Điểm đến Gia Lai

Một lần thăm trại thương binh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dù tỉnh Kon Tum đã “ra riêng” từ lâu, nhưng ký ức về một thời chung tỉnh vẫn còn mãi trong tôi. Đặc biệt là lần tôi được tháp tùng Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Sỹ đến thăm Trại thương binh nặng của tỉnh Gia Lai-Kon Tum, khi ấy đóng ở thị xã Kon Tum hồi cuối tháng 12-1989.

Tôi nhớ khi đó, tính cả cán bộ, nhân viên phục vụ và thương binh, Trại có hơn 70 người. Trong đó có 10 thương binh nặng, không có khả năng tự chăm sóc mà cần người phục vụ theo chế độ đặc biệt của Nhà nước quy định. Mặc dù khi ấy là thời điểm giao thời giữa cơ chế bao cấp và thị trường, có những chính sách đối với thương binh nói chung và thương binh nặng nói riêng cũng không còn được bao cấp nữa.

Anh Nguyễn Viết Thiếp-Quản đốc đã báo cáo với Bí thư Tỉnh ủy tình hình của Trại, từ đời sống, bệnh tình của thương binh đến sự chăm sóc của anh chị em cán bộ, nhân viên đối với thương binh... Tôi đặc biệt quan tâm tìm hiểu về những cặp vợ chồng thương binh “tàn nhưng không phế”, trong đó có gia đình của Quản đốc Nguyễn Viết Thiếp.

Anh cho biết, Trại thương binh được thành lập từ đầu năm 1972, trong căn cứ của tỉnh Kon Tum. Anh Thiếp gắn bó với Trại từ những năm đầu mới thành lập. Anh kể, quê anh ở tỉnh Hải Dương. Anh nhập ngũ năm 1970 và đã tham gia chiến đấu ở chiến trường Đường 9 Nam Lào, cao nguyên Boloven (Lào) và trong Chiến dịch Xuân-Hè 1972 ở Kon Tum. Hồi đó, anh là chiến sĩ thuộc Sư đoàn Bộ binh 2 (Quân khu 5).

Ảnh minh họa: Đ.M.P

Khi chúng tôi đến thăm, anh đã là cha của 4 đứa con. Anh xây dựng gia đình từ khi còn ở trong căn cứ, vợ là thầy thuốc, người đã trực tiếp chăm sóc, chữa bệnh cho anh, động viên anh vượt qua khó khăn bệnh tật. Nhờ chị mà anh có thêm động lực vượt lên chiến đấu và chiến thắng bệnh tật.

Ngày đó, Trại thương binh được phép tận dụng đất trong khuôn viên của Trại hơn 10 ha để tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống cho thương binh. Cũng như nhiều thương binh còn có sức lao động và anh chị em cán bộ, nhân viên của Trại, anh có khu vườn tăng gia. Từ sự cố gắng chăm chỉ làm lụng mà gia đình anh cũng có một khoản thu nhập ngoài lương để trang trải cuộc sống hàng ngày.

Theo yêu cầu của Bí thư Tỉnh ủy, anh Thiếp đưa chúng tôi đến thăm một số gia đình thương binh nặng, đầu tiên là nhà anh A Chi. Anh A Chi người dân tộc Xê Đăng, quê ở huyện Đăk Tô, bị thương mù cả 2 mắt vào lúc đang cao điểm Chiến dịch Xuân-Hè 1972 ở Kon Tum.

Khi chúng tôi đến, chị Nguyễn Thị Tuyết-vợ anh A Chi đang bồng đứa con trai hơn 1 tuổi. Chị Tuyết tâm sự: Chồng em bị mù cả 2 mắt, còn em thì liệt một bên người. Những ngày mới thương nhau, nhiều người trong Trại bày tỏ sự lo ngại cho chúng em. Nhưng rồi, tình yêu và cuộc sống đã cho chúng em nghị lực vươn lên.

Trong câu chuyện của chị, khi đó tôi chợt nghĩ giá mà anh A Chi còn đôi mắt sáng thì có lẽ anh vui biết mấy khi thấy người vợ hiền có gương mặt xinh đẹp, hiền hậu. Như đoán được điều tôi nghĩ, anh Thiếp cho hay: A Chi và Tuyết là một đôi “tàn nhưng không phế”, họ sống cùng nhau đã 5 năm, sinh được 2 con gái 1 con trai lành lặn, ngoan hiền, gia đình rất thuận hòa và hạnh phúc.

Chúng tôi đến thăm vợ chồng thương binh nặng Ksor Kia và chị Thúy. Anh Kia bị thương trong một trận đánh ở Tân Cảnh năm 1972 cụt cả 2 chân, chị Thúy mất 1 chân. Lúc này, anh chị đã có 1 cháu gái. Cũng như những đôi vợ chồng thương binh khác, với sự cần cù, chịu thương chịu khó, anh chị cũng trồng được rau lang, nuôi heo, cùng với những khoản trợ cấp của Nhà nước nên cuộc sống cũng được cải thiện phần nào.

Anh Thiếp cho biết thêm, dù khó khăn lắm, nhưng Ban lãnh đạo Trại cũng cố gắng bố trí cho những đôi vợ chồng có được chỗ ở riêng, có đất tăng gia trong khuôn viên của Trại. Về đời sống tinh thần cũng được chăm lo khá chu toàn, hàng tuần có chiếu phim để thương binh và cán bộ, nhân viên xem. Khi ốm đau được nhân viên y tế của Trung đoàn 10 (Quân đoàn 3, nay là Quân đoàn 34) đến Trại chăm sóc, nặng thì họ đưa về bệnh viện của đơn vị điều trị.

Đã 36 năm trôi qua kể từ lần gặp gỡ ấy, không biết những anh chị em thương binh ở Trại thương binh tỉnh Gia Lai-Kon Tum ngày ấy giờ ai còn, ai mất, cuộc sống gia đình con cháu của họ ra sao. Đôi lần có dịp, tôi hỏi thăm một số cán bộ cùng thời, nhưng không còn ai nhớ nữa. Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum, sau là Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Nguyễn Văn Sỹ, khi chưa mất, có lúc 2 chú cháu nhắc lại chuyến thăm Trại thương binh năm xưa.

Có thể bạn quan tâm