Kinh tế

Muốn thành công phải đổi mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù được đánh giá là năm thành công nhất trong 3 năm triển khai, thế nhưng chương trình hàng Việt về nông thôn 2012 vẫn bộc lộ nhiều tồn tại như: Sự ủng hộ của các doanh nghiệp còn hạn chế, một số ít địa phương chưa thực sự quan tâm, các ngành, các cấp chưa nhiệt tình bắt tay vào cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…

Vì vậy, để chương trình hàng Việt về nông thôn 2013 gặt hái nhiều thành công, nhiều ý kiến cho rằng cần đổi mới hình thức lẫn nội dung.
 

Đưa hàng Việt về nông thôn. Ảnh: L.L

Đổi mới công tác tuyên truyền

Tại cuộc họp tổng kết chương trình hàng Việt về nông thôn năm 2012, đại diện cơ quan thường trực Ban vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ông Nguyễn Thành Nuôi-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh thừa nhận: Công tác tuyên truyền chương trình hàng Việt về nông thôn chưa được như mong muốn, dù rằng thành viên tham gia cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” rất đông, mạng lưới rộng.

Việc triển khai tuyên truyền chưa sâu, chưa trọng điểm. Hậu quả là có nhiều phiên chợ, người dân đến tham quan mua sắm thưa thớt, doanh thu không cao khiến nhiều doanh nghiệp nản chí. “Rút kinh nghiệm, năm 2013, công tác tuyên truyền phải triển khai sâu, rộng làm sao để người dân thấy yên tâm mua hàng trong các phiên chợ hàng Việt”- ông Nuôi nhấn mạnh.

Nêu sáng kiến để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao, phù hợp với đặc điểm dân cư khu vực vùng sâu, vùng xa, ông Bùi Quốc Bình-Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Pleiku cho rằng: Nên sử dụng đài phát thanh địa phương để tuyên truyền về phiên chợ hàng Việt. Đây là kênh thông tin khá phù hợp với tập tục, sinh hoạt của người dân vùng sâu-nơi ít được tiếp cận các phương tiện thông tin truyền thông khác như báo viết, truyền hình…

Đồng thời, việc tuyên truyền nên tổ chức trước khi phiên chợ diễn ra nhiều ngày và cụ thể về các mặt hàng sẽ bày bán trong phiên chợ để người dân biết. Theo đại diện của Công ty TNHH Thanh Phong, chuyên về hàng điện tử thì: “Đêm đầu đến xem hàng người dân rất thích nhưng lại không mang tiền, tối sau quay lại thì phiên chợ đã dọn đi…”.

Khảo sát địa điểm, thời gian phải phù hợp

Việc chọn địa điểm, thời gian không phù hợp cũng là nguyên nhân giảm hiệu quả của phiên chợ hàng Việt. Nhiều địa điểm không khảo sát kỹ nên khi tổ chức không thu hút được người dân tham quan, mua sắm do đường vào phiên chợ không thuận lợi, không nằm ở vị trí trung tâm hoặc đơn giản là hôm đó trời mưa, ngày mùa thu hoạch, người dân quá bận rộn...

Để tránh những lý do bất lợi trên, đồng thời tiếp thu ý kiến góp ý của các đơn vị, ông Phan Minh Túc- Phó Giám đốc Sở Công thương, kiêm Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại cho biết: Năm 2013, việc chọn địa điểm tổ chức sẽ được xem xét lại. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát kỹ về địa điểm, thời gian tổ chức phù hợp với tập quán, nhu cầu của người dân từng khu vực. Ngoài ra, Trung tâm cũng sẽ điều chỉnh cho phù hợp với thời gian tham gia của doanh nghiệp, khuyến khích nhiều doanh nghiệp tham gia.

Bên cạnh đó, rất nhiều ý kiến cho rằng, các mặt hàng tham gia phiên chợ hàng Việt cũng cần đổi mới, tăng cường thêm nhiều mặt hàng thiết thực. Theo ông Nguyễn Thành Nuôi để thu hút, khích lệ doanh nghiệp tham gia phiên chợ hàng Việt về nông thôn, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ, chẳng hạn như: Giảm thuế cho doanh nghiệp tham gia phiên chợ, khuyến khích các cơ quan đơn vị mua sắm lựa chọn hàng Việt, đặc biệt ưu tiên các doanh nghiệp tham gia chương trình…

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm