Chính trị

Tin tức

Nâng cao hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật liên quan tới phụ nữ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhân dịp Kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2017), Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Trần Thị Hương đã có cuộc trao đổi với phóng viên về kết quả thực hiện bình đẳng giới, công tác hội và bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của phụ nữ.

- Thưa bà, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân về bình đẳng giới, vai trò, vị trí của phụ nữ trong xã hội đã thay đổi thế nào?

 

Bà Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Có thể thấy, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết, nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân về bình đẳng giới, về vai trò, vị trí của phụ nữ trong xã hội đã được nâng lên đáng kể. Cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo về công tác phụ nữ, có các giải pháp cụ thể, rõ nét, hiệu quả hơn trong công tác phụ nữ ở từng ngành, địa phương, đơn vị; quan tâm thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết vào các chính sách, chương trình, kế hoạch.

Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ các bộ, ngành, tỉnh, thành được kiện toàn, nâng cao hiệu quả. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về giới, bình đẳng giới gắn với những vấn đề đặt ra trong thực tiễn được đẩy mạnh.

Đặc biệt, ngành Giáo dục và Đào tạo đã rà soát, lồng ghép một số bài giảng về giới trong chương trình giáo dục phổ thông; đưa giới vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng ở một số trường Đại học, Trung tâm chính trị. Các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương định kỳ có chuyên trang, chuyên mục về phụ nữ và bình đẳng giới.

Nhiều hoạt động biểu dương được tổ chức đã tôn vinh sự cống hiến, sáng tạo của phụ nữ trên các lĩnh vực…. Nghị quyết được các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ đồng tình ủng hộ. Ngày càng có nhiều phụ nữ nỗ lực, tự tin vươn lên, khẳng định mình trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; trình độ học vấn, năng lực chuyên môn, đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ đã được nâng lên rõ rệt.

 

Gian hàng giới thiệu và bán các mặt hàng nông sản sạch của chị em phụ nữ phường Trung Đô, thành phố Vinh (Nghệ An).

Tuy nhiên, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, ban, ngành và một bộ phận cán bộ, đảng viên, người đứng đầu về công tác phụ nữ, về vai trò của phụ nữ và bình đẳng giới chưa thật sự đầy đủ, sâu sắc và toàn diện. Một số nơi vẫn cho rằng công tác phụ nữ, bình đẳng giới là trách nhiệm của tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ. Nội dung, hình thức tuyên truyền về bình đẳng giới và công tác phụ nữ chưa thực hiện thường xuyên, thiếu nguồn lực, chưa thu hút được sự tham gia của nam giới nên hiệu quả chưa cao.

Tài liệu tuyên truyền, bản tin sinh hoạt chi bộ và các tài liệu thông tin của cấp ủy, báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri… ít đề cập đến vấn đề phụ nữ và công tác phụ nữ. Việc bổ sung, điều chỉnh nội dung giáo dục giới tính và giới trong nhà trường còn chậm; tư tưởng trọng nam hơn nữ vẫn còn tồn tại trong xã hội. Mặc dù nam giới chia sẻ nhiều hơn trách nhiệm đối với con cái và các công việc nội trợ nhưng nhìn chung công việc gia đình vẫn được coi là trách nhiệm của phụ nữ.

Những hạn chế trên đòi hỏi tiếp tục có sự quan tâm chỉ đạo mạnh mẽ, sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với công tác phụ nữ và sự vào cuộc nghiêm túc, tích cực, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, địa phương, các đoàn thể trong đó có vai trò quan trọng của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Bản thân người phụ nữ cần tích cực phấn đấu, vươn lên, khẳng định được vai trò, vị trí trong gia đình và xã hội.

- Vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm đang được toàn xã hội quan tâm, vai trò của Hội phụ nữ các cấp trong việc giải quyết vấn đề này thế nào, thưa bà?

Chiếm trên 50% dân số, phụ nữ Việt Nam có vai trò quan trọng trong tất cả các khâu từ sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và tiêu dùng gia đình. Phụ nữ vừa là chủ thể tham gia giải quyết vấn đề, vừa được hưởng lợi, do vậy, nhận thức, hành động của phụ nữ sẽ có ảnh hưởng quan trọng tới những thay đổi trong gia đình và tại cộng đồng.

Năm 2012, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ cả nước cam kết thực hiện “ba không”: “Không sản xuất rau không an toàn; không bán phụ gia thực phẩm không có trong danh mục cho phép sử dụng; không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn”.

