Ngăn chặn tình trạng hôn nhân cận huyết thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thống kê của Sở Tư pháp Gia Lai cho thấy, trong vòng 10 năm (2001-2010) đã xảy ra 1.118 vụ tảo hôn nhưng mới chỉ giải quyết được 204 vụ. Nguyên nhân các vụ tảo hôn chưa giải quyết được là do tục kết hôn cận huyết thống ở vùng sâu, vùng xa người dân không báo với chính quyền.
Hiện nay, dù đời sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được thay đổi  nhưng những tập tục lạc hậu vẫn còn tồn tại, ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Đó là người dân tộc thiểu số vẫn giữ phong tục con cái sinh ra đều theo họ mẹ. Do vậy, chuyện anh em con chú con bác, thậm chí con cái của anh em ruột vẫn có thể kết hôn với nhau là chuyện bình thường.
Việc tuyên truyền không kết hôn cận huyết thống sẽ góp phần nâng cao chất lượng dân số. Ảnh: Đinh Yến
Việc tuyên truyền không kết hôn cận huyết thống sẽ góp phần nâng cao chất lượng dân số. Ảnh: Đinh Yến
Ông Nay Than- Phó Chủ tịch UBND xã Ia Trok (huyện Ia Pa) cho biết: “Ngay như trong gia đình tôi, bố tôi họ Ksor, mẹ tôi họ Nay, tôi mang họ mẹ. Tôi lấy vợ họ Rơ Mah, con cái tôi tất nhiên là phải mang họ Rơ Mah. Khi em gái tôi kết hôn, con của em gái tôi vẫn mang họ mẹ là Nay. Như vậy, nếu nhìn vào họ con của tôi vẫn có thể kết hôn được với con của em gái tôi vì khác họ”.
Chuyện kết hôn cận huyết thống như vậy không phải là chuyện hi hữu ở huyện Ia Pa mà là chuyện thường tình ở các xã vùng sâu, vùng xa. Theo ông Than, con cái “ưng” nhau có thể làm lễ cưới để của cải không bị mất đi đâu, “người trong một nhà”, hơn nữa với quan niệm đã lai dòng máu khác nên không lo vấn đề gì về sức khỏe.
Đây là vấn đề không đơn giản chút nào, bởi xuất phát từ phong tục tập quán, rất khó xóa bỏ trong ngày một ngày hai. Hơn nữa hiện nay, vấn đề hôn nhân cận huyết thống không chỉ riêng người Jrai mà hầu như dân tộc thiểu số nào cũng còn tồn tại. Theo Ban Dân tộc tỉnh, toàn tỉnh có 29 dân tộc sinh sống và chủ yếu sống bằng nghề phát rẫy làm nương, phụ thuộc vào thiên nhiên. Tỷ lệ sinh cao cùng với điều kiện y tế, phong tục lạc hậu đã khiến tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ em cao; trẻ sinh ra suy dinh dưỡng; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết... đe dọa chất lượng sống của họ.
Y văn thế giới đã chứng minh những cặp vợ chồng khỏe mạnh nhưng do kết hôn cận huyết thống nên có thể sinh con dị dạng hoặc mang bệnh tật di truyền như mù màu, bạch tạng, da vảy cá… Hôn nhân cận huyết thống cũng là cơ sở cho những gen bệnh lý tương đồng ở những ông bố bà mẹ kết hợp với nhau và kết quả là sinh ra những đứa con bệnh tật hoặc dị dạng di truyền.
Làm gì để ngăn chặn tình trạng hôn nhân cận huyết thống? Hơn năm qua, tỉnh ta đã và đang triển khai mô hình “Nâng cao chất lượng dân số một số dân tộc ít người” ở 81 thôn, 10 xã thuộc 5 huyện: Mang Yang, Ia Grai, Ia Pa, Chư Pưh và Kông Chro. Qua mô hình này, phần nào người dân ở các thôn làng đã nhận biết được tác hại của việc kết hôn cận huyết thống. Mới đây, Tổng cục Dân số-KHHGĐ đã tổ chức Hội thảo và đi khảo sát mô hình “Nâng cao chất lượng dân số một số dân tộc ít người” ở 2 xã Kim Tân và Ia Trok (huyện Ia Pa).
Qua kết quả khảo sát, ông Nguyễn Xuân Trường- Tổng cục Dân số- KHHGĐ nhận định: Chương trình dân số-KHHGĐ và chăm sóc sức khỏe sinh sản ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, đồng thời nhận thức của đồng bào về chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ còn yếu kém. Ở huyện Ia Pa, hầu hết phụ nữ khi sinh đều không đến trạm y tế xã mà sinh tại nhà, các xã như Chư Mố, Ia Tul, Pờ Tó... có tới 56,3% số phụ nữ có thai chưa được khám thai lần nào trong suốt thời kỳ mang thai và chỉ có 20% sản phụ được các nhân viên y tế chăm sóc khi sinh nở. Dù từ năm 2004 đến nay, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP. Hồ Chí Minh đã đào tạo chuyên môn 6 tháng cho 12 cô đỡ thôn, làng huyện Ia Pa tuy nhiên so với các thôn, làng chưa có cô đỡ thôn, làng như hiện nay thì số đã được đào tạo chỉ là muối bỏ biển.
Bà Đinh H’Nghĩa- Chi cục trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ cho rằng: Thời gian tới, mô hình “Nâng cao chất lượng dân số một số dân tộc ít người” tiếp tục được thực hiện ở tỉnh. Với những thay đổi về nhận thức của người dân cho thấy, mô hình đã từng bước đi vào cuộc sống, làm thay đổi những hủ tục lạc hậu tồn tại từ bao đời nay trong cuộc sống của người dân tộc thiểu số, nâng cao chất lượng dân số. Các thôn, làng đã thành lập câu lạc bộ “Nâng cao chất lượng dân số”, qua đó giúp chị em có điều kiện giao lưu, học hỏi các kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản nhằm tự bảo vệ mình, đồng thời hiểu được những tác hại do việc hôn nhân cùng huyết thống.
Yến Long

Có thể bạn quan tâm