Kinh tế

Nam Lào: Miền đất hứa cho cây cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lào là đất lành, người dân thân thiện. Qua nhiều cuộc chiến tranh xâm lược trên bán đảo Đông Dương, hai dân tộc Lào- Việt đã từng chung lưng đấu cật để chống lại kẻ thù, giành độc lập dân tộc. Trải qua nhiều biến động, các thế hệ người Việt đã vì cuộc mưu sinh lưu lạc đến đất Lào và nhiều người thành đạt, cùng góp phần xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội trên đất Lào.
Trong xu thế hội nhập, phát triển trong khối ASEAN hiện nay và truyền thống đoàn kết, gắn bó giữa hai dân tộc Việt-Lào, nhiều doanh nhân Việt Nam đã ưu tiên mở rộng đầu tư sang Lào trên nhiều lĩnh vực, trong đó có công nghiệp chế biến, phát triển vùng nguyên liệu như cao su, cà phê...
Ảnh: K.N.B
Trong chuyến thăm Lào mới đây, tuy chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” nhưng tôi đã chứng kiến nhiều người Việt đam mê cây cà phê trên vùng đất mới. Anh Thành, người có những am hiểu nhất định về cà phê Tây Nguyên, tâm sự: Khi đến với vùng đất Nam Lào, đặc biệt tỉnh Champasak có những vùng đất bazan giống cao nguyên Trung phần Việt Nam, rất thuận lợi để phát triển cây cà phê và cao su, tôi thực sự bị “thôi miên” và không lý do gì mà không tìm cách đầu tư trồng cà phê trên đất Lào. Nhìn những lô cà phê Catimo chỉ sau 2 năm trồng, chăm sóc đang xanh mơn mởn, phát triển khá nhanh của anh Thành, chúng tôi thích thú thực sự. Một vài người bạn trong đoàn từng trồng cà phê gia đình ở Tây Nguyên đã “ồ lên” khi được chứng kiến thực tế cây cà phê có thế đứng trong tương lai ở đây.
Trước đó trong một trang web (anhtam_0211@yahoo.com)-một người kinh doanh rất hào phóng, nhiệt tình kêu gọi bạn bè cùng sang Lào đầu tư trồng cà phê: “... Là người đã ở đây nhiều năm, hiểu biết nhiều về thổ nhưỡng, khí hậu cũng như các quy định của pháp luật Lào, tôi thấy có điều kiện thuận lợi hơn gấp nhiều lần so với trồng cà phê ở Việt Nam. Nên qua trang web này tôi muốn quảng bá đến các nông dân trẻ trên y5, những người có gan làm giàu, tại sao chúng ta không thử sức trong khi rất nhiều người Việt ở đây đã và đang giàu lên nhờ cây cà phê Lào...”.
Công ty Đào Hương của vợ chồng tỷ phú Việt kiều ở Lào là Đặng Đỗ Hào- Lê Thị Lượng cũng đã đầu tư trồng và kinh doanh cà phê ở tỉnh Champasak với 300 ha và mở Xí nghiệp Chế biến Cà phê ở Pak Song. Thương hiệu cà phê Đào Hương đã có mặt ở các nước châu Âu và một số nước khác. Lớn nhất có lẽ là dự án 1.000 ha cà phê của Công ty Cà phê Hương Việt TP. Hồ Chí Minh sang đầu tư ở Lào năm 2008. Hiện Công ty này đã trồng gần 100 ha cà phê Arabica ở Pak Song.
Theo đánh giá của dự án Hương Việt thì cao nguyên Bo-lo-ven là vùng rất thích hợp cho việc phát triển mở rộng diện tích cà phê Arabica và Robusta. Với độ cao khoảng 1.200-1.300 mét, cao nguyên rộng lớn nhất nước Lào này có nhiều điểm tương đồng với vùng Tây Nguyên-Việt Nam, nhưng khí hậu có những ưu việt hơn như lượng mưa đều quanh năm, chỉ có hơn 2 tháng nắng. Đây cũng là vùng trung lưu sông Mê Kông và chi lưu sông Sê Kông. Người Pháp ngay từ đầu thế kỷ XX đã nhắm tới vùng Bo-lo-ven này và họ bắt đầu đưa cây cà phê vào trồng thí điểm. Rất tiếc là cuộc chiến tranh ở Đông Dương bấy giờ đã làm gián đoạn ý đồ đầu tư trồng cà phê ở Lào của các nhà tư bản Pháp.
Song song với việc trồng, mở rộng diện tích cà phê ở Lào của các doanh nghiệp Việt Nam thì Tập đoàn Thái Hòa cũng đang nhắm tới lĩnh vực đầu tư vào  nhà máy chế biến các sản phẩm cà phê ở Pak Sé để xuất khẩu.
Chúng ta biết rằng, mặc dù đất đai rộng, phì nhiêu nhưng người dân Lào chưa có kinh nghiệm trồng cây công nghiệp dài ngày, nhất là đối với loại cây khó tính như cà phê, đòi hỏi phải có kỹ thuật cao và kinh nghiệm trồng, chăm sóc. Trước những năm 2000, khi mà người Việt đưa cây cà phê sang vùng Champasak-Lào thì ở cao nguyên Bo-lo-ven, nhiều nông dân Lào cũng đã có vườn cà phê trồng trước đó nhưng năng suất rất thấp. Họ không có thói quen bón phân, tỉa cành, tưới nước mà chỉ làm cỏ vài lần trong năm, nên cây cà phê không phát triển mấy.
Hiện nay đây là loại cà phê sạch mà nhiều thị trường rất ưa chuộng, được gọi là cà phê Lào, giá cả có nhỉnh hơn đôi chút so với loại cà phê trồng theo lối công nghiệp. Nhiều người ngạc nhiên khi đi qua cao nguyên Bo-lo-ven, hai bên đường nhiều vườn cà phê cây cao lòng khòng, lẫn với cây cỏ mọc um tùm giống như bỏ hoang thì đó là kiểu “cà phê Lào”. Tất nhiên, ngày nay khi phong trào trồng cà phê rộ lên, nhất là những nhà đầu tư Việt Nam, Thái Lan... sang làm ăn thì những người nông dân bản địa đã từng bước có kinh nghiệm trồng, chăm sóc loại cây đặc sản này.
Với chính sách khuyến khích của Nhà nước Lào và giá nhân công rẻ, giá thuê đất cũng dễ chịu nên các doanh nghiệp kinh doanh cà phê Việt Nam đang xem vùng đất mới này là miền đất hứa cho chiến lược mở rộng vùng nguyên liệu của mình.
Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm