(GLO)- Krông Pa là huyện có khí hậu nắng nóng quanh năm nhưng lại sở hữu điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi dê. Hiện nay, đàn dê ở Krông Pa được coi là lớn nhất tỉnh, trên chín ngàn con. Bởi vậy, nơi đây nhiều người biết đến như là “xứ sở ngàn dê”. Và thịt dê trở thành món không thể thiếu trong những lúc nhâm nhi và trong cả ngày Tết của người dân vùng này.
“Xứ sở ngàn dê”
Ở vùng “chảo lửa” Krông Pa, ông Nguyễn Văn Nhâm, thôn Đồng Tĩnh (xã Chư Drăng) được biết đến như một “đại gia” về chăn nuôi dê. Trên đường tìm đến nhà “đại gia” dê, hình ảnh người đàn ông trung niên lọt thỏm giữa hàng trăm con dê bên sườn núi Chư Drăng ngay lập tức thu hút sự chú ý của chúng tôi. Dõi mắt về phía đỉnh Chư Drăng, ông Nguyễn Văn Nhâm trải lòng: “Cái duyên đến với nghề nuôi dê của gia đình tôi hết sức tình cờ. Vợ chồng tôi vay vốn ngân hàng được 10 triệu đồng, mua một mảnh rẫy hơn 3 triệu đồng, còn lại 7 triệu đồng chúng tôi bèn quyết định mua dê về nuôi”.
Đàn dê nhà ông Nhâm. Ảnh: Đinh Yến |
Khởi nghiệp nuôi dê từ 5 con dê cái giống và 1 con dê đực vào năm 2003, đến nay vợ chồng ông Nhâm đã sở hữu đàn dê lên đến 100 con. Xác định dê sẽ đem lại nguồn lợi kinh tế cao, hàng ngày vợ chồng ông trông nom đàn dê cẩn thận, chăm sóc chúng như một thứ tài sản đặc biệt. Theo ông Nhâm, việc nuôi dê khá đơn giản, chủ yếu nắm được các đặc tính của dê để phòng ngừa dịch bệnh. Hơn nữa, chuồng trại nuôi dê cũng làm đơn giản nhưng phải thông thoáng, sạch sẽ, tránh nắng nóng và sàn gỗ cách mặt đất khoảng 1 mét vì loài dê không ưa độ ẩm cao. Phía trước chuồng nuôi cần có một khoảnh đất trống để quản lý theo dõi đàn dê, cho ăn, phối giống và phòng trị bệnh. Nuôi dê chỉ mất công chăn thả chứ không phải cho ăn như gia súc gia cầm, bởi thế chỉ cần bỏ ra chi phí ban đầu vài triệu đồng để mua giống, sau đó vài tháng người nuôi dê có thể đã lấy lại được vốn. Ông Nhâm cho hay: Việc chăn nuôi dê rất phù hợp với địa bàn Krông Pa, bởi với lợi thế địa hình đồi núi, khí hậu thuận lợi cho cây tạp, cỏ dại phát triển là nguồn thức ăn dồi dào để chăn thả dê. Hiện nay, thị trường tiêu thụ dê thịt cũng rất mạnh, các thương lái tìm đến tận nhà hỏi mua với giá khá cao và ổn định. Dê ít bị dịch bệnh, chi phí thức ăn không nhiều nên hiệu quả mang lại khá cao.
Những món “độc” từ dê
Món ngóe dê là đặc sản thịt dê ở Krông Pa. Ảnh. Đinh Yến |
Theo khẳng định từ những người nuôi dê có kinh nghiệm thì thịt dê Krông Pa ngon hơn các vùng khác, bởi lẽ, dê ở đây được nuôi thả tự nhiên bên những sườn núi, ăn các loại lá cây có thể làm thuốc, nên thịt rất chắc, thơm ngon và bổ dưỡng. Bởi thế, tại Krông Pa hiện có rất nhiều quán ăn, nhà hàng chế biến đặc sản từ thịt dê, nhưng mỗi nhà hàng lại có những món “độc” riêng. Thông thường, dê được chế biến thành nhiều món: dê hấp, dê tái, dê nướng, xào lăn, nấu mẻ… tùy vào gu của thực khách. Nhưng có một điều, khi thưởng thức các món đặc sản từ thịt dê mà chưa nếm qua những món “độc” từ dê như “quách dê” và “ngóe dê”… thì xem như là chưa xuống “xứ sở ngàn dê”.
Thịt dê còn có hàm lượng chất đạm cao hơn so với thịt bò. Cứ 100g thịt dê chứa đến 20g chất đạm, trong khi đó trong 100g thịt bò chỉ chứa 18g chất đạm. Xương dê được làm cao trị chứng đau lưng, máu dê hòa với rượu uống sẽ giúp lưu thông máu huyết trị chứng đau đầu, dạ dày dê tốt cho điều trị chứng rối loạn tiêu hóa, gan dê giúp sáng mắt, thận dê được dùng trị chứng trầm cảm. Dê còn là vị thuốc giúp các bà mẹ tăng cường sữa trong giai đoạn cho con bú.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa, cho biết: Dê ở đây nuôi theo hình thức quảng canh, chăn thả theo đàn, tự nhiên. Điều kiện thời tiết ở Krông Pa dù rất phù hợp cho việc nuôi dê lấy thịt, nhưng nếu để nuôi dê lấy sữa thì sẽ rất khó. Song nếu có doanh nghiệp mạnh dạn về đầu tư nuôi dê lấy sữa thì vẫn có thể làm được.
Đinh Yến