(GLO)- Cùng là công trình cấp nước tập trung giống nhau nhưng tại 2 xã Ia Tul và Chư Mố (huyện Ia Pa) lại có cách quản lý, vận hành khác nhau dẫn đến việc nơi thì có nước sử dụng, nơi thì không, gây bức xúc cho người dân.
Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại xã Ia Tul, huyện Ia Pa được đưa vào sử dụng tháng 10-2010. Đây là công trình có kinh phí hơn 2 tỷ đồng từ nguồn vốn nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Công trình gồm 2 giếng khoan sâu 120 mét, 1 đài nước cao 20 mét, 1 bồn chứa 70 m3 và 2 máy bơm điện. Công trình cấp nước sinh hoạt cho 295 hộ dân ở 4 buôn gồm: Biah A, B, C và Pơ Tao.
Có công trình cấp nước nhưng người dân Chư Mố không được thụ hưởng. Ảnh: Trần Đức |
Để quản lý, vận hành công trình nước, UBND xã Ia Tul thành lập 1 tổ quản lý gồm 3 người, do Phó Chủ tịch UBND xã làm tổ trưởng. Nhiệm vụ của tổ là bảo quản, vận hành, sửa chữa và thu tiền nước của các hộ dân. Xã quy định giá tiền nước là 4.000 đồng/m3.
Nhờ được quan tâm bảo dưỡng, tu sửa thường xuyên nên công trình ít xảy ra hư hỏng, nguồn nước được cấp thường xuyên cho người dân sử dụng. Đầu năm 2015, công trình gặp sự cố về điện gây cháy 2 máy bơm, xã Ia Tul đã họp thống nhất trong Đảng ủy, UBND xã dùng 13 triệu đồng từ kinh phí chi thường xuyên để sửa chữa được 1 máy bơm, đảm bảo cấp nước cho người dân. Ông Đỗ Hoàng Châu-Phó Chủ tịch UBND xã cho hay, dù chỉ còn 1 máy bơm, giảm 50% công suất, nhưng để duy trì cấp nước cho người dân, xã đã quyết định tăng thời lượng bơm nước lên mỗi ngày 2 giờ đồng hồ (sáng từ 4 giờ đến 9 giờ; chiều từ 14 giờ đến 18 giờ).
Đáng mừng là dù tiền lương cho tổ quản lý thấp, cứ phập phù từ 200.000 đồng đến 1 triệu đồng/tháng, nhưng tổ quản lý vẫn khắc phục khó khăn để duy trì hoạt động phục vụ cấp nước cho người dân. Ông Rơ Châm Mông-Bí thư chi bộ buôn Pơ Tao kiêm nhân viên thu tiền nước vui vẻ bày tỏ: “Tiền lương không đủ đổ xăng để chạy đi trông coi công trình và thu tiền nước, vợ mình cứ la hoài nhưng để duy trì cấp nước sạch cho bà con sử dụng nên mình cứ phải thuyết phục vợ để đi làm. Nếu không người dân lại phải dùng nước giếng bị nhiễm vôi và phèn nặng thì ảnh hưởng đến sức khỏe”.
Cách đó 3 km, công trình cấp nước tập trung tại khuôn viên trụ sở UBND xã Chư Mố được bàn giao đưa vào sử dụng tháng 1-2013. Đây là công trình xây dựng với tổng kinh phí 4,3 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh. Công trình cấp nước cho 230 hộ dân 3 buôn gồm: Ơi Briu 1, 2 và Chrôh Braih. Giá tiền nước là 4.500 đồng/m3.
Giống như xã Ia Tul, xã Chư Mố cũng thành lập một tổ quản lý vận hành công trình nước với đủ thành phần và phân công trách nhiệm cụ thể. Thế nhưng công trình nước của xã Chư Mố chỉ hoạt động được một thời gian ngắn, từ tháng 7-2014 đến nay dừng hoạt động. Lý do theo ông Ksor Jú-Chủ tịch UBND xã là vì: “Điện lực Ayun Pa cắt điện vì công trình nước nợ 3,4 triệu đồng tiền điện, do người dân không chịu nộp tiền nước”.
Chuyện nhiều người dân không chịu nộp tiền nước là có thật. Ông Ksor Rôm-Trưởng thôn Chrôh Braih, kiêm nhân viên thu tiền nước cho biết: Thôn có 40 hộ ký hợp đồng mua nước sạch của công trình nhưng gần nửa trong số đó không trả tiền nước. Lý do là vì người dân nghi ngờ chất lượng nước không đảm bảo khi họ xả nước lên người để tắm thì sờ lên da có lớp trơn, nhớt như bôi xà phòng lên người.
Chủ tịch UBND xã Ksor Jú cũng thừa nhận có tình trạng nước bị trơn và nhớt như thế. Tuy nhiên, có điều lạ là từ trước đến nay chính quyền xã chưa hề xuống để kiểm tra thực hư về chất lượng nước cũng như yêu cầu phía nhà thầu thi công và chủ đầu tư công trình vào cuộc để khắc phục sự cố trên.
Thiếu nước sinh hoạt, người dân trong xã buộc phải bỏ tiền ra để khoan giếng phục vụ cuộc sống. Chủ tịch UBND xã cho hay, có đến 30% số hộ trong xã bỏ tiền ra từ 4 triệu đồng đến 10 triệu đồng khoan giếng sâu 20-50 mét để lấy nước sinh hoạt. Các hộ còn lại buộc phải đi chở nước ở sông Tul cách xa 6 cây số về sử dụng vì hầu hết nước giếng đào trong xã bị nhiễm phèn và vôi nặng không ăn uống được; còn nước sông Ba gần đây bị ô nhiễm nên người dân không lấy về dùng nữa.
Trần Đức