Ngày 23-5, sau khi hội đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Jerusalem, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tới Ramallah gặp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas để thảo luận về nỗ lực tái khởi động tiến trình đàm phán hòa bình Trung Đông.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. |
Tại các cuộc gặp với hai nhà lãnh đạo trên, ông Kerry thừa nhận "có những hoài nghi đáng kể" về tiến trình hòa bình Israel-Palestine.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ bày tỏ tin tưởng rằng các giải pháp mang tính xây dựng, tính cẩn trọng, nhẫn nại, tỉ mỉ và kiên trì của các bên sẽ giúp mở ra một lộ trình "bất ngờ" tận dụng được tất cả các khả năng để khơi thông bế tắc.
Sau cuộc gặp với nhà lãnh đạo Palestine, Ngoại trưởng Mỹ đã quay trở lại Jerusalem để gặp Tổng thống Israel Simon Perez.
Tại cuộc gặp, ông Kerry đã đề cập kế hoạch kinh tế nhằm thúc đẩy sự phát triển của Palestine cũng như tình hình bạo lực leo thang tại Syria.
Về phần mình, ông Perez mong muốn các nỗ lực của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông sẽ thành công, song ông Kerry cho rằng điều này phụ thuộc vào sự lựa chọn của Israel và Palestine chứ không phải cá nhân ông.
Ngoại trưởng Mỹ cũng nhấn mạnh rằng đây là thời điểm quyết định cho các bên liên quan tìm kiếm những giải pháp hiệu quả, thực tế.
Hồi tuần trước, ông Kerry đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Netanyahu để bày tỏ phản đối dự định của Tel Aviv hợp pháp hóa 4 khu định cư tại Bờ Tây.
Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo động thái này của Israel có thể phá hủy các nỗ lực khôi phục đàm phán hòa bình Trung Đông.
Mặc dù đã dự kiến dỡ bỏ các khu định cư nói trên từ những năm trước, tuy nhiên trong tuần qua Israel cho biết đang tiến hành cấp phép cho các khu định cư này.
Hầu hết dư luận quốc tế cho rằng các khu định cư của Israel tại Bờ Tây là bất hợp pháp. Hiện tại ở vùng lãnh thổ này có khoảng 120 khu định cư Do thái được phép của Chính phủ Israel, ngoài ra còn hàng chục khu khác do người định cư tự ý xây dựng.
Tương lai của các khu định cư Do Thái nói trên, cùng với việc phân định đường biên giới của hai nhà nước, cũng như số phận của người tị nạn Palestine và quy chế đối với Jerusalem là những vấn đề cốt yếu trong tiến trình đàm phán hòa bình Israel-Palestine vốn bị ngưng trệ kể từ cuối năm 2010 đến nay.
Theo TTXVN