Cảnh sát giao thông phân luồng, điều tiết giao thông tại các tuyến đường cửa ngõ Thủ đô. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN) |
Cục Cảnh sát giao thông cho biết ngày 2/9, ngày thứ hai của kỳ nghỉ Tết Độc lập, toàn quốc xảy ra 30 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 18 người, bị thương 23 người.
Đường sắt và đường thủy không xảy ra tai nạn. So với ngày đầu tiên của kỳ nghỉ Lễ 2/9 năm nay, tai nạn giao thông tăng cả ba tiêu chí; trong đó, tăng 3 vụ, 1 người chết và 5 người bị thương.
Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, mặc dù tình hình trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến cao tốc, các tuyến đường dẫn vào các điểm du lịch tình hình giao thông trong ngày thứ hai và 2 ngày nghỉ Lễ cơ bản thông thoáng, không xảy ra ùn, tắc giao thông kéo dài; không có tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra. Tuy nhiên, tình hình tai nạn giao thông lại diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông tăng cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ nghỉ Lễ năm 2022.
Đáng chú ý, vào hồi 6 giờ 34 ngày 2/9, tại Km 1604-750m Quốc lộ 1A (khu vực đèn tín hiệu điều khiển giao thông dẫn vào đường cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết) thuộc thôn Vĩnh Hải, xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, xe ôtô con biển số 60A-668.00 do Nguyễn Chí H, sinh năm 2007, trú Ấp 5, xã Vĩnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, điều khiển lưu thông hướng Bình Thuận-Ninh Thuận, đến địa điểm trên tông vào 5 xe môtô biển số 86F9-1167; 86B1-200.72; 59S2-946.19; 86B4-354.30 và 86B1-239.94 đang dừng đèn đỏ cùng chiều phía trước.
Vụ tai nạn khiến 5 người bị thương; trong đó, bà Nguyễn Thị Xuân N, trú PH02, Liên Hương, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, bị thương nặng. Bà Nguyễn Thị H, Nguyễn Thị L, Võ Thị Ngọc T, Trương Thị T bị xây xát nhẹ. Năm xe môtô và xe ôtô con hư hỏng, thiệt hại ước tính ban đầu 60 triệu đồng.
Nguyên nhân ban đầu được xác định là do Nguyễn Chí H điều khiển xe ôtô con không chú ý quan sát, gây tai nạn giao thông. Lái xe không vi phạm nồng độ cồn và ma túy.
Từ chiều 1/9 đến sáng 2/9 trên toàn địa bàn Hà Nội và các tuyến cửa ngõ, vành đai, các tuyến nội đô và trục xuyên tâm trọng điểm của Thủ đô (vành đai 2, vành đai 3, Pháp Vân, Nguyễn Trãi, Lê Duẩn-Giải Phóng, Đại La-Minh Khai, Kim Mã-Nguyễn Thái Học, Cầu Giấy-Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Văn Linh-Quốc lộ 5…, tại các tuyến đường dẫn lên cầu Vĩnh Tuy, Long Biên, Chương Dương, Thanh Trì, Nhật Tân và ngược lại) các phương tiện di chuyển ổn định, thông thoáng, lưu lượng phương tiện bình thường.
Trên các tuyến cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ-Ninh Bình, Hà Nội-Lào Cai, Hà Nội-Hải Phòng, Hà Nội-Thái Nguyên, lưu lượng phương tiện bình thường, di chuyển ổn định, không xảy ra ùn tắc giao thông.
Trên các tuyến đường ra vào cửa ngõ Thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Đông, miền Tây; khu vực Cảng (xa lộ Hà Nội, ICD Phước Long); Quốc lộ 1A, các tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương-Mỹ Thuận, lưu lượng phương tiện đông, di chuyển chậm, không xảy ra ùn tắc nghiêm trọng.
Trên tuyến đường bộ, Cảnh sát giao thông Công an các địa phương đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 8.868 trường hợp vi phạm; phạt tiền hơn 18,2 tỷ triệu đồng; tạm giữ 152 xe ôtô, 2.831 xe môtô, 30 phương tiện khác; tước 1.773 giấy phép lái xe các loại. Trong đó, vi phạm về nồng độ cồn 2.282 trường hợp; vi phạm về tốc độ 1.480 trường hợp; chở hàng quá tải trọng 100 trường hợp; quá khổ giới hạn 19 trường hợp.
Các Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc, Cục Cảnh sát giao thông kiểm tra, lập biên bản 43 trường hợp vi phạm, phạt tiền 103,9 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 11 trường hợp, tạm giữ 5 phương tiện. Hệ thống giám sát của các Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc phát hiện 240 trường hợp vi phạm.
Trên đường thủy, lực lượng Cảnh sát đường thủy đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 73 trường hợp vi phạm, phạt tiền 99 triệu đồng.