Hàng năm, Hội ký kết và thực hiện Chương trình phối hợp với Bộ Y tế về công tác tuyên truyền, vận động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2014 - 2020, trong đó, có nội dung truyền thông đảm bảo an toàn thực phẩm trong cán bộ, hội viên, phụ nữ. Hàng ngàn cuộc truyền thông trực tiếp đã được các cấp Hội tổ chức nhằm cung cấp cho cán bộ, hội viên phụ nữ về các quy định đảm bảo an toàn thực phẩm, sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm an toàn.

Từ đó, nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng, tập trung truyền thông vào  “Tháng Hành động vì chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm”. Lãnh đạo Hội tham gia Ban Chỉ đạo quốc gia về an toàn vệ sinh thực phẩm Trung ương cũng là điều kiện giúp Hội chỉ đạo, tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông, vận động hội viên, phụ nữ thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm được thuận lợi.

Đặc biệt, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” được thực hiện trong cả nước đã đưa nội hàm tiêu chí “3 sạch” gắn với việc cam kết thực hiện an toàn thực phẩm trong từng hộ gia đình, trong đó, lấy phụ nữ là trung tâm.

 

Chi hội phụ nữ làng Khúc Na, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy (Kon Tum) với 100% hội viên là người H’Lăng luôn giúp nhau phát triển kinh tế, hỗ trợ nhau đạt các tiêu chí hội, giữ gìn bản sắc dân tộc, trở thành tấm gương sáng cho nhiều chi hội học tập và noi theo. Trong ảnh: Các thành viên của Hội tới thăm hỏi các hộ gia đình trong làng.

Ở một số tỉnh, thành phố, các cấp Hội đã chủ động, sáng tạo đưa thêm các nội dung vào các tiêu chí, trong đó, có nội dung sạch đồng ruộng; sạch bản làng, sản xuất, chế biến sạch, không sản xuất kinh doanh thực phẩm bẩn… Bên cạnh đó, các cấp Hội còn tích cực tham gia các đoàn giám sát liên ngành về an toàn thực phẩm, qua đó, tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm, tích cực phát hiện, tố giác hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.

Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền về an toàn thực phẩm, thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức của cán bộ, hội viên trong thực hiện công tác đảm bảo an toàn thực phẩm; lồng ghép truyền thông về an toàn thực phẩm trong các hoạt động thường xuyên của Hội; xây dựng và nhân rộng các mô hình hiệu quả; vận động phụ nữ trở thành người tiên phong chuyển đổi hành vi thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, ưu tiên lựa chọn, sử dụng sản phẩm của Việt Nam, thể hiện tinh thần yêu nước.

- Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có những giải pháp gì để giảm thiểu tình trạng bạo lực trong gia đình thưa bà?

Với vai trò là tổ chức đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong tham mưu, chỉ đạo, thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Nghị quyết các kỳ Đại hội Phụ nữ toàn quốc những nhiệm kỳ qua đều quan tâm tới công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Để tiếp tục ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng bạo lực gia đình, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, vận động nâng cao nhận thức, kiến thức cho phụ nữ và cộng đồng, đặc biệt là nam giới về phòng, chống bạo lực gia đình; chú trọng tuyên truyền gương điển hình, phê phán hành vi vi phạm pháp luật về gia đình; tiếp tục tăng cường công tác phối hợp giữa cấp uỷ Đảng với các ban, ngành, đoàn thể thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” gắn với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng gia đình văn hóa cơ sở”; nhân rộng các mô hình can thiệp hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, trong đó chú trọng xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên về phòng, chống bạo lực gia đình có kỹ năng tư vấn cho nạn nhân, người gây bạo lực; kết nối với các nhà tạm lánh để bảo vệ, hỗ trợ các nạn nhân bị bạo lực gia đình tại địa phương.

Hội nghiên cứu đề xuất cơ chế phối hợp và kinh phí hỗ trợ hoạt động của địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; tăng cường chia sẻ thông tin, bài học kinh nghiệm, các sáng kiến, mô hình hiệu quả.

Đồng thời, vai trò tham mưu, giám sát, phản biện của các cấp Hội được phát huy trong thực hiện luật pháp, chính sách về phòng, chống bạo lực gia đình. Hội quan tâm hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật liên quan tới phụ nữ, gia đình và bình đẳng giới, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc. Hội nghiên cứu và tham mưu đề xuất các chính sách, chương trình khuyến khích nam giới chia sẻ công việc gia đình; tăng cường chế tài và đồng bộ hóa các hoạt động hỗ trợ nạn nhân của bạo lực gia đình.

- Trân trọng cảm ơn bà!

Đỗ Bình/baotintuc

Có thể bạn quan tâm