TN - Đất & Người

Một thời với Bí thư Hoàng Lê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm cuối thập niên 70, đầu 80 của thế kỷ trước, trên địa bàn tỉnh Gia Lai-Kon Tum, tình hình an ninh chính trị rất phức tạp. Tại nhiều địa phương, bọn phản động FULRO hoạt động khá mạnh, có nơi cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cấp xã gần như tê liệt, bị FULRO khống chế, vô hiệu hóa, thậm chí còn có tình trạng hoạt động “2 mặt”. Chư Pah (gồm Ia Grai, Chư Pah ngày nay và một phần huyện Đức Cơ) là một trong những huyện bọn phản động FULRO móc nối với Pôn Pốt bên kia biên giới chống phá chính quyền và nhân dân quyết liệt.

Trước tình hình đó, tháng 5-1985, Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum ban hành nghị quyết chuyên đề (5/85), theo đó tiếp tục tăng cường lực lượng cho huyện và cơ sở truy quét FULRO, bóc gỡ cơ sở ngầm của chúng nhằm ổn định tình hình, tạo điều kiện để nhân dân yên tâm lao động sản xuất; xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Tôi là một trong số gần 40 cán bộ, nhân viên được Tỉnh ủy điều động tăng cường về Chư Pah trong đợt đầu (cuối năm 1984 và đầu năm 1985) theo nghị quyết nói trên với nhiệm vụ tháp tùng Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hoàng Lê, lúc ấy được điều động làm Bí thư Huyện ủy Chư Pah.

 

Đồng chí Phạm Đình Thu-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh (người đi đầu) khảo sát tình hình thiếu đất sản xuất của bà con xã Ia Kreng, huyện Chư Pah ngày 4-7-2013. Ảnh: Đ.M.P

Bấy giờ, đường sá đi lại quá khó khăn, FULRO lại thường xuyên hoạt động quấy rối, an ninh chính trị không đảm bảo. Di chuyển trong các chuyến về làng về xã bằng mấy chiếc U-oát cà tàng, cái gì cũng kêu, trừ… còi. Hồi đó rất ít công văn giấy tờ, họp hành rình rang, mà chỉ đạo trực tiếp ở cơ sở chủ yếu là bằng... miệng. Người viết bài này gọi Bí thư Hoàng Lê bằng chú. Ông có bề ngoài khiến nhiều người nghĩ là khó tính, nhưng không hẳn thế. Có không ít lần chỉ một chú một cháu, một Bí thư một Chánh Văn phòng, thế là lên đường cùng anh lái xe.

Nhưng cũng có lúc trên những con đường hun hút trong rừng già, chẳng có phương tiện di chuyển nào tốt hơn... đôi chân. Nhiều hôm làm việc với cán bộ làng, xã ngay quanh bếp lửa cùng với nồi cơm độn, cá khô, sang hơn thì thêm ché rượu cần ở ngay nhà sàn già làng hoặc trưởng thôn. Trong những lần “làm việc” như thế, chú Hoàng Lê đều bảo Chánh Văn phòng ghi ra giấy chữ cho to, ngắn gọn; ghi rõ việc gì làm trước, việc gì làm sau; ai là người phải làm, làm chừng nào là phải xong, khi nào thì Bí thư huyện trở lại kiểm tra, nếu không hoàn thành thì bị phê bình, kiểm điểm... rồi giao cho Bí thư hoặc Chủ tịch xã. Thế mà công việc của làng, của xã vẫn trôi chảy.

Một trong những chuyến đi đáng nhớ là hôm quá giang xe bò vàng của Xí nghiệp Khai thác Chế biến gỗ của ông Tương về 3 làng Dip, Dút (giờ là xã Ia Kreng, huyện Chư Pah). Chú Hoàng Lê thức trắng đêm cùng với già làng, chủ yếu họ nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ của người làng-Jrai, muốn hiểu, tôi phải nhờ phiên dịch là… chú. Thấy chú và già làng cùng đỏ hoe đôi mắt, câu chuyện cứ ngắt đoạn, tôi muốn biết có chuyện gì, thì chú Lê bảo rằng bà con các làng trên này từ lâu không thấy có cán bộ xuống, nhớ lắm. Nhiều nhà đói cơm, lạt muối, thiếu vải, đau không có thuốc. Trước đây, vùng này là vùng bất hợp pháp, cán bộ, bộ đội lại qua còn vui, còn có muối, có quần áo được cán bộ cho, giờ thì... Ở lại mấy ngày, chú Lê đi hầu khắp các nhà, chỉ từng việc cho bà con biết cách trồng, nuôi những thứ gì ngay trong rẫy, trong vườn để tự khắc phục một phần khó khăn trong khi chính quyền chưa giải quyết được. Và từ đó về sau các làng này đỡ khổ hơn, vì con đường vận chuyển gỗ vượt núi qua đồi của xí nghiệp ông Tương được tu bổ, mùa khô lưu thông tạm ổn.

Nhưng chú Hoàng Lê lại rất “khó tính” trong chuyện viết lách. Có  lần, tôi được giao nhiệm vụ chuẩn bị một số nội dung cho cuộc họp Huyện ủy. Ngoài các văn bản thông thường trình ra cuộc họp, có một nội dung sẽ được thảo luận kỹ, đó là nghị quyết về truy quét FULRO, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội gắn với phát động phong trào thi đua lao động sản xuất, chống đói, chống đau, chống mù chữ... Sau cả tháng tự nắm tình hình và thông qua các bản báo cáo, làm việc với xã, ngành, rồi mất cả tuần tỉ mẩn từng câu, từng chữ, những tưởng đã ổn khi chuyển văn bản đến Bí thư đã vài ngày mà chưa thấy “hồi âm”. Dè đâu, vào một sáng sớm, chú Lê sai người đem cho tôi một phong bì to, dán kín và một gói kẹo. Mở phong bì thì... hỡi ôi. Bí thư ghi một mảnh giấy nhỏ đính kèm tập văn bản, “chú đã xem và sửa, cháu kiểm tra lại rồi cho đánh máy để thông qua Ban Thường vụ, trước khi trình ra Ban Chấp hành”. Kẹo ngọt chú cho cả gói mà có dám ăn, sợ... đắng. Mấy hôm sau chú kêu “tác giả” bản dự thảo nghị quyết lên bảo: Là nghị quyết, không cần thiết văn vẻ cho nhiều, chỉ cần đánh giá khái quát ngắn gọn những việc đã làm được, chưa làm được, nguyên nhân, rồi nói thẳng vào việc sắp đến phải làm, ai làm, cách làm, làm tới khi nào thì sơ kết, rút kinh nghiệm, rồi lại làm... Và kể từ sau khi có nghị quyết ấy cùng với việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 5/85 của Tỉnh ủy, tình hình trên địa bàn huyện Chư Pah nói riêng, cả tỉnh nói chung dần dần đi vào ổn định, tổ chức phản động FULRO bị loại bỏ vào cuối thập niên 80 thế kỷ trước.

Những câu chuyện, những kỷ niệm vui buồn “dọc đường” cùng Bí thư Huyện ủy Chư Pah Hoàng Lê ngày ấy cứ theo mãi tôi trong suốt chặng dài công việc của mình về sau. Lại nghĩ, thời nay, cái thời mà người ta bảo nào là công nghệ, là thông tin, là chính phủ điện tử, là “bốn chấm” gì gì ấy mà sao người viết vẫn cứ ước mơ... Giá mà bây giờ có nhiều những Bí thư như chú ấy, chú Hoàng Lê-Huỳnh Hưng Thạnh!

Đoàn Minh Phụng

Có thể bạn quan tâm