Kinh tế

Ngành Tài chính Gia Lai: Những thành tựu đáng tự hào

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau ngày giải phóng, 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum được hợp nhất, cùng cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh hết sức khó khăn. Thời kỳ đó, tiền vốn, vật tư thiếu thốn, nguồn thu không đáng kể, chủ yếu từ thuế nông nghiệp và thu quốc doanh ở một số xí nghiệp-nông-lâm trường; chi ngân sách mất cân đối, cơ chế quản lý nặng về bao cấp phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn chi viện, trợ cấp của Trung ương.

Từ năm 1986, cùng cả nước bước vào thời kỳ đổi mới, ngành Tài chính tỉnh Gia Lai-Kon Tum đã chuyển từ cơ chế hiện vật sang giá trị, đáp ứng yêu cầu cải cách kinh tế, phát triển kinh tế thị trường hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Năm 1991, 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum được chia tách, ngành Tài chính Gia Lai tiếp tục được củng cố và phát triển. Thu ngân sách tăng liên tục với tốc độ nhanh, đặc biệt từ năm 2000 trở lại đây. Thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 2006-2010 gấp hơn 3,4 lần so với giai đoạn 2001- 2005, năm 2000 mới đạt 278 tỷ đồng, đến năm 2010 đạt trên 2.690 tỷ đồng tăng gấp 9 lần, đứng vị trí thứ 2 các tỉnh Tây Nguyên.

 

Ảnh: Minh Quang
Ảnh: Minh Quang

Năm 2015 là năm khó khăn nhất từ sau năm 2010. Tuy nhiên, nhờ chủ động lường trước những khó khăn này, toàn ngành đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề ra những giải pháp kịp thời, hiệu quả nên tổng thu ngân sách trên địa bàn đã đạt khá cao với trên 3.314 tỷ đồng, đạt 132,2% dự toán Trung ương giao, vượt 22,7% dự toán HĐND tỉnh đề ra; tăng thu 614 tỷ đồng. Trong đó, các khoản thu cân đối ngân sách 3.101 tỷ đồng, đạt trên 123,8% dự toán Trung ương giao, vượt 21,3% dự toán HĐND tỉnh, tăng 5,3% so với năm trước. Điều đáng phấn khởi là năm 2015 thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt khá cao, đạt trên 209% dự toán Trung ương và dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 200,3% so với năm 2014.

Từ các nguồn thu này, hàng năm tỉnh ta đã chủ động dành hàng ngàn tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách chi cho đầu tư phát triển giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, hỗ trợ người nghèo, thực hiện an sinh xã hội, chỉnh trang đô thị… Đây là một mốc son, một bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử qua 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đã góp phần cùng cả nước xóa bỏ vĩnh viễn cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp sang cơ chế quản lý mới vận hành theo kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.

Những thành tựu đã đạt được trong công cuộc đổi mới nói chung, hoạt động tài chính Gia Lai nói riêng là rất to lớn và có ý nghĩa lịch sử sâu sắc. Tuy vậy ngành Tài chính hiện đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới do quá trình hội nhập đặt ra. Điều này có tính quyết định đến nguồn thu ngân sách trên địa bàn cũng như chi cho đầu tư phát triển. Để chủ động khai thác, phân bổ, sử dụng nguồn lực tài chính trong điều kiện phụ thuộc nhiều vào trợ cấp từ ngân sách trung ương cũng như hiệu quả sử dụng ngân sách và các nguồn tài nguyên của địa phương còn thấp và hạn chế, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra trong giai đoạn 2016-2020 nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân hàng năm 9-10%/năm để vươn lên tăng dầ nty  le  tư  câ nđố i. Theo đó ,thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2020 phải đạt mức trên 4.100 tỷ đồng. Tốc độ tăng chi ngân sách cho đầu tư phát triển, cho sự nghiệp giáo dục-đào tạo tăng nhanh hơn tốc độ chi thường xuyên, để đến năm 2020, chi đầu tư phát triển chiếm 37% tổng chi ngân sách địa phương, chi sự nghiệp giáo dục-đào tạo chiếm 48% tổng chi thường xuyên.

Để đạt được mục tiêu trên, trong 5 năm tới, đặc biệt là năm 2016, ngành Tài chính tỉnh tập trung triển khai đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, từ kết quả và kinh nghiệm của 30 năm đổi mới, ngành Tài chính phải chủ động nghiên cứu, đề xuất thực hiện các cơ chế, chính sách tài chính đặc thù phù hợp với đặc điểm của địa phương trong phạm vi pháp luật cho phép. Tạo lập môi trường tài chính lành mạnh, thông thoáng nhằm tạo động lực giải phóng các nguồn lực, thu hút vốn đầu tư, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế để các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tận dụng cơ hội khai thác và phát huy các nguồn lực, mở rộng phát triển kinh doanh, thị trường tiêu thụ sản phẩm để nâng cao hiệu quả đầu tư, sức cạnh tranh và khả năng đóng góp vào ngân sách nhà nước, tạo lập, nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài, phát triển bền vững.

