Ngắm thành phố từ trên cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nếu muốn có một nơi để ngắm cảnh phố xá Pleiku và tận hưởng không khí tĩnh lặng yên bình của vùng cao nguyên thì núi Đá (hay còn gọi là đồi Pháo binh 37) nằm ở cuối đường Nguyễn Văn Cừ, đoạn tiếp giáp với huyện Ia Grai là lựa chọn mà du khách không nên bỏ lỡ.
Tôi đã quen với khí hậu 2 mùa mưa nắng và những người Jrai gùi hàng từ ngoại ô vào phố. Tôi cũng đã quen với ly cà phê ấm nóng mỗi sớm mai, quen với mọi ngóc ngách của Pleiku. Nhưng càng ở lâu, tôi càng phát hiện những điều thú vị chỉ có ở thành phố này như mỏm núi hàng ngày vẫn đi qua, trông thấy nhưng chưa một lần thử dấn bước leo lên.
Địa hình Pleiku là đồi núi cao xen lẫn thung sâu thăm thẳm. Mùa mưa, những mảng cỏ xanh mọc lấm tấm ở nơi có đá gan gà, đá bọt biển, nơi có dải đá nhô lên thành núi. Những bụi cây nhỏ lúp xúp quanh chân núi được nước nở bung chùm hoa đỏ thắm xen lẫn cỏ dại. Trên con đường mòn nhỏ vòng vèo dưới chân núi, tôi dừng lại ngắm thành phố. Ngay dưới chân là cánh đồng của thung lũng Ia Pe mới gặt, nước xâm xấp đổ màu bàng bạc khi ánh hoàng hôn về chiều giấu mặt trời sau núi Đá. Sát mép nước cánh đồng là vùng đất thoải với những vườn rau được trồng theo hàng luống. Những cây thân leo được giăng lưới xanh mắt cáo trên những cọc le.
Bên kia đồng là phố, nhà cửa san sát. Những ngôi nhà nhìn từ xa chỉ toàn là một màu trăng trắng, mái cao thấp nhấp nhô theo địa hình núi đồi. Bây giờ, nhà đã sát cánh đồng, người đông ra thì phố hẹp lại, điện sáng trưng, đi đâu cũng tiện lợi. Thu tầm mắt lại gần có gốc cây goòng xòe tán rộng, có đàn ong nào đó trên đường bay mỏi cánh qua làm tổ trú lại nhìn như chiếc áo đen ai treo vắt vẻo trên cành cây. Chiều chiều, trên lối mòn nhấp nhô đá, từng đàn bò thủng thẳng đi về làng xuyên qua đồi thông. Chúng để lại những dấu chân chi chít, có vũng nước nhỏ lắng lại sau cơn mưa soi rõ đám mây chờn vờn trên bầu trời xanh thăm thẳm. Mái ngói vàng cong vút của thiền viện gần đó văng vẳng tiếng chuông khiến lòng người bỗng thấy an nhiên…
Du khách ngắm thành phố từ núi Đá. Ảnh: T.U
Thế đất được thiên nhiên ưu đãi sắp đặt nên Pleiku không giống bất kỳ đô thị nào trong cả nước. Những con đường băng qua thung lũng, vượt lên đồi nơi có chiếc cầu treo màu vàng vắt vẻo nối với đồi thông của xã Ia Dêr (huyện Ia Grai) rợp bóng. Chiều về, rừng có tiếng chim gọi bầy chao chát, sương mờ che phủ để bóng tối xuống nhanh. Đi bộ một vòng quanh chân núi đủ để nóng người. Bước lên mỏm đá cao, gió thổi lồng lộng, bên này là thành phố tấp nập, sau lưng là chốn an nghỉ vĩnh hằng của bao người. Hoàng hôn mùa mưa, nắng buông yếu ớt. Bên này dương, bên kia âm, tưởng xa vời mà chỉ cách nhau cái ngoái đầu vọng cảnh.
Trên dải đất thoai thoải chật hẹp ở đỉnh núi, vài bạn trẻ bày bàn ghế, mắc điện bán đồ uống. Họ mở những bài nhạc trẻ thịnh hành, nói cười râm ran. Nhóm bạn khác tự đưa bàn ghế lên, vừa thả diều vừa uống nước. Chúng có một tuổi trẻ như “trốn tìm”, sống thật chậm để thấy đời này có những khoảnh khắc đầy ý nghĩa. Như tôi lúc này, chỉ nhìn khoảng mây trắng la đà trên núi bên cánh diều chấp chới bay, ngọn cỏ gió đùa lung lay trước gió mà đầu óc thảnh thơi quá đỗi. Nếu đi một mình thì có thể tận hưởng cảm giác bồng bềnh trong không gian hư ảo, nhưng khi đông hơn thì người ta lại muốn truyền hơi ấm qua kẽ tay để xua nhanh cái lạnh phảng phất của mưa đầu mùa.
Tôi có đọc các bài viết ở chuyên mục du lịch trên báo Gia Lai. Nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta cần xây dựng Pleiku thành đô thị xanh mang yếu tố sinh cảnh. Bởi lẽ, Pleiku vốn thuộc về làng, về rừng với nhóm cư dân và văn hóa đặc trưng. Nước ta giờ không hiếm những tòa nhà cao, những siêu thị hiện đại nhưng ngày càng hiếm những đô thị bát ngát cây xanh, hơi thở trong lành, có địa hình thích hợp với những môn thể thao đồng đội rèn luyện sức khỏe.
Ngắm thành phố trên cao không chỉ có núi Đá mà còn rất nhiều quán cà phê được thiết kế bên vách núi của thung lũng. Mùi hương hoa lá cỏ dại xen lẫn sương đêm của đất bazan thơm nồng, dưới ấy có những con đường nhỏ ngoằn ngoèo ánh đèn xe rọi vào sương đêm loang loáng.
 
TÚ UYÊN