Pháp luật

Ngăn chặn tình trạng tự chế vũ khí, vật liệu nổ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cùng với việc đấu tranh quyết liệt với tội phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, Công an huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) cũng đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm ngăn chặn việc chế tạo vũ khí, vật liệu nổ, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Những năm trước, việc tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của người dân trên địa bàn huyện Phú Thiện có chiều hướng phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Trước thực trạng trên, Công an huyện Phú Thiện đã tham mưu UBND huyện xây dựng và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các chủ trương, giải pháp về công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Đặc biệt, Công an huyện đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các quy định của pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và Nhân dân trên địa bàn. Đồng thời, chủ động phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Qua tuyên truyền, vận động, nhiều người dân ở huyện Phú Thiện đã tự nguyện giao nộp súng, vật liệu nổ tự chế. Ảnh: Hoa Mai

Từ đó, ý thức chấp hành quy định pháp luật của người dân về mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ từng bước được nâng lên. Nhiều người dân đã tự nguyện đem giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ khi nhận thấy được sự nguy hiểm của các loại vũ khí này cho bản thân và xã hội.

Trước đây, anh R’Ô Thack (Plei Kram, xã Ia Yeng) đã làm khẩu súng tự chế để săn bắn chim, chuột nhằm bảo vệ mùa màng, nương rẫy. Sau khi được vận động, tuyên truyền, anh Thack nhận thấy việc sử dụng vũ khí tự chế gây nguy hiểm cho mình và người khác cũng như tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự tại địa phương nên đã giao nộp cho Công an xã.

Anh Thack chia sẻ: “Mình sử dụng súng tự chế để săn bắn và bảo vệ mùa màng thôi. Tuy nhiên, nghe cán bộ tuyên truyền và cũng biết có nhiều trường hợp không may bị súng đi săn của người dân bắn bị thương, thậm chí bị chết. Do đó, sau khi được Công an xã vận động, mình ý thức được sử dụng súng tự chế là vi phạm pháp luật nên khi đã tự đến Công an xã giao nộp”.

Theo ông Kpă Quang-Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phú Thiện, bà con dân làng thường sử dụng các loại vũ khí tự chế để săn bắt, hái lượm, bảo vệ mùa màng nên tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và gây bất ổn tình hình trật tự an toàn xã hội.

Do đó, UBND thị trấn đã chỉ đạo Công an phối hợp với Mặt trận, các đoàn thể, ban nhân dân thôn tích cực tuyên truyền đến người dân về những nguy hiểm tiềm tàng khi sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để bà con ý thức và tự nguyện giao nộp về Công an thị trấn. Nhờ đó, ý thức của người dân, nhất là người dân tộc thiểu số đã được nâng lên, tình trạng sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ giảm dần qua các năm.

"Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục triển khai các giải pháp vừa đấu tranh phòng ngừa, đồng thời tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức của người dân; qua đó, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi trào lưu tự chế vũ khí, vật liệu nổ”-Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phú Thiện thông tin.

Lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy số vũ khí tự chế thu giữ được. Ảnh: Hoa Mai

Theo thống kê, từ năm 2022 đến nay, lực lượng chức năng huyện Phú Thiện đã vận động người dân giao nộp được hơn 200 vũ khí, vật liệu nổ như: súng kíp, súng tự chế bắn hơi cồn, vũ khí thô sơ; linh kiện chế tạo súng tự chế và các hung khí nguy hiểm như kiếm, dao, mã tấu...

Sau khi kiểm tra, phân loại cụ thể, lực lượng chức năng đã tổ chức tiêu hủy toàn bộ số vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tịch thu được. Quá trình tiêu hủy theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Trao đổi với P.V, Đại úy Đoàn Văn Tiến-Đội trưởng đội Quản lý hành chính Công an huyện Phú Thiện-cho hay: Hàng năm, Đội phối hợp với Công an các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền vận động người dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, nhất là việc chấp hành các quy định về sử dụng súng tự chế.

Tuy nhiên, huyện có trên 60% dân số là người dân tộc thiểu số; bà con thường có thói quen sử dụng súng tự chế để săn bắn, bảo vệ mùa màng nên việc triển khai gặp một số khó khăn. Người dân thường cất giấu súng tự chế ở nương rẫy nên anh em vận động thu hồi phải vào tận nơi, đường xa, đi lại rất khó khăn.

Đại úy Đoàn Văn Tiến cho biết thêm: “Để thực hiện tốt hơn công tác tuyên truyền vận động thu hồi vũ khí, công cụ hỗ trợ thì trong thời gian tới Đội tiếp tục tham mưu lãnh đạo Công an huyện triển khai quyết liệt hơn nữa các biện pháp ngăn ngừa. Đặc biệt, tập trung tuyên truyền tại các khu vực đông người đồng bào dân tộc thiểu số, các địa bàn trọng điểm có nhiều người dân sử dụng súng tự chế cũng như tranh thủ giúp đỡ của già làng, người có uy tín để vận động người dân. Đồng thời, tiếp tục phối hợp có hiệu quả với lực lượng Công an các xã, thị trấn vào tận các khu vực nương rẫy để tuyên truyền vận động bà con tự động giao nộp vũ khí, vật liệu nổ tự chế”.

QUANG TẤN-HOA MAI

Có thể bạn quan tâm