Kinh tế

Ngành Công thương: Kỳ vọng năm 2015

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2014, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng ngành Công nghiệp Gia Lai vẫn tiếp tục ổn định với việc tập trung đầu tư theo hướng phát triển bền vững, áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật tiên tiến, gắn kết với chế biến và tiêu thụ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng so với cùng kỳ năm ngoái, giá cả thị trường ổn định, xuất khẩu thuận lợi với kim ngạch tăng gấp 2,24 lần so với năm trước-đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Những kết quả đáng phấn khởi đó đã tạo tiền đề cho việc thực hiện kế hoạch năm 2015.

Theo thông tin từ Sở Công thương, giá trị sản xuất công nghiệp (giá năm 1994) trên địa bàn tỉnh đến cuối năm 2014 ước đạt 8.386 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, công nghiệp chế biến tăng 16,6%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, nước, ga tăng 8%. Khu Công nghiệp Trà Đa hiện có 43 dự án đầu tư (có 4 dự án FDI) với tổng vốn đăng ký 1.691 tỷ đồng (tăng 1 dự án và 225 tỷ đồng so với cuối năm 2013), hiện đã đầu tư 795 tỷ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp của khu công nghiệp năm 2014 đạt 1.615 tỷ đồng, tăng 68,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời giải quyết việc làm cho 2.195 lao động với mức lương bình quân 4 triệu đồng/người/tháng.

 

 

Năm qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước cả năm đạt 33.130 tỷ đồng, đạt 100,1% kế hoạch và tăng 18,8% so với năm 2013; lượng hàng hóa dồi dào, đa dạng, đáp ứng được nhu cầu mua sắm của nhân dân, nhất là trong dịp lễ, Tết. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã tích cực thực hiện chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Đưa hàng Việt về nông thôn”. Các lực lượng chức năng cũng tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về quản lý giá cả các loại hàng hóa tiêu dùng. Thống kê cả năm, chỉ số giá tiêu dùng toàn tỉnh tăng 2,58% so với tháng 12 năm trước; một số nhóm hàng hóa có biến động tương đối trong năm như: nhóm lương thực tăng 4,13%, thực phẩm tăng 3,33%, ăn uống ngoài gia đình tăng 7,16%, thuốc và dịch vụ y tế tăng 4,72%. Chỉ có nhóm giao thông giảm 2,8% và nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng giảm 2,2%.

Đáng mừng nhất là kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Cả năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 580 triệu USD, bằng 193,3% kế hoạch, tăng gấp 2,24 lần so với năm 2013. Tình hình xuất khẩu cà phê, mì lát thuận lợi nhờ việc không thu thuế VAT đối với các mặt hàng nông sản, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tại tỉnh tăng cường thu mua, mở rộng thị trường thu mua ngoài tỉnh, góp phần cho kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao. Tình hình xuất khẩu mủ cao su những tháng cuối năm có dấu hiệu khả quan hơn. Các doanh nghiệp đã tăng cường xuất khẩu mủ cao su tại các thị trường Malaysia, Singapore, Đài Loan... Tuy nhiên, do giá xuất khẩu bình quân giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2013 nên kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này giảm đến 53,6%.

Năm 2015 là năm cuối để thực hiện và hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2011-2015). Chỉ tiêu trong năm 2015 là: công nghiệp-xây dựng tăng 15,16%, dịch vụ tăng 16,21%. Trong cơ cấu kinh tế, công nghiệp-xây dựng chiếm 33,61%, dịch vụ chiếm 30,17%. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá năm 1994) đạt 9.437 tỷ đồng (tăng 12,53% so với năm 2014), tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt khoảng 38.000 tỷ đồng (tăng 14,7%), kim ngạch xuất khẩu 440 triệu USD.

 

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Để đạt được những chỉ tiêu đó, một số giải pháp đã được đề ra, trong đó, tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp và dịch vụ để phục vụ nông nghiệp và chế biến các sản phẩm nông-lâm nghiệp. Đồng thời tập trung khai thác có hiệu quả công suất các nhà máy hiện có, đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư sớm hoàn thành các dự án công nghiệp, các nhà máy chế biến đưa vào hoạt động. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng phát triển và khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch, đẩy mạnh thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường tiêu thụ sản phẩm mủ cao su. Tăng cường quản lý thị trường, giá cả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, đầu cơ nâng giá, gây rối loạn thị trường, xử lý nghiêm các vi phạm. Đặc biệt, tỉnh sẽ mở rộng mạng lưới dịch vụ ở nông thôn, tạo điều kiện cho người sản xuất giao lưu buôn bán. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đưa hàng Việt về thị trường nông thôn, miền núi. Phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 38.000 tỷ đồng.

Trước mắt, tỉnh sẽ tăng cường các biện pháp đảm bảo nguồn hàng, cung ứng hàng hóa để đáp ứng đủ nhu cầu trước, trong và sau Tết Nguyên đán, bảo đảm bình ổn thị trường và giá cả, không để thiếu hàng, sốt giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm