Kinh tế

Tài chính

Ngân hàng nói gì về đề xuất vay 3 năm, lãi suất 0% của "siêu ủy ban"?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Giới phân tích cho rằng, đề xuất cho các tập đoàn, tổng công ty được tiếp cận gói tín dụng với lãi suất 0%/năm với thời hạn tối thiểu 3 năm của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đưa ra là không thể thực hiện được nếu như không có nguồn lực từ ngân sách nhà nước.
Mới đây, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã có báo cáo gửi Chính phủ, cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh thu của 19 tập đoàn, tổng công ty trong 3 tháng đầu năm 2020 giảm khoảng 27.376 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019. 7/19 tập đoàn, tổng công ty đã bắt đầu không cân đối được thu chi, tổng số lỗ khoảng 3.728 tỷ đồng. Trong đó, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) là doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Dự kiến cả năm 2020, nếu dịch bệnh kéo dài, giá dầu không phục hồi, doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty sẽ giảm khoảng 279.767 tỷ đồng so với kế hoạch. 8/19 tập đoàn, cổng công ty bị thua lỗ, tổng số lỗ khoảng 26.326 tỷ đồng bao gồm Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Lương thực Miền Nam và Tổng công ty Cà phê Việt Nam. Theo đó, nộp ngân sách nhà nước cũng giảm khoảng 32.836 tỷ đồng so với kế hoạch.
 
 Nhiều tổng công ty, tập đoàn báo lỗ, Ủy ban Quản lý vốn "kêu cứu", xin gói cứu trợ lãi suất 0%
Để "cứu" các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp và giúp doanh nghiệp có khả năng phục hồi sau dịch bệnh, một trong những đề xuất, kiến nghị được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đưa ra mới đây là kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sớm có hướng dẫn về trình tự, thủ tục khơi thông nguồn vốn để các tập đoàn, tổng công ty sớm tiếp cận được gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng, thời hạn cho vay tối thiểu 3 năm, lãi suất 0% phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh, thanh toán lương cho người lao động.
Trong đó, Tổng công ty Hàng không Việt Nam đang rất khó khăn và đề nghị được hỗ trợ khoảng 12.000 tỷ đồng, bắt đầu từ tháng 4/2020 để duy trì hoạt động, bảo đảm thanh khoản cho doanh nghiệp.
Liên quan đến đề xuất này, một lãnh đạo NHNN cho biết, gói hỗ trợ tín dụng này do các ngân hàng thương mại đăng ký đồng chia sẻ khó khăn đối với các khách hàng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, đây là nguồn vốn các ngân hàng phải huy động từ dân cư với mức lãi suất thấp nhất phổ biến 4,7%/năm vời kỳ hạn từ 1 tháng đến 5 tháng và trên 6% - 8,5%/năm với các kỳ hạn dài hạn hơn, chưa kể các chi phí hoạt động khác. Do đó, các ngân hàng không thể dùng nguồn vốn này để cho vay với lãi suất 0%.
Trao đổi với Dân Việt, Phó Tổng Giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng nêu quan điểm, để có thể cho vay được với lãi suất 0%/năm như đề xuất của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, nguồn lực này phải lấy từ ngân sách, cấp bù lãi suất trả cho các ngân hàng. Có thể, ngân hàng cho vay trước và ngân sách cấp bù sau, tương tự như việc triển khai gói cho vay 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở những năm trước đây.
Đồng thời, phải làm rõ về cơ chế để duyệt khách hàng là như thế nào, là ngân hàng tự chịu trách nhiệm hay là cơ chế tự chịu trách nhiệm lựa chọn khách hàng có ưu tiên...?
"Nếu nguồn lực chỉ dựa vào các ngân hàng để cho vay với lãi suất 0%, thời gian 3 năm như đề xuất của "siêu ủy ban" đưa ra mới đây chắc chắn các ngân hàng sẽ không làm được. Bởi ngân hàng cũng là doanh nghiệp huy động đầu vào, nếu như cho vay ra 0% thì bản thân ngân hàng cũng khó "sinh tồn" được"", Phó Tổng Giám đốc Agribank nhấn mạnh.
 
Nếu nguồn lực chỉ dựa vào các ngân hàng để cho vay với lãi suất 0% chắc chắn các ngân hàng sẽ không làm được.
Đề cập rõ hơn về gói hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp do các ngân hàng đã và đang triển khai trong thời gian qua, Phó Tổng Giám đốc Agribank bổ sung, đó là gói lãi suất do các ngân hàng triển khai cho vay với mức lãi suất thấp hơn so với mức lãi suất hiện tại. Việc cơ cấu cũng như giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng, các ngân hàng cũng sẽ phải tính toán rất kỹ để đưa ra mức giảm lãi suất phù hợp với nguồn vốn, tình hình tài chính cũng như sức chống chịu nội tại của mỗi ngân hàng nhằm vừa đảm an toàn hệ thống, vừa duy trì biên lợi nhuận tối thiểu. Vì vậy, mức điều chỉnh giảm lãi suất bao nhiêu theo đó sẽ rất khác tùy thuộc vào mỗi ngân hàng
 Ngoài ra, đối tượng cho vay tại các ngân hàng khác nhau cũng sẽ quyết định mức lãi suất khác nhau. Như tại Agribank, do đối tượng cho vay ưu đãi nhiều nên bình quân lãi suất đầu ra thực tế đang thấp hơn các ngân hàng thương mại khác cho vay tiêu dùng. 
Đồng quan điểm, dưới góc nhìn của một chuyên gia ngành ngân hàng, TS Cấn Văn Lực thừa nhận, đề xuất của "siêu uỷ ban" không khả thi ở 3 khía cạnh.
Thứ nhất, việc cho vay với lãi suất 0% chỉ áp dụng cho các khoản vay để đảm bảo an sinh xã hội. Cụ thể, như gói hỗ trợ người lao động, đảm bảo an sinh xã hội để đối phó với tác động tiêu cực của dịch Covid-19 vừa Ủy Ban Thường vụ Quốc hội thống nhất có cơ chế cho các doanh nghiệp vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, thời hạn không quá 12 tháng, mức vay tối đa theo 50% mức lương tối thiểu vùng/tháng/người.
Những khoản vay này sẽ được dành để trả lương cho người lao động bị ngừng việc trong 3 tháng và doanh nghiệp có trách nhiệm trả số tiền lương ngừng việc còn lại cho người lao động. Dự kiến tổng gói này khoảng 16.200 tỷ đồng để hỗ trợ cho khoảng 3 triệu lao động.
Thứ hai, gói hỗ trợ 285.000 -300.000 tỷ đồng của các ngân hàng thương mại không phải khoản tiền ngân sách nhà nước bỏ ra để hỗ trợ nền kinh tế, mà đó là nguồn vốn thương mại của các ngân hàng, tức là các ngân hàng phải huy động vốn từ người dân và doanh nghiệp để cho vay (hiện nay, lãi suất huy động dài hạn đang dao động từ 6,5% - 8,5%/năm).
Thứ ba, bản thân các tổ chức tín dụng cũng là doanh nghiệp, không thể bỏ vốn ra ưu đãi theo cách "cho không" doanh nghiệp khác được, trong khi họ đang phải chịu rất nhiều chi phí liên quan đến đồng vốn đó.
Tuy nhiên, theo TS Cấn Văn Lực, việc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước không được tiếp cận vốn lãi suất 0% không có nghĩa là "đường cụt". Nếu chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 thì các "ông lớn" này hoàn toàn có thể tiếp cận vay gói tín dụng 285.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi mà các tổ chức tín dụng đang công bố.
Cũng phải nói thêm rằng, theo ước tính sơ bộ, gói tín dụng 300.000 tỷ đồng hiện nay cũng không đủ bù đắp tổn thất về doanh thu và những thiệt hại mà các doanh nghiệp đang đối mặt. Do đó, kể cả khi dành riêng gói tín dụng ưu đãi này cho 19 "ông lớn" cũng không thấm vào đâu.
Ngoài ra, việc cho các tập đoàn, tổng công ty cùng tiếp cận gói tín dụng, hỗ trợ ngang bằng với doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân thì sẽ xoá được sự quan liêu.
Huyền Anh (Dân Việt) 

Có thể bạn quan tâm