Hai là, đề xuất xây dựng định mức phân bổ ngân sách, tỷ lệ điều tiết và phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách ở địa phương giai đoạn 2017-2020 sát đúng, phù hợp với thực tế của từng địa phương. Thực hiện cơ cấu lại ngân sách địa phương theo hướng mở rộng phân cấp, ủy quyền cho cấp huyện, thị xã, thành phố gắn với trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương nhất là vùng kinh tế động lực, biên giới, vùng sâu, vùng xa. Sớm ban hành chính sách đầu tư theo hình thức xã hội hóa ở các lĩnh vực y tế, giáo dục, nâng cấp chỉnh trang các đô thị đang phát triển như Pleiku, Chư Sê, Ayun Pa, An Khê…. nhằm giảm gánh nặng đầu tư từ ngân sách để dành nguồn lực cho Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện chính sách an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh… Ưu tiên chi cho các nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết. Nâng cao hiệu quả sử dụng đầu tư, chống lãng phí, thất thoát ngân sách từ việc xác định chủ trương, lập dự toán, đến thực hiện thanh-quyết toán kinh phí được giao.

Ba là, hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo đúng lộ trình được Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh phê duyệt, tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế để các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được tiếp cận các dự án đầu tư một cách công khai hóa, minh bạch trong việc đấu thầu, kêu gọi đầu tư, cổ phần hóa nhằm ngăn ngừa lợi ích nhóm và các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, thất thoát, lãng phí các nguồn lực tài chính từ việc cổ phần hóa do chuyển đổi cơ chế quản lý gây ra.

Bốn là, đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính, xây dựng ngành Tài chính vững mạnh, cán bộ ngành Tài chính (bao gồm cả Thuế, Hải quan, Kho bạc) phải trong sạch, tận tụy, công tâm, trung thực, không né tránh, không đùn đẩy trách nhiệm, không bè phái, chạy chọt, “lợi ích nhóm”, không vô cảm trước những khó khăn của doanh nghiệp, người dân.

Năm 2016, dự báo nền kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, Gia Lai là tỉnh nghèo với nguồn thu nhập chủ yếu từ nông nghiệp là cà phê, cao su, hồ tiêu, mía, mì, thuốc lá… Hiện nay, các mặt hàng này giá cả biến động ở mức thấp; phần lớn diện tích cây công nghiệp dài ngày đã già cỗi, phải tái canh hoặc chuyển đổi cây trồng khác phù hợp, lại đang phải thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người lao động. Việc chuyển rừng nghèo sang trồng cao su đang phát sinh nhiều hệ lụy với những khó khăn khó lường. Điều này đã tác động rất lớn đến các hoạt động tài chính ngân sách của địa phương, đến sức tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ khác trên địa bàn.

Ngoài ra, tình hình an ninh chính trị còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, vấn đề thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài vẫn còn không ít trở ngại hạn chế. Việc thực hiện nhiều chính sách thuế mới như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ hoạt động chế biến nông sản, thủy sản của hợp tác xã, doanh nghiệp tại địa bàn đặc biệt khó khăn giảm từ 22% xuống còn 20%, doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 20% được giảm xuống 17%,… nên thuế thu nhập doanh nghiệp các doanh nghiệp trên địa bàn giảm so với năm 2015. Đặc biệt, năm 2016 và những năm tiếp theo thời tiết khô hạn kéo dài ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và sản lượng điện phát ra theo công suất thiết kế.

Thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2016 trong điều kiện như vậy trong khi yêu cầu dự toán thu phải tăng hơn 12% so với năm trước, trong đó thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn phải tăng hơn 13,2% là rất khó khăn. Vì vậy, không cách nào khác là ngành Tài chính tỉnh nhà phải phát huy, kế thừa truyền thống, kinh nghiệm của 70 năm qua, đặc biệt là 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, chủ động phối hợp tốt với các ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 19/ NQ-CP ngày 12-3-2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tổ chức triển khai thực hiện tốt các Luật thuế sửa đổi, bổ sung và nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội, của Hội đồng nhân dân tỉnh; xử lý nghiêm, đúng quy định của pháp luật các khoản nợ ngân sách, nợ đọng thuế; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế, chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận thuế. Cùng với đó là triển khai có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại gắn với xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm, xúc tiến đầu tư, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh, khai thác tiềm năng du lịch của địa phương nhằm vừa góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển từ cơ chế “xin-cho” sang cơ chế mọi người dân, mọi doanh nghiệp được quyền làm những gì mà pháp luật không cấm, tự giác chấp hành nghĩa vụ thuế đóng góp vào ngân sách nhà nước ở địa phương.

Ths.Nguyễn Dũng
Tỉnh ủy viên,, Giám đốc Sở Tài chính

Có thể bạn quan tâm