TN - Đất & Người

Một trái tim ngừng đập, vạn tấm lòng nhớ thương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngày qua, kể từ khi nghe tin nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Sỹ (Ksor Krơn) từ trần, tất cả người thân, bạn bè, đồng nghiệp và người dân trong tỉnh đều bày tỏ niềm xúc động, nỗi đau buồn nhớ thương trước sự ra đi của ông. Không thể tính được bao nhiêu giọt nước mắt đã rơi, bao nhiêu cảm xúc của mỗi người dâng trào khi nhắc nhớ về một vị lãnh đạo tận tâm với công việc, luôn gần gũi, chia sẻ tìm hiểu cuộc sống khó khăn của nhân dân.


Sau một thời gian lâm bệnh nặng, được đội ngũ y-bác sĩ và gia đình tận tình chăm sóc, cứu chữa, nhưng vì tuổi cao sức yếu, đồng chí Nguyễn Văn Sỹ (Ksor Krơn) đã từ trần tại nhà riêng vào lúc 9 giờ 30 phút, ngày 28-11-2015. Đó có lẽ là thời khắc đau buồn không gì bù đắp nổi khi Đảng bộ và nhân dân Gia Lai vĩnh viễn mất đi một đảng viên ưu tú, trung kiên; hàng xóm, bạn bè mất đi một người bạn gương mẫu, luôn chia sẻ, quan tâm tới cuộc sống của mọi người. Kể từ đây, gia đình đã vĩnh viễn mất đi một người anh, một người cha, một người ông mẫu mực, tôn kính.
 

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành thắp hương viếng đồng chí Nguyễn Văn Sỹ. Ảnh: Đ.T

Dù đã cố giữ bình tĩnh để lo lễ tang của cha được chu toàn, chị Ksor Hội-con gái thứ tư của đồng chí Nguyễn Văn Sỹ vẫn không thể kìm nén được nỗi đau thương. Là người chăm sóc, gần gũi nhất với cha, nhớ lại những hình ảnh trước đây lúc cha mình còn sống, đôi mắt chị nhòa lệ. Chị Hội nghẹn ngào, kể: “Thương cha lắm vì cha không bao giờ yêu cầu gì ở con cái. Mặc dù bị tai biến từ năm 2011, chân tay ngày càng yếu, mọi sinh hoạt đều khó khăn, nhưng những việc có thể làm được, cha tôi đều cố gắng làm, không muốn làm phiền đến con cháu. Cách đây 2 tuần, dường như cha tôi có linh cảm từ trước về sự ra đi của mình, cha có nói với con gái của tôi rằng “Ông không sống được lâu nữa đâu, ông sắp đi theo Cụ Hồ với Bác Giáp rồi, vài ngày nữa cháu sẽ không được thấy ông ngoại nữa đâu”. Vài ngày sau đó, cha tôi yếu dần. Trước khi mất, cha có dặn dò con cháu phải tổ chức lễ tang theo phong tục của người Jrai, mặc áo truyền thống và đánh chiêng, chúng tôi đã làm theo nguyện vọng cuối cùng của cha mình”.

Những ngày vừa qua, nhiều đoàn người đến viếng, tiễn biệt người Bí thư của nhân dân-Nguyễn Văn Sỹ. Nhiều người không thể cầm được nước mắt khi nhìn di ảnh của ông với đôi mắt sáng, gương mặt phúc hậu và hết sức gần gũi. Trong dòng người ấy, có những người từ Plei Pa (xã Chư Mố, huyện Ia Pa) xa xôi, dù tuổi cao sức yếu nhưng vẫn dậy từ sáng sớm, không quản ngại đường sá xa xôi đến gặp ông lần cuối. Giống như bao lễ tang cấp cao khác, lễ tang của ông cũng có vòng hoa, những nén tâm hương và nước mắt của những người ở lại.

