(GLO)- Tối 19-12, dưới Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên (Quảng trường Đại Đoàn Kết, TP. Pleiku), những ca khúc cách mạng do các nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San thể hiện đã gợi lại ký ức hùng tráng về những năm tháng kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc.
Đêm nhạc “Một thời tiếng hát át tiếng bom” (do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Ban Liên lạc những người tham gia hoạt động cách mạng trong thời kỳ kháng chiến tỉnh tổ chức) diễn ra trong tiết trời khá lạnh, chỉ khoảng 13 độ. Dù vậy, các diễn viên vẫn hừng hực lửa đam mê, cống hiến cho khán giả những tiết mục được dàn dựng công phu, đầy tính nghệ thuật.
Đêm nhạc “Một thời tiếng hát át tiếng bom” được dàn dựng công phu, chuyên nghiệp. Ảnh: P.L |
Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Quang Tâm-Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San, chia sẻ: “Chương trình nghệ thuật này được gấp rút chuẩn bị trong vòng nửa tháng từ khâu xây dựng cho đến tập luyện. Chương trình là một mạch nối dài gồm 4 chương: Bừng sáng; Khúc Khải hoàn; Về đất mẹ; Gia Lai-mảnh đất anh hùng với các bài hát ca ngợi Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, ca ngợi quê hương đất nước và Gia Lai giàu đẹp, thể hiện ý chí quật cường của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng cuộc sống mới trong thời bình”.
Những ca khúc cách mạng đã đi vào lòng bao thế hệ như: Chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam; Hát mừng Anh hùng Núp; Nam bộ kháng chiến; Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây; Đất nước trọn niềm vui... đã được các nghệ sĩ, diễn viên thể hiện đầy cảm xúc, khơi gợi những ký ức một thời đạn lửa hùng tráng cũng như niềm tự hào, tình yêu quê hương đất nước trong mỗi khán giả.
Đặc biệt, chương trình nghệ thuật “Một thời tiếng hát át tiếng bom” còn có sự tham gia của Nghệ sĩ Ưu tú Rơ Chăm Pheng và ca sĩ Ngọc Thủy đến từ Hà Nội. Với chất giọng cao vút, truyền cảm, Nghệ sĩ Ưu tú Rơ Chăm Pheng đã đem đến ấn tượng khó quên cho đông đảo khán giả qua 2 ca khúc Cánh chim báo tin vui và Người lái đò trên sông Pô Kô. “Tôi đã từng hát rất nhiều ca khúc về Tây Nguyên, đặc biệt là ca khúc Người lái đò trên sông Pô Kô, nhưng mỗi lần hát lại là một cảm xúc khác nhau. Được góp mặt trong đêm nhạc của quê hương chào mừng Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12 này, tôi thật sự thấy rất vinh dự và tự hào”-Nghệ sĩ Ưu tú Rơ Chăm Pheng bày tỏ.
Càng về khuya, trời thêm lạnh buốt nhưng nhiều khán giả vẫn cố gắng nán lại, co ro trong lớp áo mũ dày cộm để thưởng thức từng tiết mục nghệ thuật. Ông Nguyễn Văn Hòa (71 tuổi, đường Cách Mạng Tháng Tám, TP. Pleiku) cho hay: “Tôi thấy chương trình nghệ thuật này rất hay và rất ý nghĩa. Các tiết mục được dàn dựng công phu, bài bản, chuyên nghiệp, khiến tôi thêm tự hào, thêm yêu đất nước, quê hương mình”.
Trao đổi với P.V, ông Phan Xuân Vũ-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, cho biết: Chương trình nghệ thuật “Một thời tiếng hát át tiếng bom” là hoài niệm về một thời oanh liệt, qua đó ôn lại và phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Phương Linh