Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Mùa đông không lạnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Một ngày đầu đông 2024, nhóm chúng tôi gồm những sinh viên năm thứ nhất quê ở Gia Lai đang học tại TP. Hồ Chí Minh hẹn nhau phát cơm từ thiện cho những người cơ nhỡ trên địa bàn thành phố. 

Đi giữa lòng thành phố hoa lệ khi mùa đông về, nhớ làm sao cái rét hanh hao, ngun ngút gió vờn của cao nguyên Gia Lai.

Hơn 20 giờ, sau khi qua những con phố lớn, chúng tôi tiếp tục rảo bước trong những con hẻm ngoằn ngoèo để phát nốt phần cơm từ thiện còn lại cho những người cơ nhỡ, không nơi nương tựa. Cơ hàn, thậm chí là cơ cực là điều mỗi thành viên chúng tôi cảm nhận rõ nét khi chứng kiến những mảnh đời bất hạnh như vậy đang phải chọn một cuộc sống tha hương trên đất Sài Gòn.

Cầm trên tay hộp cơm vẫn còn ấm nóng, ông P.H.N. tuổi đã ngoài 70 húng hắng kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời của mình. Ông quê ở miền Trung. Do bị tật bẩm sinh ở chân nên ông không thể kết hôn mà ở vậy cùng với cha mẹ. Khi họ già yếu mất đi thì ông phải tha hương cầu thực khắp nơi. Nơi cuối cùng ông quyết định chọn làm chốn dung thân lúc về già là TP. Hồ Chí Minh. Bởi theo suy nghĩ của ông thì nơi này dù đất chật người đông nhưng sẽ dễ kiếm cơm hơn những vùng khác.

Nhưng mọi thứ không dễ dàng như ông nghĩ. Vì không có trình độ học vấn, không có vốn, bị tàn tật lại không người thân thích nên ông rất khó khăn trong tìm việc làm. Hơn 20 năm qua, ông sống nhờ vào việc nhặt phế liệu và các công việc thời vụ. Đến khi tuổi cao, sức yếu thì chuyện kiếm tiền bằng những công việc đó lại càng gian nan. Nghĩ đến chuyện về quê nhưng cũng chẳng còn ai để có thể nương nhờ nên ông đành bám trụ lại đây.

Trú bên mái hiên lạnh ngắt với những đợt gió mỗi lúc một mạnh, ông N. buồn rầu tâm sự: “Ngoài nỗi sợ không có chén cơm ăn hàng ngày, tôi còn có nhiều nỗi lo đang lớn dần từng ngày. Đó là nỗi lo bệnh tật tích tụ trong người từ hàng chục năm nay nhưng không thể vào bệnh viện vì không có tiền”.

Lề đường, mái hiên là nơi tá túc của một số mảnh đời tha hương. Ảnh: Q.T

Chia tay ông N, chúng tôi gặp bà N.T.T. Bà đã ngoài 75 tuổi. Run run cầm hộp cơm từ thiện, nước mắt cứ lăn dài trên gò má nhăn nheo, bà T. kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời thấm đẫm nỗi đau và khổ nhọc khi phải nuôi đến 10 người con. Bà quê ở ngoài Bắc. Bà đã dành cả tuổi thanh xuân, bỏ tất cả hoài bão, ước mơ để kiếm tiền nuôi các con.

Trong số 10 người con, người thì quá nghèo, người còn khó khăn và kể cả kẻ có tiền nhưng chẳng ai chịu nuôi bà. Bà phải tự mình kiếm cơm nuôi bản thân khi tuổi đã già.

Không nhà, không người thân bên cạnh, bà chọn cho mình một mái hiên vắng làm nơi tá túc. Mỗi khi trời đổ mưa, bà phải chui vào trong tấm bạt ở gốc cây trú tạm. Vì đã già nên chẳng ai nhận bà vào làm việc. Bà phải đi lượm ve chai đắp đổi từng bữa qua ngày. Có ngày không kiếm được đồng nào, đói quá, bà đành phải đến các quán ăn, siêu thị nhặt nhạnh chút thức ăn thừa để lót dạ.

Khi hỏi về những đứa con, bà chua xót nói: “Một mẹ nuôi được 10 người con nhưng 10 đứa không nuôi được một người mẹ là có thật cháu à”.

Chưa đến mức già cả nhưng chị P.T.M. cũng có hoàn cảnh không kém phần éo le. Từ miền Tây, hai mẹ con chị M. dắt díu nhau lên TP. Hồ Chí Minh kiếm sống. Nhưng vì không có tiền, không có cả nơi dung thân, chị đành phải đứt ruột gửi con vào mái ấm xã hội để đi kiếm việc làm.

Mấy hôm nay, việc lúc có, lúc không, chút tiền dành dụm trong túi cũng cạn nên chị phải trú tạm nơi góc hẻm này và xin cơm từ thiện sống qua ngày. Chị nói rất thật: Không phải chị muốn xin từng bữa cơm từ thiện như thế này đâu mà vì mức thu nhập của những người lao động phổ thông như chị còn ít và bấp bênh. Chị phải ráng chịu cực, chịu khổ, cố gắng thêm một thời gian nữa, có việc làm ổn định, xin được chỗ ở để đón con về.

Ông N, bà T. hay chị M. chỉ là 3 trong số nhiều người sở hữu rất nhiều cái “không”. Họ đang chọn một cuộc sống tạm bợ ở TP. Hồ Chí Minh: không nhà, không việc làm ổn định, thậm chí không thu nhập, không được chăm sóc y tế. Nơi họ ngủ đôi khi chỉ là bậc cửa, là góc tối ở gầm cầu, vỉa hè. Nơi họ ăn uống, sinh hoạt cũng là ở đó.

Trước những cảnh đời ấy, những sinh viên đến từ quê hương Gia Lai mong được chia sẻ phần nào với họ trong những ngày đầu đông này cùng hy vọng sẽ có một cuộc sống tốt hơn.

Có thể bạn quan tâm