Nâng cao chất lượng dân số ở vùng sâu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tỉnh Gia Lai đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong thực hiện nhiệm vụ giảm sinh. Tỷ suất sinh đã giảm xuống còn 20% vào năm 2014, tỷ lệ cặp vợ chồng chấp nhận tránh thai tăng lên 69% năm 2014. Đặc biệt, nhận thức của đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa về công tác dân số-KHHGĐ đã có những chuyển biến rõ rệt, hạn chế tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và giảm nhanh tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên.

 Tuyên truyền để chị em thực hiện tốt chính sách dân số-KHHGĐ. Ảnh: Đinh Yến
Tuyên truyền để chị em thực hiện tốt chính sách dân số-KHHGĐ. Ảnh: Đinh Yến

Bên cạnh đó, Gia Lai đã duy trì được tỷ số giới tính khi sinh theo tự nhiên, công tác quản lý thai sản được tăng cường. Trình độ học vấn được nâng lên, ngành nghề lao động được cải thiện, nhiều lao động nông nghiệp ở vùng sâu, vùng xa đã trở thành công nhân của các công ty cà phê, cao su. Tình trạng du canh, du cư đã giảm hẳn thay vào đó các thôn, làng ở vùng sâu, vùng xa có nơi ở và lao động sản xuất ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý hộ khẩu, hộ tịch, góp phần đảm bảo quốc phòng-an ninh, trật tự xã hội. Quy mô gia đình 1-2 con đang là chuẩn mực của cộng đồng xã hội. Chất lượng dân số được nâng lên cả về thể chất trí tuệ và tinh thần, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em, nâng cao tuổi thọ bình quân, từng bước giảm hộ nghèo, các dịch vụ y tế, giáo dục được cải thiện, mức sống và trình độ dân trí trong cộng đồng dân cư ngày được nâng lên.

Tuy nhiên, chất lượng dân số ở một số địa phương vẫn chưa đồng đều, chưa bền vững, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên còn cao, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết vẫn còn. Việc phòng tránh mất cân bằng giới tính khi sinh đã triển khai nhưng chủ yếu hoạt động tuyên truyền, chưa đề ra được các biện pháp quản lý chặt chẽ. Chất lượng dân số còn hạn chế do điều kiện kinh tế còn khó khăn, thiếu kiến thức chăm sóc trẻ em. Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thật sự quan tâm chỉ đạo công tác đăng ký quản lý hộ khẩu, hộ tịch, thống kê chuyên ngành dân số. Mặt khác, cán bộ chuyên trách cộng tác viên dân số có nơi còn hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ đã gây ảnh hưởng đến công tác quản lý hộ khẩu-hộ tịch và thông tin phần mềm chuyên ngành dân số.

Trao đổi với P.V, bà Đinh H’Nghĩa-Chi cục trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh, cho biết: Đông con, đẻ dày, con còi cọc, không được học hành chính là nguyên nhân của đói nghèo, bệnh tật, kinh tế chậm phát triển. Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giống nòi của các thế hệ kế tiếp và cũng là câu trả lời cho thực trạng hiện nay của những hộ gia đình ở vùng sâu, vùng xa: nhiều hộ sinh tới 5-6 con, cá biệt có những hộ 10 đến 12 con. Vì thế, chăm sóc sức khỏe sinh sản, nâng cao chất lượng dân số, phải bắt đầu từ công tác truyền thông, vận động của từng địa phương trong thực hiện mục tiêu. Việc chuyển đổi hành vi để xây dựng quy mô gia đình nhỏ, ít con rất cần sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể để giải bài toán khó ở vùng sâu, vùng xa hiện nay ở tỉnh ta. Tôi cho rằng, giải pháp quan trọng nhất nhằm nâng cao chất lượng dân số là tạo điều kiện, tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân các vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số gắn với bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em. Bên cạnh đó, cần quan tâm hơn nữa đến công tác giáo dục và đào tạo, kể cả giáo dục mầm non, mẫu giáo, phổ thông và các trường đào tạo nghề. Việc thay đổi cơ chế khen thưởng kịp thời, đồng thời có những chế tài xử lý vi phạm chính sách dân số cũng góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm