Kinh tế

Ngành Vận tải Gia Lai: Giá cước tăng cao, lượng hành khách giảm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trước những biến động liên tiếp của thị trường sau khi xăng dầu tăng giá vào cuối tháng 3-2011, hầu hết các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã phải điều chỉnh lại giá vé với mức tăng 4-10%, thậm chí lên đến 30% vào đầu tháng 4. Đây cũng là đợt tăng giá thứ 2 trong năm nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh, bù đắp cho chi phí đầu vào cao ngất ngưởng…
Giá xăng dầu tăng kéo theo giá vé tăng là quy luật tất yếu. Thế nên ngay đầu tháng 4 mặt bằng giá vé mới đã nhanh chóng thiết lập từ xe buýt, xe taxi cho đến các doanh nghiệp vận tải theo tuyến cố định. Tùy theo sự tính toán, phương án kinh doanh của mỗi doanh nghiệp mà mức điều chỉnh giá vé đợt II-năm 2011 dao động 4% đến 30%.
Bến xe Đức Long Gia Lai. Ảnh: K.N.B
Đơn cử như Công ty TNHH Dịch vụ-Vận tải Việt Hưng chuyên kinh doanh vận tải theo tuyến phía Bắc, giá vé từ Pleiku đi Hà Nội, Thái Bình, Hải Dương, Thanh Hóa, Vinh tăng bình quân 10% (Pleiku- Hà Nội từ 450.000 đồng/vé lên 500.000 đồng/vé, Pleiku- Thái Bình từ 430.000 đồng/vé lên 480.000 đồng/vé…). Hoặc điều chỉnh tăng đến 30% như Công ty TNHH một thành viên Long Vân. Giá vé tuyến Đức Cơ đi Hà Nội được tăng từ 350.000 đồng/vé lên 560.000 đồng/vé; Đức Cơ- Thanh Hóa từ 310.000 đồng/vé lên 530.000 đồng/vé; Đức Cơ- Vinh 280.000 đồng/vé lên 500.000 đồng/vé… Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp vận tải tuyến Pleiku-TP. Hồ Chí Minh như Hồng Hải, Bảy Lang, Sáu Lý, Hải Tàu, Trường Thành… chọn mức tăng 4-5% (200.000 đồng/vé ghế ngồi; 260.000 đồng/vé giường nằm, ghế nằm).
Mặc dù đã điều chỉnh giá vé nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh nhưng hiện nay hầu hết các doanh nghiệp vận tải đều gặp khó khăn chung khi lượng khách ngày càng ít, nhu cầu đi lại của người dân sụt giảm rõ rệt. Theo số liệu của Bến xe Đức Long Gia Lai, trước đây, riêng tuyến Pleiku- TP. Hồ Chí Minh có khoảng 50 chuyến xe/ngày, nay chưa tới 40 chuyến/ngày; tuyến Pleiku- Quy Nhơn sụt giảm gần 50% chuyến/ngày.
Một số doanh nghiệp thậm chí cắt tuyến, bỏ tuyến không chạy như tuyến Bà Rịa-Vũng Tàu-Bảo Lộc do khách ít, chi phí tăng cao… Theo nhận định của ông Lê Phú Hà- Giám đốc Điều hành Bến xe Đức Long thì việc giảm xe, giảm chuyến là phương án mà nhiều doanh nghiệp chọn lựa nhằm đảm bảo hệ số kinh doanh an toàn, tránh tình trạng thua lỗ kéo dài.
Không riêng gì các tuyến phía Nam, các đơn vị vận tải tuyến phía Bắc như Việt Hưng cũng giảm từ 30 chuyến/tháng còn 15 chuyến/tháng, Quân Trung từ 90 chuyến/tháng còn 60 chuyến/tháng. 
Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm