(GLO)- Với hầu hết mọi người, Tết là dịp để nghỉ ngơi, thăm thú bà con, bạn bè để bắt đầu một năm mới. Nhưng với họ, Tết là cơ hội để mưu sinh và lăn lộn vất vả…
10 giờ sáng mùng 1 Tết ở sân Nhà Thiếu nhi tỉnh, trời khá oi bức. Giữa lẫn lộn tiếng cười nói thích thú của lũ trẻ, tiếng tàu lượn, tàu siêu tốc ầm ừ, họ khá yên lặng và chú tâm chờ đón những “con mồi”-là những ông bố, bà mẹ dẫn theo con trẻ và đứa bé ấy đang mê tít mấy trái bóng bay, đồ chơi hay đơn giản là que kem, xâu cá viên chiên… Khi bắt được “tín hiệu”, họ sẽ mời mọc, tìm cách bán cho được món đồ nào đó.
Bán bóng bay trước cổng Nhà thiếu nhi tỉnh. Ảnh Lê Hòa |
Chị Phan Thị Ngọc Mai (phường Diên Hồng-TP. Pleiku) đứng trên vỉa hè đối diện cổng Nhà Thiếu nhi tỉnh, tay cầm chùm bong bóng có đến gần trăm quả với đủ thứ hình thù: thỏ, mèo, ngựa, mèo máy đôrêmon…, cười ngượng ngịu: “Tết cũng muốn nghỉ lắm nhưng tranh thủ dịp này đi bán kiếm thêm chút tiền nuôi con”. Gia cảnh nhà chị Mai khá éo le khi chỉ có 3 mẹ con, 2 đứa con chị đang tuổi ăn tuổi học mà chỉ có một thân lo lắng, đảm đương. Chị Mai cho biết, bao năm rồi, Tết nào chị cũng đi bán bóng bay dạo thế này. “Ngày Tết ba mẹ tụi nhỏ dễ mở rộng hầu bao mua đồ chơi cho con, với lại con nít có tiền lì-xì nên mình cũng dễ bán hàng hơn”- chị Mai lý giải.
Bám mặt đường kiếm cơm mùa Tết. Ảnh Lê Hòa |
Đứng ngay sát cổng Công viên Diên Hồng, cô Nguyễn Thị Liên (xóm Sa Mạc, phường Phù Đổng-TP. Pleiku) trong bộ dạng mệt mỏi dẫn theo cậu con trai 11 tuổi-Nguyễn Minh Trí đi bán kiếng và vài món đồ lặt vặt. “Nhà chỉ có 2 mẹ con, để nó ở nhà không yên tâm nên kiếm thêm ít đồ chơi về để nó ngồi bán luôn”- cô tâm sự.
Nhà thuộc diện hộ nghèo, bán kiếng mắt dạo là nghề kiếm cơn của cô cả chục năm nay. Trừ ngày ốm đau, ngày nào cô cũng đeo xâu kiếng đi dạo khắp phố, bến xe kiếm ít tiền trang trải cuộc sống cho hai mẹ con. “Tết nay buôn bán buồn quá, sáng giờ chưa bán được bao nhiêu. Năm ngoái bán Tết có hôm lãi mấy trăm ngàn, gấp 2-3 lần ngày thường lận”- cô Liên thở dài.
Trời trưa oi bức, các xe kem làm ăn rất khá. Ảnh Lê Hòa |
Ngày Tết, công viên, các khu vui chơi giải trí luôn là điểm đến khá đông đúc. Đây cũng là mảnh đất màu mỡ cho những người buôn bán hàng rong, đồ chơi kiếm thêm thu nhập. Trước cổng công viên Diên Hồng, Nhà Thiếu nhi tỉnh hay các ngã ba, ngã tư đông đúc, cánh hàng rong tụ tập buôn bán khá nhộn nhịp. Dẫu vậy, “mùa” Tết này không hời như các Tết trước, buôn bán chậm hơn.
Nhiều cửa hàng ăn như bún, phở, cơm vỉa hè cũng “thức” cùng Tết. “Hơn chục năm rồi chưa có Tết nào tôi nghỉ, bán Tết lời lãi nhiều hơn dù tất nhiên phải chịu thiệt thòi, mình làm vất vả trong khi thiên hạ nghỉ ngơi”- anh Lê Thanh Tâm-chủ một quán phở trên đường Hoàng Văn Thụ, đoạn gần Trung tâm thương mại Pleiku, cho biết.
Hơn chục mùa Tết, chưa năm nào vợ chồng anh Tâm nghỉ bán hàng. Ảnh Lê Hòa |
Tết nào mẹ và vợ chồng anh cũng đều buôn bán xuyên Tết. Giá Tết mỗi tô bún, phở cũng tăng thêm khoảng 10 ngàn đồng do giá nguyên liệu cận Tết tăng cao, công bán ngày Tết tất nhiên cũng phải được bù lại hậu hĩnh chút. Cứ trước Tết, anh lại lo trữ sẵn nguyên liệu nấu cho mấy ngày Tết. “Bây giờ Mùng 2, Mùng 3 người ta mở cửa bán hàng nhiều rồi, cũng không lo lắm chuyện nguyên liệu cho mình nấu. Bán Tết có khi đắt khách gấp mấy ngày thường vì ít quán mở cửa, ít cạnh tranh”- anh Tâm chia sẻ.
Vì cuộc mưu sinh, họ đành gác lại niềm vui đón Tết. Dẫu sao, đó cũng là dịp để họ-đa số là những người nghèo có thêm khoản tiền lo lắng, trang trải cho cuộc sống. Tết với họ ấm áp theo một nghĩa khác và có cả những giọt mồ hôi.
Lê Hòa