(GLO)- Thời tiết ngày càng biến đổi khó lường. Mưa lũ, hạn hán… đã gây thiệt hại không nhỏ tới đời sống sinh hoạt, sản xuất của bà con nhân dân.
Thiệt hại không lường trước
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, ước tính giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh Gia Lai trong năm 2012 là 156 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại do mưa lũ là 39 tỷ đồng, thiệt hại do lốc xoáy là 59 tỷ đồng và thiệt hại do hạn hán là 58 tỷ đồng. Trong năm 2012, trên địa bàn tỉnh đã chịu ảnh hưởng của 4 cơn bão và 3 đợt lũ, gây thiệt hại về nông nghiệp khoảng 22 tỷ đồng với gần 1.425 ha lúa, hơn 204 ha rau màu bị thiệt hại, 187,5 ha cây công nghiệp ngắn ngày, hàng trăm con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi.
Bão lũ cũng gây ra thiệt hại về nhà cửa ước tính trị giá khoảng 1 tỷ đồng, 15 tỷ đồng thiệt hại cho các công trình giao thông, 1 tỷ đồng thiệt hại tại các công trình thủy lợi và nhiều thiệt hại khác.
Một mảnh vườn cà phê đã khô vì thiếu nước tưới. Ảnh: Lê Hòa |
Bên cạnh mưa lũ, hạn hán cũng là một trong những thiên tai để lại hậu quả nặng nề, đặc biệt là trong sản xuất nông nghiệp. Tổng diện tích bị hạn trong vụ mùa năm 2012 là 4.445 ha, trong đó có khoảng hơn 3.000 ha mất trắng. Ước tính tổng trị giá thiệt hại khoảng 58 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2013 đến nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã xảy ra một số trận mưa đá và lốc xoáy gây thiệt hại trên 7,4 tỷ đồng, làm 1 người chết, 2 người bị thương. Mùa khô năm 2013, toàn tỉnh Gia Lai cũng chịu thiệt hại nặng nề do tình hình hạn hán. Ước tính đã có gần 9.300 ha cây trồng bị hạn, trong đó có 7.244 ha cà phê thiếu nước, ảnh hưởng đến năng suất. Tổng giá trị thiệt hại khoảng 172 tỷ đồng.
Chủ động ứng phó với thiên tai
Theo tổng hợp tình hình diễn biến thời tiết của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, nền nhiệt độ trung bình từ đầu năm đến nay cao hơn so với trung bình nhiều năm. Mùa mưa năm nay đến sớm nhưng tổng lượng mưa phổ biến mới đạt mức xấp xỉ và thấp hơn so với trung bình nhiều năm; riêng tại các huyện phía Đông tỉnh (An Khê, Kbang…) lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm.
Mưa, lốc làm hư hỏng nhiều nhà dân. Ảnh: Nguyễn Giác |
Cũng theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, thì mùa mưa lũ năm 2013 sẽ có nhiều diễn biến bất thường. Mực nước đỉnh lũ dự kiến năm nay sẽ cao hơn năm trước và cao hơn mức trung bình nhiều năm. Cụ thể, tại khu vực phía Tây và phần giữa tỉnh mùa lũ sẽ bắt đầu từ tháng 7 và kết thúc vào tháng 10. Dự báo sẽ có khoảng 5-7 trận bão, lũ lớn tập trung chủ yếu vào các tháng 8-9. Mực nước đỉnh lũ lớn nhất phổ biến đạt từ báo động II đến báo động III, một số nơi trên báo động III, xuất hiện vào khoảng tháng 9. Còn tại các huyện phía Đông và Đông Nam tỉnh, mùa lũ sẽ bắt đầu từ tháng 8 và kết thúc vào tháng 11. Dự báo có khoảng 6-8 trận lũ, tập trung chủ yếu vào tháng 9-10. Mực nước đỉnh lũ lớn nhất đạt từ báo động I đến báo động II, báo động III, một số nơi trên báo động III, xuất hiện vào khoảng tháng 11.
Trước tình hình trên, để làm giảm thiểu tối đa thiệt hại do bão lũ gây ra, Ban Chỉ huy Phòng-chống lụt bão-Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã xây dựng phương án, kế hoạch trực ban, chuẩn bị tốt nhân tài, vật lực để sẵn sàng triển khai thực hiện với phương châm “4 tại chỗ”. Tổ chức lên kế hoạch, tổ chức lực lượng ứng trực ở những nơi thường xuyên bị lũ cô lập, lũ quét, sạt lở đất, nhất là các vùng ven sông, ven suối, sườn đồi, hồ, đập để di dời dân đến nơi an toàn trong trường hợp cần thiết, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.
Khắc phục sự cố sạt lở đất tràn ra đường trong mùa mưa bão năm 2012. Ảnh: Lê Hòa |
Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão-Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng yêu cầu các địa phương kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn từng hồ chứa thủy lợi, thủy điện trước mùa mưa lũ. Chỉ đạo sửa chữa, nâng cấp hồ chứa để đảm bảo an toàn, đôn đốc các đơn vị chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi, thủy điện, hệ thống kênh mương vượt lũ; kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị quản lý, khai thác các công trình thủy lợi, thủy điện xây dựng phương án phòng-chống lũ, điều tiết và cắt giảm lũ ở hạ du.
Lê Hòa