(GLO)- Cách đây chừng 40 năm, tôi là thư ký của Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum Ksor Krơn. Một hôm, ông bất chợt hỏi tôi rằng, khi nào cơn mưa đầu mùa sẽ đến. Có lý do của nó cả. Là vì ông muốn sắp xếp công việc ở văn phòng để về cơ sở cùng vào vụ gieo trỉa, hội hè với dân làng.
Gia Lai khi ấy là vùng có khí hậu đặc trưng với 2 mùa mỗi năm: từ giữa tháng 4 đến giữa tháng 10 là mùa mưa; giữa tháng 10 đến giữa tháng 4 năm sau là mùa nắng. Chu kỳ mưa-nắng ấy lặp đi lặp lại nên người dân nơi đây bao đời đã rút ra cho mình kinh nghiệm gieo trồng, thu hái, nghỉ ngơi, hội hè... phù hợp với “ý trời”.
Không dễ để trả lời câu hỏi trên của Bí thư Tỉnh ủy. Không có Google để tra cứu như bây giờ, sách báo chuyên ngành cũng thiếu, vì thế hàng năm, chúng tôi phải theo dõi các báo cáo của ngành chức năng và ghi chép cẩn thận về những cơn mưa đầu mùa ở các vùng trong tỉnh, ghi cả thời gian mưa, mưa bao lâu, lượng mưa đo được, có thiệt hại gì lớn không để đưa ra dự báo. Trong quá trình theo dõi, ghi chép ấy, chúng tôi phát hiện ra rằng, dần dà rồi nắng mưa cũng không còn theo một quy luật nào nữa. Chuyện mưa thất thường ấy đã làm lỡ việc, khiến vài cán bộ bị phê bình, dù sự phê bình ấy của Bí thư Tỉnh ủy cũng nhẹ nhàng thôi.
Một ngày giữa tháng 12-1988, chúng tôi về thăm một ngôi làng của bà con dân tộc thiểu số ở Măng Đen, huyện Kon Plông. Làng cách đường chính chừng chục cây số, thế mà cứ như ốc đảo vào mùa mưa. Thương bà con, sau chuyến công tác này về, Bí thư cho mời anh Hồ Xuân Hải-Giám đốc một doanh nghiệp nhà nước chuyên ngành xây dựng giao thông, thủy lợi lên làm việc, đồng thời giao nhiệm vụ phải thi công xong tuyến đường này trước ngày 30-4-1989, nghĩa là trước mùa mưa năm sau.
Ảnh minh họa: Internet |
Ngày 29-4-1989, chúng tôi có mặt ở Huyện ủy Kon Plông. Lúc ấy, anh Thái Quang Nhạn là Bí thư Huyện ủy. Trước khi đến, Bí thư Tỉnh ủy Ksor Krơn đã điện báo trước và yêu cầu Bí thư Nhạn chuẩn bị đội chiếu bóng cùng đi với đoàn để chiếu phim phục vụ bà con nhân dịp khánh thành tuyến đường và chào mừng kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Khi xe chúng tôi đến đầu con đường vào làng thì gặp một thanh niên đang đi bộ lững thững. Sau khi xuống xe trò chuyện với thanh niên kia bằng tiếng địa phương, Bí thư Ksor Krơn quay sang nhìn phía anh em chúng tôi với vẻ mặt không vui. Ông bảo, anh thanh niên nọ nói đường vào làng mới làm và nhiều chỗ làm chưa xong, mấy buổi chiều vừa rồi trời lại liên tục mưa rất to nên lầy lội lắm, xe khó vào được.
Bí thư Huyện ủy Thái Quang Nhạn rất ái ngại với Bí thư Tỉnh ủy, vì anh đã chủ quan, mấy ngày nay cứ tưởng trời nắng đẹp như là dự báo thời tiết nên không cho người đi “tiền trạm”. Anh cho hay, mọi năm vào quãng thời gian này thì vùng Kon Plông chưa có mưa. Và rồi, chúng tôi cũng đến được làng, dĩ nhiên là bằng cách cuốc bộ gần cả buổi sáng. Máy nổ, dụng cụ chiếu phim, hàng hóa làm quà tặng cho làng đều do thanh niên khiêng, gùi, cõng. Nắng mưa là chuyện của trời. Nhưng lỗi cũng tại con người không cập nhật tình hình thời tiết.
Đêm ấy, người làng vui say đến sáng. Người già thì quây quần bên Bí thư Tỉnh ủy và bên những ché rượu cần vơi rồi lại đầy, hết chuyện nọ đến chuyện kia, nhất là những chuyện về ngày xưa đánh giặc, đi dân công tiếp tế cho cán bộ, bộ đội. Rồi đến chuyện làm ăn, định canh định cư. “Đã khá lâu kể từ ngày giải phóng đất nước, bà con làng mình mới được xem phim, mới được đón lãnh đạo tỉnh, huyện ở lại ngủ cùng người làng, cứ để bà con vui cho thỏa thích”-già làng nói thế với Bí thư Tỉnh ủy. Con đường không hoàn thành đúng hẹn với Bí thư Tỉnh ủy một phần là do... trời. Biết vậy nên Bí thư Tỉnh ủy cũng chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở: “Anh Hải cần rút kinh nghiệm. Trong việc chỉ đạo cần sâu sát cơ sở, sâu sát công trường. Cán bộ lãnh đạo của huyện cũng thế, anh Nhạn nhé!”. Tôi còn nhớ như in lời của Bí thư Ksor Krơn, nhẹ nhàng mà thấm thía đến tận bây giờ!
ĐOÀN MINH PHỤNG