Kinh tế

Ngân hàng Thế giới: Việt Nam cần phải trở lại với một môi trường kinh tế vĩ mô bền vững hơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 23-5, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới tổ chức họp báo công bố Báo cáo mới nhất cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó có công bố tình hình kinh tế của Việt Nam.
 

 

Theo chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Deepak Mishra cho rằng: Trong khi nền kinh tế Việt Nam bắt đầu đi vào ổn định, việc thắt chặt đáng kể các chính sách kinh tế vĩ mô, cộng với thực trạng môi trường kinh tế toàn cầu không chắc chắn đã gây những ảnh hưởng nhất định trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Thực tế tăng trưởng GDP giảm từ 6,8% năm 2010 xuống còn 5,9% năm 2011 và tiếp tục xuống đến 4% trong Quý I năm 2012.
 

Việc thắt chặt các chính sách trong nước trong năm 2011 đã làm nản lòng giới đầu tư trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và bất động sản, tiêu dùng tư nhân. Từ tác động của các biện pháp, cộng với hiện tượng giá lương thực giảm đã làm lạm phát giảm xuống còn 10,5% trong tháng 4-2012 từ mức đỉnh điểm 23% trong tháng 8-2011.                  

Cũng theo Chuyên gia kinh tế trưởng Deepak Mishra, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là ưu tiên của Chính phủ, tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ vào khoảng 5,7% và lạm phát cuối năm dự báo giảm xuống còn dưới 10% trong năm 2012. Như một động thái để vực dậy nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã giảm 200 điểm của các tỷ lệ lãi suất chính sách trong tháng 3 và tháng 4 (từ 15% xuống còn 13%) và công bố tiếp tục giảm ít nhất 100 điểm sàn trong mỗi quý của năm 2012. Nhu cầu giảm nhiệt và tăng trưởng tín dụng chậm sẽ kiềm chế tác động của các đợt cắt giảm lãi suất, đồng thời sẽ giúp giảm bớt chi phí tài chính của khu vực tư nhân.

Chuyên gia kinh tế trưởng Deepak Mishra cũng chỉ ra những thách thức ngắn hạn về mặt chính sách của Việt Nam là duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô và khôi phục lại niềm tin cho các nhà đầu tư, đồng thời phải giải quyết các vấn đề về cải cách cơ cấu dài hạn. Chính phủ đang đẩy mạnh nỗ lực để tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, quản lý đầu tư công và lĩnh vực tài chính. Một số quy định quan trọng, bao gồm những quy định liên quan đến quy hoạch đầu tư trung hạn, quản lý và giám sát đầu tư vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước và theo dõi hiệu suất của các doanh nghiệp nhà nước có thể sẽ được ban hành trong năm 2012.

Ngay cả khi thực hiện một phần của các cải cách về cơ cấu. Việt Nam cũng cần phải trở lại với một môi trường kinh tế vĩ mô bền vững hơn, đồng thời đặt nền móng cho hiệu qủa và năng suất cao hơn để thúc đẩy tăng trưởng trong trung và dài hạn.

M.Thi (tổng hợp)
 

Có thể bạn quan tâm