Tin tức

Nga công bố bằng chứng Ukraine triển khai tên lửa BUK ở miền Đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 21-7 dẫn nguồn tin từ Cục trưởng Cục tác chiến Bộ Tổng Tham mưu Nga, Trung tướng Andrei Kartapolov cho biết, những hình ảnh thu được từ trung tâm giám sát Rostov cho thấy có sự hiện diện của một chiếc tiêm kích Ukraine tại thời điểm MH17 bị bắn hạ.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, cùng thời điểm MH17 gặp nạn, một vệ tinh của Mỹ đã bay qua khu vực phía Đông Ukraine, chính vì thế, Nga đã kêu gọi Mỹ công bố các bức ảnh vệ tinh để giúp làm sáng tỏ vụ việc.
 

Các đơn vị tên lửa BUK tại làng Zaroshchenskoye cách Donetsk khoảng 50 km về phía Đông, và cách Shakhtyorsk khoảng 8 km về phía Nam.

Trong tuyên bố của mình, ông Kartapolov cũng cáo buộc rằng, các đơn vị tên lửa BUK của Ukraine đã được điều động đến khu vực do lực lượng ly khai kiểm soát. Địa điểm MH17 gặp nạn nằm hoàn toàn trong tầm hoạt động của hệ thống tên lửa tự hành tầm trung đất đối không BUK của Ukraine.

Để minh chứng cho cáo buộc của mình, Tướng Kartapolov đã đưa ra những hình ảnh vệ tinh cho thấy địa điểm Ukraine bố trí các hệ thống phòng không ở khu vực Đông Nam.

Ba bức ảnh vệ tinh chụp hôm 14-7 cho thấy, hệ thống tên lửa BUK được bố trí ở khu vực cách thành phố Lugansk khoảng 8km về phía Tây Bắc, ngoài ra còn có các xe phóng TELAR. Một bức ảnh khác cho thấy, Ukraine cũng có một trạm radar gần Donetsk. Bức ảnh thứ ba thể hiện rõ vị trí của hệ thống phòng không Ukraine gần Donetsk, trong đó ngoài xe phóng TELAR còn có khoảng 60 xe quân sự cùng các công trình phụ trợ khác.

 

Hệ thống tên lửa BUK của Ukraine gần Donetsk hôm 14-7.
Trạm radar của Ukraine trên ảnh vệ tinh hôm 14-7.

Hai bức ảnh vệ tinh chụp hôm 17-7 thì cho thấy, Ukraine đã bố trí các đơn vị tên lửa BUK tại làng Zaroshchenskoye cách Donetsk khoảng 50 km về phía Đông, và cách Shakhtyorsk khoảng 8 km về phía Nam.

Tướng Kartapolov đã đặt ra câu hỏi rằng tại sao hệ thống tên lửa của Ukraine lại xuất hiện trong khu vực do lực lượng dân quân địa phương kiểm soát trước khi thảm họa xảy ra? Và đáng nói hơn, những bức ảnh vệ tinh chụp hôm 18-7 cho thấy, các đơn vị tên lửa nói trên đã “đột ngột” biến mất.

Ông Kartapolov cũng chỉ ra rằng, trên thực tế, vào ngày xảy ra thảm họa, các radar Ukraine trong khu vực đã tích cực hoạt động hơn bình thường. Ông nói: “Có 7 radar hoạt động trong ngày 15-7, 8 radar hoạt động trong ngày 16 và 9 radar hoạt động vào ngày 17-7. Trong đó có radar Kupol-M1 9S18 của Ukraine- một phần trong hệ thống BUK”.

 

Các đơn vị tên lửa đột ngột biến mất sau thảm họa MH17.

Đáp lại, Kiev nói ngày 21-7 rằng họ có bằng chứng cho thấy tên lửa đã bắn hạ MH17 đã được đưa vào Ukraine từ Nga hồi tuần trước. Người phát ngôn của Hội đồng quốc phòng và an ninh Ukraine Andrey Lysenko nói: “Chúng tôi có bằng chứng cho thấy tên lửa đã bắn rơi máy bay do bọn khủng bố bắn đi, những kẻ này nhận vũ khí và các chuyên gia từ Liên bang Nga”.

Ông Lysenko nói thêm: “Để né tránh trách nhiệm, phía Nga đã vẽ vời ra rất nhiều hình ảnh. Chúng tôi sẽ phản bác bất cứ bức ảnh nào do phía Nga tạo ra”.

Về phần mình, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã lên tiếng bác bỏ tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga về việc máy bay Su-25 của Ukraine bay gần MH17.

Ông Poroshenko nói: “Điều đó không đúng. Khi Bộ Quốc phòng Nga đưa ra một tuyên bố như thế, họ cần đưa ra bằng chứng. Bầu trời Ukraine được giám sát bởi nhiều vệ tinh và các hệ thống quân sự. Tất cả mọi người đều biết mọi máy bay của Ukraine đang ở trên mặt đất cách hiện trường tai nạn vài km ở thời điểm xảy ra tai nạn”.

Theo VOV

Có thể bạn quan tâm