Ngày 19-7, trong cuộc bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Nga và Trung Quốc đã phủ quyết một dự thảo nghị quyết áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Tổng thống Syria Bashar al-Assad nếu ông Assad không chấm dứt sử dụng các loại vũ khí hạng nặng.
Đây là lần thứ ba trong vòng chín tháng qua, Nga và Trung Quốc đã sử dụng quyền phủ quyết với tư cách là ủy viên thường trực HĐBA LHQ gồm 15 thành viên, để phản đối các nghị quyết chống Syria.
Bản nghị quyết nêu trên nhận được 11 phiếu thuận, hai phiếu trắng, Nga và Trung Quốc bỏ phiếu chống.
Bản nghị quyết này, được Mỹ, Pháp, Đức, Bồ Đào Nha ủng hộ, kêu gọi sử dụng các biện pháp trừng phạt phi quân sự theo Chương VII của Hiến chương LHQ trong trường hợp Tổng thống Assad không rút các loại vũ khí hạng nặng ra khỏi các thành phố của Syria trong vòng 10 ngày.
Trước đó cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này hết sức quan ngại về tình hình tại Syria. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh xung đột tiếp tục gia tăng ở trung tâm thủ đô Damascus một ngày sau vụ đánh bom liều chết làm nhiều quan chức an ninh cấp cao của Tổng thống Bashar al-Assad thương vong.
Tuyên bố đăng trên trang web của bộ trên nêu rõ Trung Quốc "cực lực lên án vụ đánh bom ở Damascus hôm 18-7. Bắc Kinh đặc biệt quan ngại trước tình trạng căng thẳng tiếp diễn ở Syria".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nhấn mạnh Trung Quốc một lần nữa kêu gọi các bên liên quan ở Syria thực thi đầy đủ kế hoạch sáu điểm của Phái viên chung Liên hợp quốc và Liên đoàn Arập (AL) Kofi Annan, Tuyên bố của Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm Hành động về Syria cũng như các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an LHQ.
Trong khi đó, Tổng thống Inđônêxia Susilo Bambang Yudhoyono ngày 19-7 cho biết ông đã gửi thư kiến nghị Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon tiếp tục tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề Syria nhằm chấm dứt cuộc nội chiến cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người tại quốc gia Trung Đông này.
Tổng thống Yudhoyono cũng bày tỏ quan ngại về diễn biến tình hình ở Syria trong bối cảnh số người thương vong không ngừng tăng cao và kế hoạch hòa bình sáu điểm của ông Annan không có dấu hiệu mang lại kết quả tích cực.
Ông Raul Hernandez, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines, cùng ngày cho biết Chính phủ Philippines đang chuẩn bị cho việc hồi hương số lượng lớn công nhân Philippines làm việc tại Syria do lo ngại bạo lực leo thang ở quốc gia Trung Đông này.
Hiện có tổng số 1.806 người Philippines đã được hồi hương kể từ khi chính phủ nước này đưa ra chương trình hồi hương bắt buộc vào tháng 12-2011. Tại Syria còn khoảng 8.000-9.000 công nhân Philippines đang bị kẹt lại ở các khu vực Damascus, Homs, Daraa, Aleppo... nơi chiến sự đang diễn ra ác liệt.
Trong động thái liên quan, Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki cùng ngày đã chỉ thị thành lập một uỷ ban giúp đưa những công dân nước này đang mắc kẹt tại Syria rời khỏi quốc gia đang chìm trong bạo lực này, khi ngày càng xảy ra nhiều vụ tấn công nhằm vào công dân Iraq tại đây.
Theo TTXVN