Chính trị

Tin tức

Nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mới đây, đoàn công tác do Phó Giáo sư-Tiến sĩ Lê Văn Chiến-Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) làm trưởng đoàn đã làm việc với các sở, ngành, địa phương trong tỉnh nhằm đánh giá hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Qua làm việc, những tồn tại, hạn chế cũng như các giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng DVCTT đã được chỉ ra.

Chỉ số PAPI ở nhóm trung bình thấp

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Lê Văn Chiến nhận xét: Trong những năm qua, công tác cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả quản trị công luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp, các ngành ở Gia Lai quan tâm. Tuy nhiên, tỉnh vẫn chỉ đứng trong nhóm có chỉ số PAPI trung bình thấp. Kết quả điều tra PAPI năm 2020 cho thấy, mặc dù đã có nhiều tiến bộ so với năm 2019 với 4 trục nội dung tăng điểm, 2 nội dung giảm điểm nhưng về tổng thể, tỉnh Gia Lai đạt 42,21/80 điểm, thuộc nhóm trung bình thấp của cả nước. Trong đó, ngoài nội dung cung ứng dịch vụ công (y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng căn bản, an ninh trật tự) thuộc nhóm cao nhất thì 3 nội dung thuộc nhóm trung bình cao là: trách nhiệm giải trình với người dân, quản trị môi trường và quản trị điện tử; nội dung tham gia của người dân ở cấp cơ sở đạt nhóm trung bình thấp; 2 nội dung: kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và thủ tục hành chính (TTHC) công vẫn ở nhóm thấp nhất của cả nước.

Hiện nay, toàn bộ TTHC của tỉnh được cung cấp theo DVCTT ở mức độ 2 trở lên, trong đó có 125 DVCTT mức độ 3 và 1.023 DVCTT mức độ 4 được tích hợp tại Cổng dịch vụ công của tỉnh. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 16.307 hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết trên Cổng dịch vụ công của tỉnh thông qua DVCTT mức độ 3 và 4; tỷ lệ hồ sơ được giải quyết qua DVCTT mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ DVCTT mức độ 3 và 4 có phát sinh hồ sơ trực tuyến là 69,5%.

Đoàn nghiên cứu của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh kiểm tra việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến tại xã Đak Tơ Ve (huyện Chư Păh). Ảnh: Phan Lài


Báo cáo kết quả thực hiện DVCTT trên địa bàn tỉnh, ông Võ Quốc Hùng-Phó Giám đốc Sở Nội vụ-cho biết: Các DVCTT mức độ 3 và 4 đã được quan tâm triển khai, cung cấp. Tuy nhiên, nhiều TTHC được triển khai DVCTT mức độ 3 và 4 nhưng không phát sinh hồ sơ theo hình thức trực tuyến. Nguyên nhân là do kỹ năng, thói quen và hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin của người sử dụng dịch vụ còn hạn chế, chưa đủ điều kiện về hạ tầng kỹ thuật để làm việc trên môi trường mạng, chưa tin cậy đối với DVCTT.

Liên quan đến thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho công dân, Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai DVCTT mức độ 3 đối với 6 TTHC. Sở cũng đang phối hợp triển khai DVCTT mức độ 4 đối với nhóm TTHC: đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất. Ông Lương Thanh Bình-Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường-cho rằng: Do đặc thù TTHC về đất đai chủ yếu được đăng ký trực tiếp trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đất đai có giá trị lớn nên tâm lý của người sử dụng đất còn e ngại, lo mất hồ sơ, mất thông tin, mất an toàn trong các giao dịch. Vì thế, người dân có thói quen đến trực tiếp cơ quan nhà nước để thực hiện TTHC với suy nghĩ “chắc chắn” và để được hỏi, được hướng dẫn cụ thể các loại hồ sơ, giấy tờ liên quan… Mặc dù Sở đã tuyên truyền, hướng dẫn bằng nhiều hình thức nhưng chưa phát sinh hồ sơ trực tuyến đối với TTHC cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.

Để đánh giá thực trạng sử dụng DVCTT, đoàn công tác đã làm việc với UBND huyện Chư Păh cũng như tìm hiểu thực tế tại 3 xã: Nghĩa Hưng, Ia Phí và Đak Tơ Ve. Qua tìm hiểu cho thấy, các địa phương đã nỗ lực áp dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các TTHC cho người dân. “Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả” được triển khai thực hiện theo cơ chế “một cửa”, nơi tiếp nhận có các bảng thông tin trợ giúp pháp lý về thủ tục đăng ký chứng nhận quyền sử dụng đất, liên thông khai sinh, hộ khẩu, sổ bảo hiểm y tế, tạo điều kiện để giải quyết công việc của người dân được thuận lợi. Tuy nhiên, việc triển khai DVCTT mức độ 3 và 4 ở cơ sở đang gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Vĩnh-cán bộ Tư pháp-Hộ tịch xã Đak Tơ Ve-cho hay: Cơ sở hạ tầng thông tin chưa được đầu tư đồng bộ nên việc thực hiện các DVCTT còn hạn chế. Hơn 70% dân số trên địa bàn xã là đồng bào dân tộc thiểu số, ít được tiếp xúc với công nghệ thông tin, do vậy, việc tiếp cận với các DVCTT rất khó khăn.

