Bạn đọc

Mượn đất rồi chiếm luôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo đơn của bà Nguyễn Thị Hiệp (SN 1960, trú thôn 1, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa), năm 1958, cha mẹ bà là ông Nguyễn Huy, bà Nguyễn Thị Nhạt có khai hoang và canh tác một lô đất (chiều ngang 30 mét, chiều dài 60 mét) ở thôn 3, xã Nam Yang. Năm 1979, cha bà Hiệp qua đời, để lại tài sản trên cho mẹ con bà sử dụng. Đến năm 1982, gia đình người chị chồng của bà Hiệp là Lê Thị Phượng và ông Lê Thanh Hộ đã mượn lô đất trên để ở nhờ (việc cho ở nhờ chỉ nói bằng miệng, không có giấy tờ).

Năm 1988, vợ chồng bà Phượng tiến hành xây nhà kiên cố, bà Hiệp không chấp nhận nên đã đòi lại đất nhưng vợ chồng bà Phượng không trả. Sau đó, lô đất trên được UBND huyện Đak Đoa cấp bìa đỏ (GCNQSDĐ số 333/QĐ-UB ngày 30-5-2002, tờ bản đồ số 21, thửa đất số 76) cho vợ chồng bà Phượng. Đòi đất không được, bà Hiệp khởi kiện bà Phượng ra tòa. Tại Bản án số 01/2015/HC-ST ngày 9-4-2015, do thẩm phán, chủ tọa phiên tòa Đặng Ngọc Ba ký, cho rằng: UBND huyện Đak Đoa ban hành Quyết định số 333/QĐ-UBND là đúng quy trình, hợp pháp và tuyên bác yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Hiệp.
 

Ảnh minh họa.

Theo chúng tôi, toàn bộ quá trình xét xử có nhiều điều khuất tất, chưa được làm rõ tại tòa. Cụ thể, người đại diện theo ủy quyền, đứng về phía bị kiện được tòa triệu tập là bà Nguyễn Vũ Hoàng Yên-Phó Chủ tịch UBND xã Nam Yang nhưng trong bản án lại là ông Huỳnh Văn Thương-Chủ tịch UBND xã. Trong hồ sơ xin xét duyệt cấp đất, vợ chồng bà Phượng khai nguồn gốc đất là do khai hoang nhưng tại phiên tòa, ông Hộ-chồng bà Phượng lại khẳng định đất trên là do Nhà nước cấp(?). Trong khi đó, đại diện UBND xã Nam Yang cho rằng: Nguồn gốc lô đất trên là do vợ chồng bà Phượng khai hoang(?).

Trước đó, vào năm 2001, UBND xã Nam Yang được cho là đã thành lập hội đồng xét duyệt đăng ký đất gồm 9 thành viên, tuy nhiên, quá trình xác minh của tòa cho thấy, trong số 9 người có tên trong Hội đồng xét duyệt đất đai năm 2001 thì có đến 6 người (1 người đã chết) cho rằng họ không biết và không tham gia vào việc này (các bút lục số từ 95 đến 103).

Điều làm nhiều người bất ngờ nữa là phần lời khai của nhân chứng Nguyễn Phi Yến. Trong bản án, ông này trình bày: “Thời gian làm Trưởng thôn 3, ông được UBND xã mời lên để thông qua danh sách của các hộ gia đình, cá nhân đăng ký quyền sử dụng đất trong thôn. Thời gian niêm yết và thông báo công khai danh sách ông đã mời toàn thể nhân dân trong thôn lên xác nhận lại diện tích đất. Cũng trong thời gian này, không có ai tranh chấp, khiếu nại gì với hộ bà Phượng cả (?)”.

Điều này hoàn toàn mâu thuẫn, bởi trong hồ sơ tố tụng, ông Yến khẳng định: “Vào năm 2001, ông không được mời tham dự với tư cách là đại diện xét duyệt đăng ký đất đai tại xã Nam Yang”. Trao đổi với chúng tôi, ông Yến tỏ ra hết sức ngạc nhiên bởi tại phiên tòa ngày 9-4-2015, ông được triệu tập tham gia nhưng không hề được hội đồng xét xử xét hỏi bất cứ câu nào.

Bản án còn thể hiện, các nhân chứng (trong đó có cán bộ địa chính) đều chung một lời khai rằng nguồn gốc lô đất trên là của cha bà Hiệp, được cấp khi di dân từ Quảng Nam vào đây (trước năm 1975). Ông Nguyễn Ngọc Dự cho hay: “Đất trên của cha mẹ bà Hiệp, vợ chồng bà Phượng đã mượn để ở. Sau này, bà Hiệp có đi đòi đất nhưng bà Phượng không trả nên đã xảy ra đánh nhau”.

Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Hiền-thím của bà Phượng cho rằng: Bà ở đây từ khi chưa đầy 20 tuổi nên biết rất rõ lô đất trên thuộc sở hữu của cha mẹ bà Hiệp, bà Phượng đến mượn ở nhờ rồi chiếm luôn. Khi bà Hiệp đi đòi lại đất thì bị gia đình bà Phượng đánh. Chính con trai bà Hiền qua can cũng bị đánh đến chấn thương. 

Ông Vũ Công Quyền-Hội thẩm Nhân dân cho rằng: UBND xã Nam Yang chưa thực hiện đầy đủ quy trình. Bởi, khi cấp đất tập trung, chính quyền phải họp toàn dân. Quá trình thực hiện phải phát tờ khai đến từng hộ, tổng hợp các phiếu... Đây là cả một quá trình kéo dài, có khi đến 1 năm chứ không sơ sài như cách UBND xã Nam Yang đã làm. Ngoài ra, trong thông báo về việc công khai hồ sơ đăng ký đất, UBND xã Nam Yang đã sử dụng mẫu thông báo in sẵn số 11/ĐK (được lưu hành trong năm 2002), thế nhưng tại Thông báo số 17/TB-UB thể hiện, các dòng ngày tháng năm bị ai đó dùng bút mực chữa chữ số 2002 thành 2001(?).

Bà Hiệp cho biết: “Gia đình tôi không biết họ tiến hành xét duyệt cấp đất cho vợ chồng bà Phượng vào lúc nào trong khi tại buổi làm việc với đoàn cán bộ huyện Đak Đoa vào ngày 20-6-2014 (do ông Lê Viết Phẩm-Phó Chủ tịch UBND huyện chủ trì), ông Huỳnh Văn Thương đã thừa nhận: Vào năm 2001, Hội đồng xét duyệt cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xã Nam Yang do ông này làm Chủ tịch Hội đồng đã không xét duyệt cho 5 hộ, trong đó có gia đình bà Phượng bởi vì lý do… không đủ điều kiện. Như vậy, phải chăng cán bộ xã đã có hành vi tiếp tay cho vợ chồng bà Phượng chiếm đất của gia đình tôi?”.       

Linh Hằng

Có thể bạn quan tâm