Phóng sự - Ký sự

Mùa hoa dã quỳ năm ấy...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trời sáng rõ. Tiếng súng thưa dần, thưa dần rồi tắt hẳn. Một phát pháo hiệu xanh vút lên bầu trời, báo hiệu trận đánh kết thúc. Trên đồi Không Tên những đốm lửa le lói cùng những đám khói đen vẫn bốc lên rải rác từ các dãy nhà lính, bộ đội ta hối hả thu dọn chiến trường, một đoàn tù binh đang được dẫn giải xuống chân đồi. Tôi đang tổ chức cho anh em ngụy trang lại trận địa thì giao liên tiểu đoàn xuống truyền lệnh: Cho bộ đội khẩn trương rút về tuyến sau đề phòng phi pháo địch, đồng thời tổ chức kiểm tra lại trận địa phía Đông chuẩn bị cho nhiệm vụ mới! Tôi giao lại việc tổ chức cơ động cho Trung đội phó Thạch rồi báo hai Khẩu đội trưởng là Hưởng và Miên cùng Thực-chiến sĩ của Khẩu đội 2 lên đi trinh sát trận địa.

Phạm Văn Thực, quê Vĩnh Phú, bổ sung vào đơn vị tháng 5-1972, là lớp tân binh đầu tiên đơn vị được bổ sung ở chiến trường Tây Nguyên. Cậu ta khá nhanh nhẹn linh hoạt và có tài khâu vá; hầu hết anh em trong trung đội đã được cậu ta khâu cho bọc võng bằng dù pháo sáng được nhuộm thuốc pháo khói của địch có màu mận chín rất đẹp, vừa chống muỗi vừa chống rét rất tiện lợi khi ngủ võng.

 

Trên đường hành quân (Ảnh tư liệu)

Chúng tôi, mỗi người một khẩu AK đã lắp sẵn hai băng đạn buộc trở đầu đuôi, trên bao đồ còn một băng đạn, hai quả lựu đạn US, một dao găm… khẩn trương lên đường. Trên trời chiếc máy bay trinh sát L19 đang lượn vòng rộng quanh khu vực đồi Không Tên, tiếng động cơ của nó như tiếng kèn đưa đám. Sau khi ta giải phóng Chư Nghé, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 Ngụy vô cùng tức tối. Vào những ngày cuối tháng 10-1973, chúng cho Trung đoàn 40 và Trung đoàn 47 có xe tăng, pháo binh yểm trợ nống ra đường 5A và 5B hòng tái chiếm Chư Nghé.

Trên đường 5B, Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 47 tiến đến khu vực Dê Chí và cho một đại đội lên chốt giữ đồi Không Tên cách về phía Tây Nam 3 km nhằm làm bàn đạp tiến chiếm khu vực Ti Tô để tiến ra đường 15. Nắm được ý đồ của địch, cấp trên đã giao cho Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 48 được tăng cường Trung đội 1 súng máy cao xạ 12ly7 của tôi tiến công tiêu diệt địch ở đồi Không Tên. Nhiệm vụ đã hoàn thành, các đơn vị tiếp tục chuẩn bị cho nhiệm vụ tiếp theo.

Trận địa ở phía đông đồi Không Tên là nhiệm vụ của bước hai, tham gia cùng Trung đoàn 48 tiến công tiêu diệt toàn bộ quân địch ở khu vực Dê Chí. Chưa đầy 40 phút, chúng tôi đã đến vị trí trận địa trên sườn đồi thoai thoải, cây rừng lúp xúp, cách Dê Chí khoảng 1,2 km về phía Đông Nam, đứng ở đây chúng tôi nhìn rõ từng lô cốt của địch. Do vị trí đã được xác định từ lần trinh sát theo phương án cơ bản nên tôi chỉ kiểm tra lại tầm và hướng bắn rồi giao cho các khẩu đội trưởng đánh dấu vị trí, sau đó xác định hầm chỉ huy, vị trí chốt bộ binh bảo vệ trận địa, thế là xong. Phía trước, chỉ huy các phân đội bộ binh vẫn đang bí mật xác định vị trí của đơn vị mình. Sau khi báo cáo và thống nhất công tác hợp đồng với đơn vị phối thuộc, tôi vẫy Thực đang cảnh giới ở gốc cây bên phải về đơn vị chờ lệnh chiếm lĩnh trận địa.

Trên đường về, chúng tôi đi theo con suối sát chân đồi Không Tên cho gần và kín đáo. Suối đá, nước trong xanh chảy lặng lờ nhìn rõ từng đàn cá lượn, hai bên bờ dã quỳ mọc ken dày. Mùa này dã quỳ đang trổ bông, những bông hoa vàng tươi nối tiếp nhau xòe cánh rung rinh trước gió trải dài như tấm thảm vàng trên đôi bờ tít tắp. Chúng tôi đang sải bước trên bờ cát mịn thì Thực đi trước bỗng dừng lại, khoát tay ra hiệu cho chúng tôi rồi chĩa súng vào bụi cây bên trái hô lên:

- Ai ở trong kia. Ra mau không tôi bắn!

Tôi, Hưởng và Miên đi sau vội tản ra theo đội hình chiến đấu, mở chốt an toàn súng sẵn sàng chi viện cho Thực. Từ bụi dã quỳ phía trong, tiếng một phụ nữ vọng ra:  

- Dạ, con là dân. Xin các ông đừng bắn. Con ra liền đây ạ!

Rồi một phụ nữ tóc rối bù, áo quần xộc xệch chui ra. Chị ta run bắn, hai tay xòe ra trước mặt Thực nào là vòng, lắc, nhẫn vàng, miệng van nài:

- Dạ, con biếu ông. Dạ, xin ông tha tội chết cho con!
Thực vội lùi lại, nghiêm sắc mặt nói:

 

Hoa dã quỳ.

- Chúng tôi là Quân Giải phóng, Bộ đội Cụ Hồ, chiến đấu vì nhân dân. Hãy cất ngay những thứ này đi. Còn ai ở trong đó nữa không?

- Dạ còn… còn ạ!-chị ta ấp úng.

- Ra mau! Thực lại ra lệnh.

Từ trong bụi dã quỳ lúc nãy, một tên lính còn khá trẻ mặc độc chiếc quần cộc, mặt mày hốc hác bò ra. Hai tay giơ cao, miệng lắp bắp:

- Dạ, em xin đầu hàng các anh!

- Còn thằng nào trong đó nữa không? Thực hỏi.

- Dạ không! Tên lính trả lời.

Tôi lao lên, ra hiệu cho Thực vào kiểm tra. Đúng là không còn ai. Hưởng và Miên cũng đã chạy lên. Quay lại hai người, tôi hỏi:

- Các người là ai, ở đâu đến đây?

Có lẽ đã thấy được sự an toàn, người phụ nữ nhìn tôi vẻ biết ơn, giọng run run:

- Dạ, em làm nghề buôn bán ở thị xã Pleiku. Còn đây là chồng em, mới bị bắt quân dịch. Chúng em vừa cưới được ít tháng. Chiều qua, em theo xe tiếp liệu lên thăm chồng. Không ngờ, đến đêm thì các ông đánh. May là chúng em ngủ ở nhà bạt phía gần cổng trại nên khi các ông vừa bắn pháo, chúng em chạy được ra ngoài rồi lần xuống nấp ở đây…

Nhìn bộ dạng hai người, tôi nghĩ chị ta nói thật. Người lính từ nãy đến giờ vẫn co ro, không hiểu do sợ hay bị nhiễm lạnh. Tôi mở lắp túi mìn clâymo dùng để đựng đồ đeo bên người lấy mảnh dù thường để quấn cổ mỗi khi trời lạnh đưa bảo anh ta quàng vào. Anh ta rụt rè đưa hai tay nhận mảnh dù, miệng lí nhí cảm ơn. Tôi nói rõ về chính sách khoan hồng của Cách mạng đối với hàng binh.

Người lính bình tĩnh trở lại và khai khá thành khẩn. Anh ta tên là Huỳnh Văn Út Rê, quê gốc ở Hoài Nhơn (Bình Định) nhưng gia đình lên Pleiku làm ăn từ đầu năm 1963. Vợ là Năm Lài, bán vải cho bà già vợ ở chợ Pleiku. Trước khi bị bắt vào lính, anh ta làm nghề phụ xe khách. Thực tình anh này chỉ muốn yên phận làm ăn, cứ mỗi dịp bắt quân dịch, gia đình lại phải lo lót để được ở nhà. Nhưng đợt vừa qua, gia đình không đủ tiền lo nên phải vào lính. Sau khi huấn luyện tân binh, anh ta được bổ sung về Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 47. Anh ta đã phải hành quân vài lần nhưng đây là lần đầu giáp mặt Quân Giải phóng. Tôi thấy không có gì phải hỏi thêm nên nói hai người xuống suối rửa mặt cho tỉnh táo. Vợ chồng người lính tỏ ra phấn khởi vì sự sống đã được đảm bảo. Khi họ quay lên, tôi nói anh em thả cho chị này về nhà. Lập tức chị ta van xin được ở lại với chồng.


