Kinh tế

Ngành Công thương Gia Lai tích cực triển khai Nghị quyết 13 của Chính phủ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với mong muốn nắm bắt thông tin cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho từng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường về thu ngân sách Nhà nước, Sở Công Thương đã gửi thông báo bằng văn bản đến các doanh nghiệp đề nghị phản ánh những khó khăn để Sở tổng hợp báo cáo lại UBND tỉnh nhằm đưa ra các giải pháp thiết thực và hiệu quả nhất.

Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10-5-2012 của Chính phủ với gói giải pháp tài chính được đưa ra nhằm sớm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đây là giải pháp tài chính có phạm vi mở rộng kể từ trước đến nay về tiền thuế và các khoản thu ngân sách nhà nước. Trong 8 nhóm giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp của Nghị quyết 13 thì giải pháp thứ 7 liên quan đến ngành Công Thương.

 

Ảnh: Lê Lan

Trong đó, yêu cầu ngành Công thương thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để khuyến khích sản xuất đối với các lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế; tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, dịch vụ theo hướng chủ động tích cực, bảo đảm hiệu quả. Đẩy nhanh tiến độ xúc tiến thương mại cả trong nước và ngoài nước; sớm ký hiệp định thương mại với các đối tác. Đồng thời, tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả, bảo đảm chất lượng và giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là giá sữa, giá thuốc chữa bệnh cho người, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón…

Ông Huỳnh Ngọc Tục- Giám đốc Sở Công thương Gia Lai cho biết: Mặc dù đến thời điểm này Sở vẫn chưa nhận được văn bản phản ánh khó khăn từ phía các doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên qua tiếp xúc, trao đổi với các DN thì thấy nổi lên 3 khó khăn cơ bản đó là: Vốn, thuế và công tác thủ tục hành chính. Theo phân tích của ông Tục thì hầu hết các DN của Gia Lai là vừa và nhỏ nên nguồn vốn yếu, chủ yếu là dùng nguồn vốn tín dụng.

Thời gian qua lãi suất ngân hàng cao, hàng sản xuất ra tiêu thụ chậm, hàng hóa mua về bán càng chậm hơn nên các DN gặp nhiều khó khăn. Ngân hàng Nhà nước có chủ trương giảm lãi suất nhưng không phải DN nào cũng có thể dễ dàng tiếp cận được. Thiếu vốn, lãi suất cao dẫn đến làm ăn thua lỗ, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng nợ đọng thuế. Một số DN khác lại gặp khó khăn do thủ tục hành chính rườm rà như thủ tục giải phóng mặt băng, thủ tục xin cấp đất…

Trong điều kiện khó khăn đó, Tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành và làm việc với các chi nhánh Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh để có biện pháp tích cực hơn nhằm tháo gỡ kịp thời cho DN. Hiện một số doanh nghiệp đã tiếp cận được nguồn vốn. Bên cạnh đó, để tháo gỡ các vấn đề về thuế, Nghị quyết 13 có nhiều biện pháp giảm, miễn một số loại thuế, UBND tỉnh đã chỉ đạo Cục thuế tích cực triển khai các biện pháp theo Nghị quyết… Riêng công tác hành chính, tỉnh đề nghị các sở, ngành liên quan phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt quan tâm đến việc tạo điều kiện giải quyết thủ tục hành chính cho các DN trong thời gian nhanh nhất, thuận lợi nhất.

Tuy nhiên, đó chỉ mới là những giải pháp trước mắt, để các DN vừa và nhỏ tỉnh ta phát triển bền vững lâu dài đòi hỏi tỉnh cần nghiên cứu những giải pháp thích hợp để nâng cao năng lực quản trị của DN bởi đa số các DN này yếu về năng lực quản trị, vốn ít và phương tiện sản xuất lại quá lạc hậu… Song song đó, cần tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho các lĩnh vực kinh tế mủi nhọn của địa phương như sản xuất mía đường và năng lượng điện, hiện 2 lĩnh vực này đang gặp rất nhiều khó khăn. “Ngành công thương vẫn tiếp tục thu thập và mong sớm nhận được các thông tin phản ánh từ DN để tổng hợp gửi lên cấp trên nhằm tìm ra những biện pháp tháo gỡ hiệu quả, thiết thực và phù hợp cho từng DN”- ông Tục cho biết.

Lê Lan
 

Có thể bạn quan tâm