Chính trị

Tin tức

Nâng cao hiệu quả quản trị và thu hút đầu tư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xác định cải cách hành chính, trong đó có cải cách thủ tục hành chính là giải pháp đột phá để phát triển kinh tế-xã hội, do đó, ngay từ đầu năm 2016, tỉnh ta đã đề ra nhiều giải pháp quyết liệt nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực cho cả giai đoạn 2016-2020.



Nâng cao hiệu quả quản trị

 

tiếp nhận và trả kết quả TTHC tại Bộ phận một cửa hiện đại. Ảnh: T.N
Tiếp nhận và trả kết quả TTHC tại Bộ phận một cửa hiện đại. Ảnh: T.N

Năm 2016 là năm đầu thực hiện kế hoạch nhiệm kỳ 2016-2021 nên có ý nghĩa hết sức quan trọng, đặt nền tảng để phát triển kinh tế-xã hội cho những năm tiếp theo. Hơn nữa, với ý nghĩa là năm khởi động của chính quyền kiến tạo, phục vụ và liêm khiết nên từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt các kế hoạch nâng cao hiệu quả cải cách hành chính trong các cơ quan công quyền. Điểm nổi bật đó là việc triển khai: cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến, qua bưu chính; thực hiện hệ thống “một cửa điện tử”, “một cửa điện tử liên thông” ở 17 huyện, thị xã, thành phố; nâng cao hiệu quả công tác và tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương; thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) qua dịch vụ bưu điện; thu các khoản thuế, phí, lệ phí tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện; chỉ đạo tổ chức thực hiện việc xin lỗi cá nhân, tổ chức theo quy định tại Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg… Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã thành lập đoàn liên ngành của tỉnh tiến hành kiểm tra và đánh giá chất lượng, tiến độ thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ cải cách hành chính tại 7 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và 6 UBND cấp huyện (chiếm 37,1% các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, đơn vị hành chính cấp huyện trên địa bàn tỉnh). Trên cơ sở kết quả kiểm tra, UBND tỉnh đã chỉ đạo chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót trong công tác này. 13/13 cơ quan, địa phương được kiểm tra đã tiến hành khắc phục những thiếu sót. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã thành lập đoàn kiểm tra, tổ chức kiểm tra đột xuất việc giải quyết TTHC và việc xin lỗi cá nhân, tổ chức trong quá trình giải quyết TTHC; hoàn thành 2 đợt kiểm tra tại 5 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và kiến nghị xử lý các vi phạm liên quan đến giải quyết TTHC.

Thực hiện công tác cải cách tổ chức hành chính nhà nước, UBND tỉnh đã quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 18 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; quyết định thành lập 5 tổ chức; kiện toàn 4 tổ chức; thay đổi thành viên 4 tổ chức; cho phép thành lập 1 tổ chức và giải thể 1 tổ chức; tiến hành sắp xếp lại các cơ sở dạy nghề, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp ở tỉnh; có văn bản hướng dẫn UBND cấp huyện quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của 13 phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện theo Nghị định số 24/2014/NĐ-CP, ngày 4-4-2014 của Chính phủ. Qua đó, bộ máy của các cơ quan, đơn vị được quy định lại rõ ràng, cơ bản đã khắc phục được sự chồng chéo trong thực hiện; hoạt động đi vào nền nếp theo chức năng, nhiệm vụ quyền hạn được giao, không có xáo trộn, mất ổn định...

Tăng sức hút đầu tư

 

Ngày 10-11-2016, lần đầu tiên Gia Lai đánh giá chỉ số điểm cải cách hành chính. Theo đó, số điểm trung bình đạt được của các sở, ban, ngành là 9,26/21 điểm, trong đó 2 cơ quan có số điểm cao nhất là Sở Thông tin và Truyền thông và Văn phòng UBND tỉnh (11,5 điểm); cơ quan có điểm thấp nhất là Ban Dân tộc (5 điểm). Ở cấp huyện, số điểm trung bình đạt được là 11,12/21 điểm, trong đó đơn vị đạt điểm cao nhất là UBND huyện Phú Thiện (13,5 điểm); 2 đơn vị có số điểm thấp nhất là UBND thị xã Ayun Pa và UBND huyện Krông Pa (8,5 điểm).

Những khởi động mang tính kiến tạo của chính quyền đã đem lại những hiệu quả tích cực. Theo báo cáo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hoàng tại kỳ họp thứ hai HĐND tỉnh khóa XI vào ngày 6-12-2016, trong năm 2016, toàn tỉnh đã cấp đăng ký thành lập mới cho 505 doanh nghiệp và 336 chi nhánh, văn phòng đại diện với tổng vốn đăng ký 2.842 tỷ đồng (so với năm 2015, số doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng 22,68%, vốn đăng ký tăng 72%); xử lý giải thể 71 doanh nghiệp và 51 đơn vị trực thuộc; 74 doanh nghiệp và 15 đơn vị trực thuộc tạm ngưng hoạt động; 55 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Qua đó, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động toàn tỉnh lên 3.502. Ngoài ra, còn có 30 dự án đang được các nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu, đăng ký với tổng vốn khoảng 10.000 tỷ đồng… Điều này cho thấy, khung pháp lý mới cùng với các giải pháp của địa phương trong việc hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển đã phát huy hiệu quả, môi trường kinh doanh được cải thiện rõ rệt, doanh nghiệp đã tìm thấy cơ hội kinh doanh và niềm tin vào việc đầu tư.

Một điểm nhấn nữa là thông điệp của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hoàng đưa ra tại Hội nghị Câu lạc bộ Nữ doanh nghiệp tỉnh tổ chức tối 28-12-2016: Thời gian tới UBND tỉnh sẽ tiếp tục “3 đồng hành” (đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; hoàn thiện thể chế pháp luật; xây dựng, thực hiện tốt cơ chế đối thoại) và “5 hỗ trợ” (khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả hoạt động; tạo môi trường thuận lợi, đảm bảo môi trường kinh doanh; xây dựng thương hiệu gắn với doanh nghiệp; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực). Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Gia Lai có số lượng doanh nghiệp tăng gấp đôi so với năm 2016. Rõ nét hơn, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai diễn ra vào giữa tháng 12 vừa qua với chủ đề “Gia Lai-Tiềm năng-Hợp tác-Phát triển”, có 10 dự án được UBND tỉnh trao quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn gần 5.700 tỷ đồng; 12 dự án kêu gọi đầu tư được các nhà đầu tư đăng ký triển khai thực hiện với tổng số vốn 15.320 tỷ đồng.


Có thể nói, cải cách thủ tục hành chính là động lực vô cùng quan trọng để thúc đẩy quy mô, thu hút nguồn lực phát triển nền kinh tế. Chính trong hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với 63 tỉnh thành vào ngày 28-12-2016, nhiều đại biểu đã chia sẻ: “Chỉ cần cải cách một thủ tục, doanh nghiệp lợi ngàn tỷ đồng”.

Lê Văn Nhung

Có thể bạn quan tâm