 

Thấy tôi còn ngỡ ngàng, chị bước đến trước mặt tôi mạnh dạn nói:

- Thưa anh! Suốt đêm qua vợ chồng em đã suy tính kỹ rồi. Em xin được ở lại với chồng để được ra vùng giải phóng. Nếu em về thì thế nào chúng cũng đến bắt vì cho là em đã chỉ điểm cho Việt Cộng lại còn dụ chồng bỏ chạy lúc chiến sự xảy ra.

Thấy chị ta nói có lý nên tôi nói anh em dẫn vợ chồng người lính về hậu cứ báo cáo để cấp trên giải quyết. Nghe vậy, tên Út Rê mặt mày rạng rỡ, nhìn hết lượt chúng tôi, vẻ mặt xúc động nói:

- Thưa các anh! Từ lúc gặp các anh đến giờ, được tận mắt chứng kiến hành động tốt đẹp của Quân Giải phóng, vợ chồng em càng tin vào cách mạng. Vợ chồng em đã quyết định xin đi theo cách mạng!

Trước lúc chia tay, vợ chồng người lính đã hỏi tên, quê quán của chúng tôi để nhớ cái ngày đi theo cách mạng và hẹn sẽ gặp lại khi nước nhà thống nhất.   

 

Một buổi sáng cuối tháng 12-2010, tôi cùng đoàn Cựu chiến binh về khu vực Lệ Ngọc thăm lại chiến trường xưa. Trưa về, chúng tôi ghé quán giải khát bên đường ở thị trấn C.

Vừa thấy tôi, chị chủ quán đã đứng sững nhìn không chớp mắt rồi ào đến cầm tay và gọi tên tôi. Phải một lúc sau, tôi mới nhận ra chị Năm Lài. Trong niềm vui khôn xiết, chúng tôi cùng ôn lại chuyện xưa. Chị kể, sau ngày chia tay chúng tôi, anh chị được đưa ra vùng giải phóng. Một thời gian sau, được học tập giác ngộ, anh xin gia nhập bộ đội địa phương và đã hy sinh đầu năm 1975. Chị thì đầu quân vào bộ phận kinh tài, sau giải phóng trở về tiếp tục buôn bán. Cuối năm 1982, hài cốt anh được quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ huyện, chị về đây mở quán bán hàng sinh sống để tiện hương khói cho anh. Anh chị sinh được một con gái hiện đã có chồng con và đang công tác trong ngành Y tế huyện.

Tôi cũng kể với chị, Thực đã hy sinh năm 1974 trong trận đánh căn cứ làng Siêu; Hưởng và Miên sau năm 1975 được phục viên về quê sinh sống; tôi thì ở lại xây dựng quân đội đến năm 2009 thì nghỉ hưu. Nghe vậy chị liền nói cũng biết Thực đã hy sinh, hiện nằm tại nghĩa trang này. Rồi chị nhìn xa xăm như đang cố nhớ lại những người đã làm thay đổi cuộc đời chị.

Trước khi trở lại Pleiku, tôi nói với chị sẽ đưa đoàn vào nghĩa trang thắp hương viếng đồng đội. Chị liền đóng cửa hàng rồi ra xe đi cùng chúng tôi. Đến mộ anh Út Rê và Thực, tôi thấy bát hương trên mộ hai người chật kín chân hương, bên cạnh là bó hoa dã quỳ còn thoảng hương thơm. Đến đây, chị mới cho hay: Hàng ngày, chị và con cháu vẫn đến thắp hương và cắm lên mộ các anh những bó hoa dã quỳ vàng rực để tưởng nhớ các anh cùng chiến công của quê hương trong mùa hoa dã quỳ năm xưa!

Hùng Tấn

Có thể bạn quan tâm