Đề xuất nhiều giải pháp

Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 mang lại nhiều lợi ích, chỉ cần có kết nối mạng internet thì người dân và doanh nghiệp có thể làm việc với các cơ quan hành chính nhà nước ở mọi nơi, mọi lúc. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ đều được thực hiện trên môi trường mạng. Đặc biệt, trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, việc chuyển đổi số, đẩy mạnh thực hiện giải quyết TTHC trên môi trường điện tử thông qua các DVCTT là rất cần thiết. Tại hội thảo tư vấn chính sách nâng cao hiệu quả DVCTT tỉnh Gia Lai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành cho rằng: Xây dựng Cổng dịch vụ công của tỉnh phải đảm bảo là công cụ kết nối chính quyền với người dân và doanh nghiệp theo phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ” và cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính, đảm bảo phục vụ nhu cầu người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 đạt mục tiêu: 100% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công TTHC trước đó; tỷ lệ người dân thực hiện các DVCTT và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử tối thiểu đạt 50% tổng số hồ sơ tiếp nhận; tỷ lệ thanh toán trực tuyến đạt trên 80% tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công; mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công đạt tối thiểu 95%.

Đoàn nghiên cứu của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trao đổi với người dân xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh) về việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: Phan Lài


Để nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng các DVCTT mức độ 3 và 4, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Võ Quốc Hùng đề nghị: Các cơ quan nhà nước khi thực hiện TTHC với cơ quan hành chính nhà nước khác thì phải nộp trực tuyến để từng bước đẩy mạnh việc sử dụng các DVCTT mức độ 3 và 4. Cùng với đó, cần tiếp tục tuyên truyền qua các hình thức lưu động, khẩu hiệu, tờ rơi… để người dân biết và sử dụng DVCTT; tăng cường kiểm tra việc thực hiện DVCTT mức độ 3 và 4 theo quy định, đưa các tiêu chí về cung cấp DVCTT mức độ 3 và 4 vào xét thi đua ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính hàng năm tại các cơ quan, đơn vị, địa phương; tiếp tục xây dựng, chuẩn hóa các DVCTT mức độ 3 và 4 trên các thiết bị di động thông minh, qua ứng dụng Zalo… để tạo thuận tiện cho công dân, doanh nghiệp.

Ông Huỳnh Trọng Quang-Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh) cho hay: Trong 9 tháng năm 2021, xã đã thực hiện 40 thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và 165 thủ tục liên thông khai sinh, hộ khẩu, bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi. “Địa phương sẽ tăng cường tuyên truyền để người dân hình thành thói quen sử dụng DVCTT, tin tưởng vào sự bảo mật trong thực hiện DVCTT. Tuy nhiên, cần có chương trình đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ để đội ngũ cán bộ, công chức nắm đầy đủ về TTHC theo từng nhóm lĩnh vực của đơn vị, từ đó nâng cao chất lượng cung cấp DVCTT. Đồng thời, cần tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin để quá trình thực hiện DVCTT được thuận lợi”-ông Quang đề xuất.

Trên cơ sở tìm hiểu thực tế và làm việc với các sở, ngành, địa phương, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Lê Văn Chiến cho biết: Chính quyền địa phương đang rất nỗ lực đưa các DVCTT mức độ 3 và 4 đến với người dân. Tuy nhiên, tần suất người dân sử dụng các DVCTT vẫn quá ít. Thói quen và trình độ dân trí là yếu tố ảnh hưởng đến kết quả thực hiện DVCTT. Người dân chưa có điện thoại thông minh để sử dụng các thủ tục trên không gian mạng. Để các DVCTT đạt hiệu quả, giao diện thực hiện hành chính công cần thay đổi phù hợp hơn, có thể đưa các giao diện tiếng dân tộc thiểu số để người dân thuận lợi hơn trong tiếp cận. Huy động đoàn viên, thanh niên về trực tiếp cơ sở, đến từng nhà người dân để chia sẻ, giúp đỡ bà con thực hiện các dịch vụ này. Sau vài lần, người dân sẽ quen, hiểu được sự thuận tiện của DVCTT. Theo Phó Giáo sư-Tiến sĩ Lê Văn Chiến, đoàn công tác sẽ kiến nghị với Trung ương thay đổi một số chính sách, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin nhằm từng bước nâng cao hiệu quả DVCTT trên địa bàn tỉnh.

 

PHAN LÀI

Có thể bạn quan tâm