Một đề án vì chất lượng dân số ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hiện nay, Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh đang triển khai đề án sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh tại 8 huyện, thị xã và thành phố. Trường Đại học Y Dược Huế phối hợp thực hiện giúp đỡ về chuyên môn.
Theo ghi nhận của chúng tôi, những đơn vị đang triển khai đề án đã làm được nhiều việc thiết thực. Nhiều cặp vợ chồng khi chuẩn bị sinh con đã tìm đến trạm y tế để được tư vấn, kiểm tra sức khỏe nhằm phòng ngừa và điều trị những bệnh lý có thể ảnh hưởng đến con cái. Nhiều phụ nữ mang thai đến các cơ sở y tế siêu âm được tư vấn kịp thời, sớm nhận biết khuyết tật về mặt hình thể thai nhi để phát hiện và có cách điều trị. Qua việc siêu âm, phát hiện thai nhi bất thường, cán bộ y tế tư vấn cho sản phụ có thể đình chỉ thai trong những trường hợp dị tật nặng hoặc đối với thai nhi mắc bệnh nhẹ hơn có thể điều trị ngay từ trong bụng mẹ.
Cán bộ y tế TP. Pleiku đang trao đổi về đề án. Ảnh: Đinh Yến
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp khi trẻ chào đời mới có thể phát hiện được bệnh. Vì các căn bệnh này thường liên quan tới gen di truyền, dị tật về nhiễm sắc thể, do đó chỉ bằng cách để trẻ chào đời sau 36 giờ tuổi, lấy máu ở vùng gót chân trẻ thấm vào 2 mặt giấy thấm có chu vi hình tròn, rồi để mẫu khô tự nhiên từ 1,5 giờ đến 3 giờ, gửi ngay mẫu theo đường bưu điện đến phòng xét nghiệm sàng lọc sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ- TP. Hồ Chí Minh. Kết quả sẽ có từ 24 giờ đến 36 giờ sau khi nhận mẫu. Nếu kết quả sàng lọc sơ sinh trong giới hạn bình thường thì bệnh viện không báo kết quả ngay, còn các bé bị thiểu năng tuyến giáp sẽ được thông báo sớm cho các đơn vị ở xa bằng điện thoại để mời trường hợp trẻ sơ sinh đó làm xét nghiệm chẩn đoán và có phương pháp điều trị kịp thời.
Theo PGS.TS. Nguyễn Viết Nhân- Trường Đại học Y Dược Huế, việc sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh đã có những kết quả tốt, bước đầu đã phát hiện được nhiều trường hợp dị tật như hội chứng Dow, những trường hợp dị tật về hình thể thiếu men G6PD, suy giáp trạng bẩm sinh... Từ đó góp phần vào quá trình nâng cao chất lượng dân số một cách tốt nhất.
Để cán bộ y tế, người dân hiểu rõ hơn mục đích và ý nghĩa của việc thực hiện đề án, mới đây, Chi cục Dân số-KHHGĐ đã tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền cho các y sĩ, nữ hộ sinh cấp tỉnh, đồng thời tổ chức tập huấn cụm tại thị xã An Khê và huyện Chư Sê để người dân hiểu rõ, từng bước chấp nhận việc làm này cũng như chương trình tiêm chủng mở rộng. Mặt khác, ngành Y tế cũng đã tuyên truyền đến các nhân viên y tế, lãnh đạo các cấp hiểu rằng sàng lọc trước sinh và sơ sinh sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho gia đình, xã hội. Các bà mẹ nên biết, trong số các nguyên nhân dẫn đến dị tật bẩm sinh, tuổi tác của người mẹ (trên 35 tuổi) cũng là một nguy cơ cần chú ý. Bởi lẽ, tuổi tác liên quan đến quy luật của di truyền. Các sản phụ có yếu tố nguy cơ (tiền sử gia đình có người đẻ thai bất thường, những lần mang thai trước có vấn đề...) nên đến những nơi làm chẩn đoán trước sinh để được tư vấn trước và trong thời gian mang thai.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Măng Đung cho rằng: Việc tổ chức khám sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh và can thiệp, điều trị sớm cho phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh ở các cơ sở y tế là cần thiết nhằm ngăn chặn và giải quyết tình trạng dị tật bẩm sinh ở trẻ góp phần nâng cao chất lượng dân số. 
Yến Long

Có thể bạn quan tâm