Vẫn giữ lãi suất cơ bản
Trước khi Quốc hội thông qua, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền đã báo cáo thêm một số vấn đề liên quan đến sửa đổi Luật Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam.
Theo ông Hà Văn Hiền, chính sách tiền tệ không đồng nhất với chỉ tiêu lạm phát và ổn định giá trị đồng tiền không đồng nhất với cố định giá trị đồng tiền. Lạm phát được đề cập ở đây là một khái niệm chung và được nói rõ là thể hiện thông qua chỉ số giá tiêu dùng. Tùy thuộc vào bối cảnh kinh tế của từng giai đoạn phát triển, chỉ số giá tiêu dùng có thể cao hay thấp hoặc có thể là số âm.
“Vì thế, quy định Quốc hội quyết định chỉ tiêu lạm phát hàng năm được thể hiện thông qua chỉ số giá tiêu dùng là phù hợp”- ông Hiền nói.
Trong dự thảo lần trước trình Quốc hội, Luật NHNN Việt Nam (sửa đổi) quy định: “NHNN công bố lãi suất tái cấp vốn và các loại lãi suất khác để điều hành chính sách tiền tệ”. Ông Hà Văn Hiền giải thích, NHNN với tư cách là ngân hàng trung ương có nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là điều chỉnh khối lượng cung tiền trong nền kinh tế, qua đó quyết định mức lãi suất trên thị trường tiền tệ nhằm mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
Như vậy, lãi suất của các tổ chức tín dụng (TCTD) mặc nhiên đã được NHNN kiểm soát và chi phối. Việc cho phép các TCTD áp dụng cơ chế lãi suất thỏa thuận không có nghĩa là để lãi suất tự do thả nổi trên thị trường. Trường hợp cần thiết, NHNN sẽ can thiệp trực tiếp vào cơ chế lãi suất của TCTD (ví dụ như quy định cụ thể mức lãi suất của TCTD...).
Bên cạnh đó, NHNN là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ có trách nhiệm công bố lãi suất làm cơ sở cho việc giải quyết tranh chấp và chống cho vay nặng lãi. Với phân tích như trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thể hiện lại quy định này như sau: “NHNN công bố lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cơ bản và các loại lãi suất khác để điều hành chính sách tiền tệ, chống cho vay nặng lãi. Trong trường hợp thị trường tiền tệ có diễn biến bất thường, NHNN quy định cơ chế điều hành lãi suất áp dụng trong quan hệ giữa các tổ chức tín dụng với nhau và với khách hàng, các quan hệ tín dụng khác”.
Tổ chức được sở hữu không quá 15% vốn của TCTD
Về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), ông Hà Văn Hiền cho biết, theo quy định hiện hành tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài (bao gồm cả cổ đông nước ngoài hiện hữu) và người có liên quan của các nhà đầu tư nước ngoài đó không vượt quá 30%; mức sở hữu cổ phần của một tổ chức tín dụng nước ngoài và người có liên quan của tổ chức tín dụng nước ngoài đó không vượt quá 10%; mức sở hữu cổ phần của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và người có liên quan của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài đó không vượt quá 15% vốn điều lệ của một ngân hàng Việt Nam.
Như vậy, tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư trong nước quy định trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng về cơ bản tương đương với tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.
Trước ý kiến đề nghị quy định tỷ lệ giới hạn sở hữu cổ phần của cổ đông là tổ chức không quá 10% vốn điều lệ của TCTD, ông Hà Văn Hiền nói quy định giới hạn tỷ lệ 15% là ở mức độ vừa phải (hiện hành là 20%) phù hợp với thực tế vốn của các cổ đông và việc nâng vốn điều lệ của TCTD. Quốc hội đã nhất trí thông qua theo hướng này.
Theo SGGP