Nâng tầm đội ngũ luật sư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau hơn 8 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 49/NQ-TW của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, toàn tỉnh có thêm 11 luật sư chính thức và 14 luật sư tập sự, nâng tổng số luật sư chính thức đến nay là 21 người và 20 luật sư tập sự. Số luật sư này đăng ký hoạt động tại 7 văn phòng ở TP. Pleiku và 1 văn phòng ở huyện Chư Prông.

Từ đầu năm đến nay, Đoàn Luật sư tỉnh đã phân công các luật sư trực tiếp tham gia tranh tụng gần 300 vụ việc, thực hiện hàng chục ngàn lần tư vấn pháp luật, soạn thảo văn bản và các dịch vụ pháp lý khác, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho thân chủ, đảm bảo các quyền tự do, dân chủ, công bằng xã hội. Tuy vậy, số lượng vụ việc có luật sư tham gia trợ giúp pháp lý, tranh tụng tại phiên tòa còn hạn chế.

 

Quang cảnh một phiên tòa. Ảnh: V.N

Phần lớn các vụ án, nhất là những vụ án hình sự có luật sư tham gia bào chữa là do Cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát và Tòa án yêu cầu Đoàn Luật sư phân công người bào chữa cho các đương sự. Ít có bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp chủ động đi đến mời luật sư tham gia bào chữa cho đương sự. Nguyên nhân cơ bản là do đương sự còn nhiều khó khăn, thiếu thông tin về vai trò của luật sư, họ thường phó mặc sự vụ cho các cơ quan tiến hành tố tụng.

Bởi vậy, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, tăng cường phối hợp với các cơ sở đào tạo nghiệp vụ, tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ luật sư, tạo môi trường thông thoáng cho đội ngũ luật sư hoạt động, khuyến khích những người có trình độ cử nhân luật đi học nghề, hành nghề… là cần thiết.

Luật sư Hoàng Ngọc Xuân- Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh chia sẻ: “Thời gian gần đây, có rất nhiều người đã hoàn thành các khóa học nghiệp vụ, được Học viện Tư pháp-Bộ Tư pháp cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư và nhiều công chức, viên chức đã và đang chuẩn bị nghỉ hưu tìm đến Văn phòng Đoàn Luật sư tỉnh tìm hiểu các thủ tục hành nghề luật sư. Thời gian tới, hy vọng số lượng, chất lượng luật sư sẽ có nhiều chuyển biến tích cực hơn nữa”.

Thông tư liên tịch số 66 ngày 19-6-2007 của Liên bộ Tư pháp và Tài chính “Hướng dẫn về thù lao và thanh toán chi phí cho luật sư trong trường hợp luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng” không còn phù hợp về chế độ thù lao. Theo đó, các cơ quan tiến hành tố tụng đã và đang chi trả chế độ thù lao 120.000 đồng/ngày làm việc của luật sư.

Ngoài khoản tiền thù lao, trong quá trình chuẩn bị và tham gia bào chữa tại phiên tòa, luật sư được thanh toán chi phí tiền tàu, xe, lưu trú theo quy định hiện hành về chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác trong nước. “Thông tư này không quy định chi trả tiền bảo hiểm cho luật sư, trả thù lao quá thấp so với thời giá hiện nay, hơn nữa thủ tục thanh toán còn quá rườm rà, việc chi trả không kịp thời nên luật sư hoạt động rất khó khăn, nhất là mỗi khi đi làm nhiệm vụ ở những vùng sâu, vùng xa…”- Luật sư Hoàng Ngọc Xuân cho biết.

Để đội ngũ luật sư phát triển ngang tầm với nhu cầu xã hội, Trung ương cần hoàn thiện các chế định bổ trợ tư pháp, địa phương tạo cơ chế đãi ngộ cho các luật sư hoạt động. Bên cạnh đó, bản thân các luật sư cần tích cực học tập, nghiên cứu, hành nghề; góp phần thực hiện dân chủ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp cho các đương sự, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa theo các quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành.

Hoàng Cư

Có thể bạn quan tâm