Kinh tế

Ngăn chặn vật tư nông nghiệp kém chất lượng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Qua kiểm tra thực tế của Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Chư Pưh mới đây cho thấy, thị trường phân bón, vật tư nông nghiệp trên địa bàn huyện đang… có vấn đề.

Nhập nhằng nhãn mác

Chư Pưh hiện có 39 cửa hàng, đại lý kinh doanh phân bón, vật tư nông nghiệp. Mới đây, Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Chư Pưh đã tiến hành kiểm tra đột xuất việc kinh doanh giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật của 32 cơ sở kinh doanh mặt hàng này, trong đó có 1 cơ sở kinh doanh cây giống, 2 cơ sở kinh doanh thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi, 29 cơ sở kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật chung. Đặc biệt, Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện tập trung kiểm tra các thủ tục liên quan đến việc chứng nhận hợp quy có giá trị từ  năm 2015 trở về trước và giấy phép sản xuất từ ngày 1-2-2016.

 

Ảnh: Nguyễn Diệp

Qua kiểm tra, đoàn đã phát hiện và lập biên bản 18 cơ sở vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chiếm 62% tổng số cơ sở bị kiểm tra, với số tiền phạt là 60,5 triệu đồng. Điều quan ngại nhất là có đến 10 cơ sở vi phạm về nhãn mác, sản phẩm có chữ viết không đúng bản chất, sự thật về hàng hóa theo Điều 26 Nghị định số 80/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, chiếm tỷ lệ 34%. Có 8 cơ sở kinh doanh phân bón có nội dung ghi trên nhãn hàng hóa không phù hợp với bản chất của loại phân bón đó, nhất là các loại phân bón dưới dạng ghi super lân, vôi, canxi hoặc lân vôi… hàm lượng lân hữu hiệu rất thấp, từ 0,19% đến 0,5%. Có những loại không có hàm lượng lân nhưng lại ghi thành phần nguyên liệu super lân 15-16% để lừa nông dân nhưng vẫn có chứng nhận hợp quy của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm Phân bón Nam Trung bộ (Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và PTNT) cấp. Theo tìm hiểu của đoàn kiểm tra, các loại phân nói trên chủ yếu xay từ đá Dolomit. Bên cạnh đó, còn có các vi phạm khác như hàng hóa hết hạn sử dụng…

Ông Nguyễn Toàn Thắng (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) cho biết: Là đại lý bán các loại phân bón, vật tư nông nghiệp cho bà con sản xuất từ nhiều năm nay nên việc các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, huyện kiểm tra là giúp các hộ kinh doanh chân chính hạn chế được các loại phân bón và vật tư nông nghiệp kém chất lượng, ảnh hưởng đến cây trồng. Bên cạnh đó, đại lý không nên ham lợi mà nhận các mặt hàng giá rẻ về bán lại cho nông dân vì hiện nay thị trường phân bón, vật tư nông nghiệp thật-giả lẫn lộn rất khó phát hiện. Vì vậy, nông dân nên chọn sản phẩm uy tín, có nguồn gốc rõ ràng để sử dụng, giảm thiểu việc sử dụng các sản phẩm kém chất lượng, ảnh hưởng đến cây trồng.

Sẽ kiểm tra, xử lý sai phạm

Theo đánh giá của Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Chư Pưh, việc cấp giấy chứng nhận hợp quy của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm Phân bón Nam Trung bộ thuộc Cục Trồng trọt còn sơ sài để các doanh nghiệp sản xuất, gia công các loại phân bón không phù hợp với bản chất; cố tình vi phạm nhãn mác hàng hóa để lừa dối nông dân. Việc truy xuất nguồn gốc gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, một trong những nỗi lo lớn nhất hiện nay là một số đơn vị sản xuất vẫn cố tình vi phạm trắng trợn về nội dung ghi trên nhãn hàng hóa. Làm rõ vấn đề này, ông Hoàng Văn Hoan-Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật, Phó Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành huyện Chư Pưh nêu quan điểm: Nên kiểm tra thường xuyên các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nên làm đồng loạt trên địa bàn toàn tỉnh. Các đơn vị liên quan của tỉnh cần kiểm tra các sản phẩm ở dạng super lân và những loại phân bón có giấy chứng nhận hợp quy năm 2015. Phải kiểm tra đồng loạt để xử lý nghiêm, kịp thời sai phạm. Ông Hoan cũng bức xúc việc hầu hết các đơn vị sản xuất phân bón, vật tư nông nghiệp chấp nhận nộp phạt thay cho các cơ sở vi phạm vì số tiền xử phạt thấp so với lợi nhuận thu được nên không có sức răn đe.

Còn ông Nguyễn Văn Khanh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh cho biết thêm: Trước những cảnh báo của EU về việc tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên cây hồ tiêu, thời gian tới, Phòng sẽ tuyên truyền, hướng dẫn bà con sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trên các loại cây trồng chủ lực của huyện như hồ tiêu, cà phê theo đúng quy định của ngành; tuyên truyền về tác hại của việc dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên cây hồ tiêu…

Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm