Theo báo cáo nhanh ngày 4/5 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, mưa to kèm theo lốc đã gây nhiều thiệt hại tại tỉnh Bình Dương, Long An và Gia Lai.
Mưa lớn kèm theo dông, lốc và lốc xoáy, mưa đá gây ra nhiều thiệt hại ở Long An (Nguồn: baolongan.vn) |
Cụ thể, tại tỉnh Bình Dương, theo báo cáo nhanh số 215/BC-CCTL ngày 03/5/2019 của Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Dương, từ 19h00 ngày 02/5 đến 07h00 ngày 03/5/2019, trên địa bàn TP. Thủ Dầu Một, Thị xã Bến Cát, huyện Dầu Tiếng, huyện Phú Giáo đã xảy ra mưa vừa đến mưa to kèm theo lốc làm tốc mái 09 căn nhà; gẫy đổ 26,7 ha cao su đang khai thác và ngã đổ một số cây xanh ven đường gây mất điện cục bộ. Ước tổng giá trị thiệt hại ban đầu khoảng: 3,8 tỷ đồng.
Tại tỉnh Long An, theo báo cáo nhanh ngày 03/5/2019 của Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Long An, ngày 02/5, trên địa bàn huyện Đức Hòa đã xảy ra mưa lớn kèm theo dông, lốc và lốc xoáy, mưa đá gây ra một số thiệt hại cụ thể như sau: Nhà bị tốc mái: 15 căn nhà, 10 trụ điện trung thế bị gãy, 10 nhà xưởng bị tốc mái. Ước tổng thiệt hại: 1,3 tỷ đồng.
Tại tỉnh Gia Lai, theo báo cáo nhanh số 113/BCN-PCTTMT của Chi cục phòng, chống thiên tai khu vực miền Trung và Tây Nguyên, chiều tối ngày 02/5 trên địa bàn một số xã thuộc huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai đã xảy ra lốc xoáy và gây thiệt hại lớn đến nhà cửa của dân. Thống kê sơ bộ có gần 50 căn nhà tại các xã Ia Rsai, Chư Rcăm, Uar và Ia Mlah bị tốc mái và sập. Đa phần những căn nhà bị thiệt hại là nhà sàn của bà con người dân tộc thiểu số.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương đã tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình bị thiệt hại, huy động lực lượng tại chỗ giúp đỡ nhân dân khẩn trương khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống.
Để chủ động ứng phó với thiên tai, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, thường xuyên liên lạc với các tỉnh, thành phố có cảnh báo về dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh để nắm bắt tình hình. Chuyển các bản tin tới Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố để thông báo cho người dân chủ động phòng tránh.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, tình hình dông, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh để chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh.
Đ.H (ĐCSVN)