Kinh tế

Doanh nghiệp

Một số giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội và hỗ trợ doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2012, kinh tế toàn cầu đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức do tác động bất lợi từ cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế; nhưng với sự nỗ lực chỉ đạo, điều hành tích cực của Chính phủ và sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; nước ta đã đạt được nhiều thành quả đáng trân trọng, trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt khoảng 5,03%, chỉ số giá tiêu dùng cả năm là 6,81%. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 114 tỷ USD, tăng 18,3% so với năm 2011.
 

 

Tỷ lệ nhập siêu bằng khoảng 7,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu được Quốc hội thông qua là không quá 18% cũng như mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 11 là không quá 16%. Cán cân thanh toán tổng thể năm 2012 ước thặng dư khoảng 10 tỷ USD. Ngành nông nghiệp đạt mức kỷ lục về sản lượng lương thực (43,4 triệu tấn), tăng 2,6 triệu tấn so với năm 2011…

Ở Gia Lai, GDP đạt mức tăng trưởng 12,9%, trong đó, nông-lâm nghiệp-thủy sản, tăng 7,29%; công nghiệp-xây dựng tăng 16,35%; dịch vụ tăng 15,26% (năm 2011 đạt 13,14%, trong đó ngành nông-lâm nghiệp-thủy sản tăng 6,98%; công nghiệp-xây dựng tăng 18%; dịch vụ tăng 15,86%). Cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch tích cực, nông-lâm nghiệp-thủy sản chiếm 41,45%; công nghiệp-xây dựng chiếm 32,12%, dịch vụ chiếm 26,31%. GDP bình quân đầu người đạt 26,16 triệu đồng/năm (tương đương 1.242 USD, tăng 21,2% so với năm 2011).

Năm 2013, theo dự báo của các nhà kinh tế, tình hình kinh tế thế giới sẽ có nhiều khó khăn, do thâm hụt ngân sách và nợ công tăng quá mức đang là áp lực đối với các nước ở khu vực châu Âu, Mỹ… do nguy cơ phá sản của một vài quốc gia cũng như phản ứng dây chuyền của một số quốc gia khác, sự suy sụp của đồng Euro... Nhiều quốc gia sẽ thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”, điều này ảnh hưởng tới các nước có nền kinh tế dựa vào xuất khẩu.

Trong tình hình này, kinh tế nước ta cũng chịu sự ảnh hưởng từ kinh tế thế giới. Lạm phát mặc dù được kiểm soát nhưng vẫn còn ở mức cao, kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn ở mức cao, nợ xấu ở ngân hàng vẫn tiếp tục gia tăng áp lực, nhập siêu, cán cân thanh toán quốc tế, dự trữ ngoại hối, tỷ giá, thị trường vàng vẫn biến động bất thường…

Điều này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản, kênh huy động vốn lớn cho nền kinh tế giảm sút... Đó là những khó khăn và thách thức thực hiện các mục tiêu của năm 2013 nếu như không tiếp tục các giải pháp một cách đồng bộ và quyết liệt.

 

Ảnh: Đức Thụy

Tỉnh Gia Lai vẫn xác định trong năm 2013, GDP ở mức 12,5%, trong đó nông-lâm nghiệp-thủy sản tăng 7,8%, công nghiệp-xây dựng tăng 13,45%, dịch vụ tăng 16,62%. Cơ cấu kinh tế nông-lâm-thủy sản chiếm 40,53%; công nghiệp-xây dựng chiếm 32,24%; dịch vụ chiếm 27,23%; giá trị sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp đạt 8.847 tỷ đồng, tăng 7,94% so với năm 2012; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 7.605 tỷ đồng, tăng 11,6% so với năm 2012; huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội 11.385 tỷ đồng, tăng 10%; thu ngân sách tăng 5,88% so với năm 2012 (3.600 tỷ đồng); hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tăng 27,2% đạt 26.900 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 390 triệu USD.

Qua phân tích những thuận lợi và khó khăn trong tình hình kinh tế hiện nay, dựa vào nguồn nhân-vật lực và các lợi thế của tỉnh, chúng tôi đề xuất một số giải pháp để kinh tế tỉnh nhà nói chung và các doanh nghiệp trong tỉnh nói riêng hoàn thành tốt các mục tiêu kế hoạch, ổn định để xây dựng và phát triển trong thời gian tới.

Một là, ưu tiên phát triển những ngành có thế mạnh, trong đó cần tập trung vào ngành nông nghiệp phát triển theo hướng đầu tư chiều sâu và thâm canh, tăng cường chế biến và tạo sự đột phá bằng việc đầu tư giống mới có năng suất cao, áp dụng các tiến bộ của công nghệ sinh học trong nông nghiệp để phát triển sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao hơn.  Nông nghiệp được hiểu theo nghĩa rộng là nông-lâm-thủy sản nước ngọt, trong đó, cũng cần nghiên cứu bài toán cân đối chăn nuôi và trồng trọt trong từng giai đoạn cụ thể, trong kế hoạch hàng năm và kế hoạch 5 năm.

Hai là, cần sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh về mặt vĩ mô như việc quan hệ với các tổ chức tín dụng có uy tín và có nguồn lực thực sự, để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Ba là, tiếp tục tái cấu trúc nền kinh tế, đối với tỉnh Gia Lai, để chủ động hơn trong việc sắp xếp và tái cấu trúc kinh tế thì một trong những ưu điểm là tập trung nguồn vốn để hoàn thiện các khu-cụm công nghiệp trọng điểm của tỉnh và các cụm công nghiệp của các huyện, thị xã có lợi thế so sánh, để sớm đưa vào hoạt động, thu hút nguồn vốn đầu tư của các nhà đầu tư lớn trong tỉnh, trong nước và nước ngoài. Đây cũng là một hướng tích cực góp phần tái cấu trúc kinh tế và là một giải pháp cụ thể nuôi dưỡng và phát triển nguồn thu.

Bốn là, với những lợi thế sẵn có về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý của mình, tỉnh cần có những chính sách, cơ chế đặc thù để thu hút các nhà đầu tư bên ngoài. Cùng với đó, cần có chính sách phát triển, đào tạo nguồn nhân lực và thu hút nhân tài.  

Năm là, tỉnh cần có những giải pháp tổng thể, triển khai có hiệu quả các chính sách để tháo gỡ khó khăn giúp cho doanh nghiệp tiếp tục ổn định, tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh lành mạnh. Chống thế độc quyền và cạnh tranh bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

TS. Lê Đức Tánh
Thành viên Ban KTNS - HĐND tỉnh Gia Lai

Có thể bạn quan tâm