện mở đường để vận chuyển keo đã thu hoạch bán cho thương lái. Anh Đinh Văn Ộp tỏ vẻ không vui dù vụ này sản lượng tăng hơn vụ trước. "Keo thì được mùa, giá mua cũng không phải thấp, nhưng chi phí vận chuyển quá cao. Mỗi tấn keo bán khoảng 1 triệu đồng nhưng trừ chi phí vận chuyển, nhân công hết 800 nghìn đồng, người dân thu về có 200 nghìn đồng", anh Ộp nói. Còn ông Đinh Văn Bây chia sẻ, bán mỗi tấn keo, tấn mì người dân chỉ còn giữ lại có vài trăm nghìn đồng. Nếu mà có con đường thì người dân vui biết mấy.
 
Chuyện kéo điện về làng cũng là khát khao bao đời của người dân ở Mang Ve. So với làm đường thì chuyện kéo điện về đây khá thuận lợi. Mang Ve ở bên này của dòng Tà Meo, bên kia sông là địa phận của xã Đắk Nên sầm uất, nhà cửa san sát, điện đã về từ 20 năm trước. Nếu điện được phép đấu nối kéo từ Đắk Nên về thì chỉ cần kéo qua con sông Tà Meo là về đến Mang Ve. Không có điện, cả đêm lẫn ngày, Mang Ve im lìm, chỉ có tiếng suối róc rách, tiếng chim rừng hót giữa không trung.
 
Chia tay Mang Ve, chúng tôi trở về trung tâm xã bằng con đường nằm hoàn toàn trên đất Sơn Tây và đường mòn chứ không đi đường bê tông bên đất Kon Tum như lượt đi nữa. Hơn 7km phải băng qua 3 con suối Nước Nang, Nước Đất, Mang Tăng... Mỗi ngày đi qua, người dân Mang Ve dù ở nhà to, cơm no, áo ấm nhưng vượt lên đổi đời thực sự thì vẫn phải phụ thuộc vào một con đường và một dòng điện quốc gia.

 

Theo  THANH NHỊ (baoquangngai)

 

Có thể bạn quan tâm