Một kiểu điều trị chó dại cắn... kỳ cục!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dùng thuốc nam được cắt bằng lá tươi và nước tôi sắt (nước làm nguội sắt khi đã được nung đỏ) trong các lò rèn là phương thuốc gia truyền mà thầy lang Ngô Ngọc Du (thôn 3- xã Đak Pơ- huyện Đak Pơ- Gia Lai) đang dùng để chữa cho bệnh nhân bị chó dại cắn. Hàng năm, ông Du tiếp nhận điều trị cho hơn 3.000 người bị chó cắn…
Trong vai một người đi cắt thuốc cho người nhà bị chó dại cắn, chúng tôi đến nhà thầy Du để tìm hiểu về cách chữa bệnh của ông. Dù đã gần 11 giờ trưa, nhưng trong phòng khách chật chội vẫn có hơn 10 người đến từ huyện Kbang, Đức Cơ và tỉnh Bình Định ngồi đợi để được cắt thuốc. Phải gần 12 giờ, ông Du mới trở về và bắt đầu ghi tên, tuổi, địa chỉ của người bệnh. Sau khi đã có đầy đủ thông tin cá nhân của những người cần điều trị chó dại cắn, ông Du vào căn phòng được đóng kính phía sau nhà bếp để cắt thuốc. Dù phải đợi 45 phút nhưng ai nấy đều quên cơn đói khi sắp được thầy… phát thuốc.
Thầy Du đang hướng dẫn cách sử dụng thuốc (ảnh chụp bằng điện thoại DĐ)
Thầy Du đang hướng dẫn cách sử dụng thuốc (ảnh chụp bằng điện thoại DĐ)
Điều bất thường là trước khi phát thuốc cho mọi người, ông Du bắt đầu “nổ”: Thuốc này là thuốc gia truyền từ đời ông cố tôi để lại. Không phải ai cũng có thể nối dõi nghề, tôi hành nghề đã 32 năm rồi. Tôi làm không phải vì mục đích kinh tế mà vì người bệnh. Nhiều ca khó từ Bệnh viện Pasteur- Nha Trang (Khánh Hòa) giới thiệu về để tôi điều trị. Tôi cũng có gửi thuốc đi cho các trung tâm khoa học nghiên cứu nhưng vẫn không thể tìm ra hết tác dụng của thuốc…
Ông cũng không quên nói về lương tâm nghề nghiệp của mình và quan hệ tương sinh, tương khắc của thuyết ngũ hành. Sau khi trình bày xong ông đưa thuốc và phương thức sử dụng được in ra trên nửa trang giấy A4 cho mọi người: “Thuốc sắc bằng nước tôi thợ rèn. Nếu không có nước tôi thợ rèn, thì lấy thật nhiều sắt nướng đỏ nhúng vào 4 chén nước lạnh, khi nào còn 3 chén lấy nước đó sắc thuốc cũng được…
Cách sắc, từ 3 chén ăn cơm còn lại 1 chén… cho người bệnh uống, mỗi lần cách nhau từ 10 tiếng đến 12 tiếng đồng hồ. Trước khi uống phải ăn no (thuốc chỉ sắc 1 lần), sau khi uống thuốc từ 30 phút đến 1 giờ, nếu mặt đỏ, mắt mờ, tay cào cấu, nói nhảm thì đúng chó dại, xuất từ 10 đến 16 tiếng đồng hồ người sẽ hết trở lại bình thường (phải có người coi, giữ không được để đi lại té ngã). Không được uống rượu và nước đường nguyên chất. Từ lúc uống đến 7 giờ sau cho uống nước đậu xanh (sống hoặc chín cho mát). Chú ý: Trường hợp đặc biệt: Uống thuốc một thời gian sau (không hạn định), vết chó cắn bị ngứa, tê, bại khác thường phải nhanh chóng kịp thời chữa trị (không được chậm trễ)… (N.V)”.
Cũng theo ông Du, tùy vào độ tuổi để chia số lần uống thuốc, nếu từ 1 tuổi đến 7 tuổi thì một thang sắc lấy 1 chén uống 3 lần, từ 8 đến 10 tuổi thì một thang uống 2 lần, còn từ 10 tuổi trở lên chỉ uống 1 lần. Nếu sau khi uống, người bệnh cảm thấy mệt mỏi thì có thể kéo dài thời gian cho uống thuốc lần thứ hai từ 20 giờ đến 24 giờ. Do thuốc được cắt bằng lá tươi, nên phải đảm bảo được sử dụng trong vòng 24 giờ, quá thời gian và không có nước tôi sắt sẽ không có tác dụng. Mỗi người bị chó dại cắn chỉ cần uống 1 thang thuốc của ông là đủ.
Ông Trương Ngọc L- thôn 1- xã Nghĩa An- huyện Kbang cho biết: “Tôi cũng nghe người ta đồn thôi. Vì con còn nhỏ sợ tiêm thuốc phòng dại ảnh hưởng đến sức khỏe nên ra cắt thuốc về cho con uống và cả cho 2 người hàng xóm. Có bệnh thì vái tứ phương chứ biết làm sao bây giờ…”. Theo những người dân nơi đây cho biết, ngày nào cũng có người đến cắt thuốc có khi mấy chục người.
Mở thang thuốc mà ông Du vừa cho, chúng tôi chỉ thấy toàn lá tươi đã được ông cắt nhỏ, mùi lá cây ngải cứu là rõ nhất. Mỗi thang thuốc có giá 50.000 đồng. Cuốn sổ ghi tên bệnh nhân mua thuốc trong năm 2010 của ông Du lên đến 3.140 người. Vậy là mỗi năm ông Du thu về hơn 150 triệu đồng từ nghề thầy lang của mình.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phùng Xuân Quýnh- Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Sở Y tế chưa biết thông tin về cách chữa bệnh của ông Du và cũng chưa hề cấp giấy phép hành nghề cho ông. Nếu sự việc có thật, Sở sẽ chỉ đạo cán bộ kiểm tra làm rõ…”. Theo ông Quýnh nói thì cơ quan chức năng huyện Đak Pơ đã buông lỏng trong quản lý đối với trường hợp hành nghề của ông Du.
Nên chăng cơ quan chức năng sớm vào cuộc để làm rõ?
Lê Anh

Có thể bạn quan tâm