(GLO)- Thời gian gần đây, rất nhiều người ngang nhiên bày bán các gốc gỗ quý như: cẩm, hương, cà te ngay tại khu vực trước Đài Truyền thanh-Truyền hình TP. Pleiku (Gia Lai).
Những gốc gỗ thu hút nhiều khách hàng tới mua. Ảnh: H.T |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những gốc gỗ này được lấy từ các huyện Chư Sê, Chư Prông, Đak Đoa. Người trực tiếp đào và mang các gốc gỗ này về bán đa số là đồng bào dân tộc thiểu số. Hàng ngày, họ lập thành những nhóm từ 2 đến 10 người, mang theo xà beng, cuốc, xẻng và đào những hố thật sâu, rộng để lấy được những gốc gỗ to mang về bán. Trước đây, tình trạng bán gốc gỗ quý này còn rải rác dọc các tuyến đường Trường Chinh, Lê Duẩn, ngã ba Hoa Lư, ngã tư Biển Hồ, nay tập trung đông ở khu vực này.
Ảnh: Hồng Thương |
Anh Siu Henh, xã Ia Pết, huyện Đak Đoa-một chủ hàng ở đây cho biết: Để đào được những gốc gỗ quý phải mất rất nhiều thời gian và công sức vào tận rừng sâu. Những gốc dễ đào thì hai người phải mất một ngày, gốc khó đào phải mất 3 đến 4 ngày. Tuy nhiên, đây là mặt hàng ưa chuộng đối với nhiều khách hàng, nhất là với những chủ cửa hàng mỹ nghệ. Bởi lẽ từ những gốc gỗ này có thể gia công làm ra các mặt hàng mỹ nghệ có giá trị cao như: ghế kiểu, đôn, lộc bình, tượng, tranh. Do vậy, chỉ cần đào được gốc gỗ nào là người dân có thể bán được ngay gốc gỗ đó. Điều đó dẫn đến tình trạng nhiều người dân bỏ bê việc đồng án đổ xô vào rừng đào gốc gỗ quý.
Ảnh: Hồng Thương |
Những năm qua, UBND tỉnh Gia Lai liên tục chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng. Theo đó, tỉnh đã cử nhiều đoàn liên ngành trực tiếp kiểm tra, xử lý tình trạng xâm hại tài nguyên rừng. Vậy mà không hiểu sao ngay tại cửa ngõ thành phố lại tồn tại cảnh bát nháo như vậy. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp ngăn chặn để bảo vệ tài nguyên rừng.
Nguyễn Thương