Kinh tế

Nền tảng cho khu vực nông thôn phát triển bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian đầu thực hiện, các địa phương hãy còn bỡ ngỡ trong cách tiếp cận, xây dựng giải pháp khả thi để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Việc hiện thực hóa các tiêu chí nông thôn mới lại đối mặt với khó khăn nội tại, khó khăn mới phát sinh; song với quyết tâm cao của hệ thống chính trị và nhân dân, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã để lại dấu ấn kết quả khả quan.

 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 6 xã đạt 19 tiêu chí đang đề nghị công nhận và 2 xã đang hoàn tất hồ sơ đề nghị công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; 16 xã có 14 đến 18 tiêu chí; 55 xã có từ 10 đến 14 tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới... là kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015. Đặt kết quả trên vào hiện trạng kinh tế-xã hội, mạng lưới hạ tầng cơ sở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh trước khi xây dựng nông thôn mới còn nhiều khó khăn mới thấy sự quyết tâm của hệ thống chính trị, sự nhập cuộc của nhân dân-chủ thể xây dựng nông thôn mới bằng việc làm thiết thực để hiện thực hóa các tiêu chí nông thôn mới, phác họa diện mạo vùng nông thôn phát triển toàn diện.
 

Làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Đức Thụy

Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã huy động nguồn vốn 11.436,410 triệu đồng đầu tư thực hiện các tiêu chí nông thôn mới; trong đó vốn đầu tư trực tiếp cho chương trình xây dựng nông thôn mới là 680.520 triệu đồng; vốn lồng ghép 3.273,872 triệu đồng; vốn tín dụng 5.479,422 triệu đồng; vốn doanh nghiệp 327.882 triệu đồng; nhân dân đóng góp 1.479,642 triệu đồng và 195.073 triệu đồng từ các nguồn vốn khác. Nguồn vốn trên đã đầu tư thực hiện chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, giảm tổn thất sau thu hoạch, chế biến nông sản; xây dựng 249 mô hình phát triển sản xuất.

Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tỉnh, phần lớn các mô hình, dự án triển khai phù hợp với đặc thù từng địa phương. Một số mô hình có sức lan tỏa rộng, mang lại thu nhập cao cho nông dân như mô hình sản xuất cà phê 4C; sử dụng giống lúa năng suất, chất lượng cao như: OM6976, Hương Cốm, RVT, QR2, lúa lai 3 dòng Bio 404; nuôi cá, nuôi heo trên nệm lót sinh học. Chăn nuôi phát triển mạnh về chất lẫn lượng, tổng đàn bò của tỉnh hiện đứng thứ 2 cả nước. Sản phẩm nông nghiệp chủ lực như mía, mì, cà phê, bắp, điều, chè, cà phê, hồ tiêu… phát triển gắn với cơ sở chế biến, tạo sản phẩm chất lượng, đủ sức cạnh tranh với thị trường trong nước và thế giới. Nhờ vậy, năm 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt 17 triệu đồng/năm, tăng 7,5 triệu đồng so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,4% góp phần vào kết quả toàn tỉnh có 62 xã có thu nhập bình quân đầu người đạt chuẩn nông thôn mới; 37 xã có tiêu chí hộ nghèo đạt chuẩn nông thôn mới.

Mạng lưới hạ tầng cơ sở thiết yếu như điện, đường, nhà sinh hoạt cộng đồng, các công trình dân sinh kinh tế cũng được đầu tư đúng mức. 5 năm qua, toàn tỉnh đã đầu tư làm mới gần 495,619 km đường giao thông trục xã và cải tạo, nâng cấp, sửa chữa 1.141 km đường giao thông trục thôn, xóm và đường nội đồng. Xây mới và nâng cấp 57 công trình thủy lợi; kiên cố hóa 167,9 km kênh mương nội đồng. Nâng cấp và xây mới 307 trường học và điểm trường; 185 công trình cấp nước sinh hoạt. Xây dựng, nâng cấp nhiều chợ nông thôn và nhiều cơ sở hạ tầng thiết yếu khác. Đặc biệt, thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, hệ thống nhà văn hóa, sân thể thao xã cũng được đầu tư xây dựng mới và nâng cấp, sửa chữa 45 nhà văn hóa xã và 191 nhà văn hóa, khu thể thao thôn, làng. Cơ sở vật chất, hệ thống trường lớp cũng được đầu tư theo chuẩn nông thôn mới. Môi trường sinh thái khu vực nông thôn được quan tâm đúng mức thông qua kết quả số cơ sở sản xuất kinh doanh đạt chuẩn môi trường tăng từng năm; phần lớn các xã đã hình thành tổ, nhóm thu gom, xử lý rác thải góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nhờ sự đầu tư trên, trong 184 xã của tỉnh hiện có 114 xã đạt chuẩn nông thôn mới tiêu chí văn hóa; 105 xã đạt tiêu chí giáo dục; 131 xã đã đạt tiêu chí thủy lợi; 96 xã có tiêu chí chợ đạt chuẩn nông thôn mới…

Trong 5 năm qua, các xã trên địa bàn tỉnh đã xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch chuẩn hóa đội ngũ cán bộ theo chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt, 2 đề án của Tỉnh ủy là “Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở giai đoạn 2009-2015” và “Tuyển chọn sinh viên tốt nghiệp đại học bố trí về cơ sở công tác” đạt kết quả cao. An ninh trật tự khu vực nông thôn cơ bản được giữ vững. Đến nay, toàn tỉnh có 154 xã đạt tiêu chí an ninh, trật tự xã hội.  

Kết quả nổi bật trong 5 năm qua là đến thời điểm này, số tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới bình quân 1 xã là 10,75 tiêu chí, tăng 0,65 tiêu chí so với năm 2014. Chỉ số trên tiếp tục tăng theo mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có 70 xã đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân số tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới 1 xã đạt 15,12 tiêu chí. Giải pháp để đạt mục tiêu trên là sử dụng hiệu quả tất cả nguồn lực đầu tư cho cả giai đoạn để tiếp tục đầu tư hoàn thiện mạng lưới cơ sở hạ tầng nông thôn. Đặc biệt, tiếp tục phát huy thành tựu đạt được trong tiến trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015; nổi bật là nhận thức về chương trình xây dựng nông thôn mới của hệ thống chính trị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân được nâng lên. Khu vực nông thôn đã có sự hiện diện của nhiều tổ chức sản xuất như tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hình thành chỉnh thể hợp tác liên kết sản xuất kết hợp với hạ tầng cơ sở đã và sẽ được hoàn thiện thúc đẩy phát triển sản xuất khu vực nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Quang Văn

Có thể bạn quan tâm