Ngày 12-9, hội nghị toàn quốc về hoạt động của Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân đã bế mạc thành công tốt đẹp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc hội nghị. |
Các ý kiến phát biểu tại hội nghị lần này tập trung vào các vấn đề quan trọng đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng lưu ý trong phiên khai mạc; nội dung phát biểu thẳng thắn, có chiều sâu, trong không khí dân chủ… ngoài trao đổi trực tiếp còn gợi ý để suy nghĩ, tổng kết sâu sắc hơn, liên quan đến công tác chỉ đạo và phối hợp trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đánh giá, nhiệm kỳ 2004-2011 của Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân các cấp diễn ra trong bối cảnh Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là sự biến động phức tạp của kinh tế thế giới.
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Đảng, sự hoạt động và giám sát có hiệu quả của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành tập trung, quyết liệt của Chính phủ và chính quyền các cấp, sự phối hợp có hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nỗ lực của các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và tầng lớp nhân dân, Việt Nam đã phát huy sức mạnh tổng hợp, đưa đất nước từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục ổn định và phát triển. Vị thế đất nước Việt Nam ngày càng được nâng lên.
Chủ tịch Quốc hội kết luận kết quả này có được là do sự cố gắng của toàn dân và cả hệ thống chính trị, trong đó sự đóng góp tích cực của chính quyền các cấp; và nêu rõ: Hội đồng Nhân dân quyết định các vấn đề quan trọng không còn mang tính hình thức như trước; không giám sát chung chung mà giám sát theo chuyên đề; tiếp xúc cử tri có nhiều đổi mới, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân...
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cũng nêu lên những mặt còn hạn chế trong hoạt động của Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân như còn những việc thực hiện hình thức; có nơi hoạt động không đều, chất lượng còn thấp, vướng về cơ chế, quy định pháp luật nên nhiều việc chưa giải quyết được; vẫn còn hiện tượng cửa quyền, tham nhũng, sự phối hợp chưa tốt…
Chủ tịch Quốc hội đề nghị sau hội nghị này, các đại biểu báo cáo cấp ủy để tổng kết nhiệm kỳ sâu sắc, có những kiến nghị đích đáng và khả thi; tiếp xúc cử tri cần tiếp tục đổi mới; tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác giám sát; tăng cường sự phối hợp với Mặt trận Tổ quốc trong hoạt động để thu được kết quả tốt nhất.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cũng nêu rõ: Cần nâng cao hơn nữa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vai trò, vị trí của Ủy ban Nhân dân và Hội đồng Nhân dân trong bộ máy Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Vấn đề tổ chức bộ máy cần được nghiên cứu thấu đáo, toàn diện.
Hội đồng Nhân dân là cơ quan đại diện cho dân cần phải được bố trí lực lượng tương xứng, cán bộ phải có năng lực, trình độ, kinh nghiệm; kinh phí và cơ sở vật chất, phương tiện làm việc phải được trang bị đầy đủ… để hoạt động hiệu quả nhất; cần phân định rõ trách nhiệm của Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong chức năng hướng dẫn, giám sát hoạt động của Hội đồng Nhân dân; đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy Đảng đổi với hoạt động của Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân, ông Nguyễn Phú Trọng nói.
Về việc thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân quận, huyện, phường ở 10 tỉnh, Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là vấn đề lớn, hệ trọng, liên quan đến Hiến pháp và nhiều văn bản pháp luật. Vấn đề này đã được đặt ta từ lâu và Việt Nam đang làm thí điểm.
Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng khuyến nghị phương pháp tư tưởng trong vấn đề này cần xem xét một cách toàn diện, biện chứng, cả mặt tích cực và mặt hạn chế, từ đó chọn giải pháp tối ưu trong điều kiện cho phép và có tính khả thi, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
Theo TTXVN