Điểm khác là ngoài tiếng nhạc trầm hùng của bài Hồn tử sĩ (vì được tổ chức theo nghi lễ cấp cao) thì xen lẫn trong không khí trang nghiêm là những tiếng chiêng đến từ Plei Pa, xã Chư Mố, huyện Ia Pa. Theo chia sẻ của ông Rmah Phiêu-thành viên đội cồng chiêng Plei Pa, thì: “Trong tang lễ, đội đã đánh ba bài chiêng là Ơ ayong soach (Hát về anh), Anét amai do anét amai (Kêu gọi các cô gái trẻ không già), Ayao mư thưr ana blơi gum gop (Kêu gọi các buôn làng đoàn kết). Đây là những bài hát chú Ksor Krơn sáng tác lúc còn trẻ, có âm điệu tươi vui. Chúng tôi đánh những bài này là bởi nghe theo lời dặn dò của chú lúc cuối đời, chú vẫn muốn bà con lên thăm mình, đánh cho mình nghe tiếng chiêng vui vẻ”.

Là người vinh dự được làm việc với nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Sỹ, bà Rơ Châm H’Yéo-Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh nghẹn ngào: Lúc đồng chí Bí thư còn đương nhiệm, tôi đang là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai-Kon Tum, may mắn được gặp ông vào mỗi buổi giao ban hàng tuần. Được tiếp xúc với ông, chúng tôi thấy ông là một vị lãnh đạo liêm khiết, dám nghĩ, dám làm, không ngại khó ngại khổ. Đặc biệt, ông luôn tâm lý, ân cần quan tâm, động viên đồng nghiệp. Thời ấy, cuộc sống còn quá khó khăn, nhiều người làm công tác phụ nữ như chúng tôi phải đem con theo. Ông đã luôn động viên chị em chúng tôi phải cố gắng bám dân, bám làng, giúp bà con vượt qua khó khăn. Ông còn bỏ tiền túi để mua kẹo bánh, trà thuốc đến thăm và chúc Tết chúng tôi; ân cần, nhẹ nhàng, quan tâm như một người cha, người chú. Từ hôm nghe tin ông mất, những kỷ niệm về những ngày tháng được làm việc với ông cứ hiện về. Dẫu biết thời gian và quy luật cuộc sống không trừ một ai, nhưng đây thực sự là một sự mất mát quá lớn.

Trong dòng người đến thắp hương tưởng nhớ đồng chí Nguyễn Văn Sỹ, còn có rất nhiều những người trẻ tuổi. Dù không chứng kiến được cách làm việc sáng suốt, tận tâm với dân của chú, nhưng qua những lời kể của nhiều người, họ đã hiểu được tinh thần sống cao đẹp của đồng chí Nguyễn Văn Sỹ. Anh Ksor Hữu Hoàng-đoàn viên chi đoàn cơ sở An ninh Điều tra-Công an tỉnh cho biết: Những ngày vừa qua, chúng tôi luôn túc trực ở lễ tang để phụ giúp gia đình đón tiếp khách. Là một người trẻ, đặc biệt hơn khi đang mang trên mình chiếc áo người chiến sĩ Công an nhân dân, chúng tôi xác định sẽ luôn cố gắng trau dồi kiến thức, rèn luyện noi theo tấm gương của chú, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Với đội ngũ những người làm báo Gia Lai chúng tôi, không ít anh chị em đã thực sự thấy lòng hẫng hụt trước sự ra đi của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Sỹ-một cán bộ lãnh đạo chủ chốt mẫu mực của tỉnh trong suốt 20 năm, một người rất mực giản dị, tác phong quần chúng, hòa đồng, nhân cách khiêm nhường, đạo đức sáng trong… Với nhà báo Đoàn Minh Phụng-người có 5 năm giúp việc cho Bí thư Nguyễn Văn Sỹ thì luôn coi ông như người cha, người thầy yêu quý, để lại trong tâm hồn người làm báo bao điều có ích. Còn với những phóng viên trẻ chúng tôi, những câu chuyện về ông-người Bí thư của làng như cách nói của nhà báo Đoàn Minh Phụng ấy luôn đem đến cho chúng tôi niềm kính trọng đến vô cùng. Thương nhớ ông, chúng tôi chỉ biết trải lòng qua trang báo. Hôm nay, khi tất cả chúng ta đọc được những dòng chữ này, cũng là lúc con người đức hạnh ấy về với anh em, bạn bè, đồng chí, đồng đội nơi cõi vĩnh hằng.

Tuệ Nguyên-Thủy Bình

Có thể bạn quan tâm