Tại phiên thảo luận tổ, hầu hết các ý kiến đã bày tỏ sự đồng tình cao với các báo cáo của HĐND và UBND tỉnh. Các đại biểu cho rằng, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với tinh thần đoàn kết, thống nhất, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, năm 2023, Gia Lai đã cơ bản hoàn thành được các nhiệm vụ trọng tâm, kinh tế-xã hội tiếp tục phát triển, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ ổn định. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ rõ những tồn tại, vướng mắc cần được tháo gỡ, làm tiền đề cho phát triển kinh tế-xã hội tỉnh trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch-Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham gia ý kiến tại buổi thảo luận tổ. Ảnh: Đức Thụy |
Khơi thông các “điểm nghẽn”
Một số vấn đề nổi cộm còn tồn tại được đại biểu thẳng thắn nhìn nhận trong phiên thảo luận tại tổ. Trong đó, vấn đề được các đại biểu quan tâm và đề cập nhiều là tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện dự án, hụt thu tiền sử dụng đất, các bất cập về hồ sơ, thủ tục hành chính…
Đến thời điểm này, nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 không đạt so với kế hoạch đề ra, đại biểu Phan Văn Trung-Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Kông Chro-thông tin: Tất cả tồn tại, hạn chế đã được đề cập trong báo cáo của UBND tỉnh; đồng thời cũng đã chỉ ra nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là các nguyên nhân chủ quan. Điển hình như nguồn thu tiền sử dụng đất 2 năm liền chúng ta không đạt đã ảnh rất lớn đến thu ngân sách của tỉnh cũng như các dự án đầu tư sử dụng từ nguồn sử dụng đất hay khó khăn về đất san lấp ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư công trên địa bàn.
“Những vướng mắc, khó khăn trên nếu chúng ta không có giải pháp quyết liệt ngay từ bây giờ để tháo gỡ thì sẽ tiếp tục trì trệ trong thời gian tới và sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong năm 2024 và của cả nhiệm kỳ”-đại biểu Trung nêu quan điểm.
Đại biểu Phan Văn Trung-Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Kông Chro nêu ý kiến. Ảnh: Đức Thụy |
Đồng quan điểm, đại biểu Huỳnh Kiên-Tổng Biên tập Báo Gia Lai, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh cũng cho rằng: Tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong những năm gần đây chưa có tính đột phá, thiếu bền vững. Do đó, chúng ta cần xác định các điểm nghẽn, ách tắc nằm ở đâu, ở cơ quan, đơn vị nào, để có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Cụ thể, nhiều dự án đầu tư trên địa bàn thời gian qua gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện hồ sơ, thủ tục pháp lý do các ngành đùn đẩy trách nhiệm, dẫn đến mất rất nhiều thời gian. Không những vậy, nhiều doanh nghiệp chán nản, rút lui sau thời gian vào tìm hiểu cơ hội đầu tư vì hồ sơ, thủ tục hành chính rất rườm rà, phức tạp.
Tổng Biên tập Báo Gia Lai khẳng định: “Nếu chúng ta làm tốt thì sẽ có cơ hội thu hút các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực mạnh vào đầu tư, tạo điểm tựa cho phát triển trong thời gian tới. Qua đó, góp phần tạo việc làm cho lao động tại chỗ cũng như thúc đẩy kinh tế-xã hội ngày ngày phát triển và bền vững hơn”.
Băn khoăn về quy trình thủ tục xác định giá đất, đại biểu Võ Phúc Ánh-Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Pleiku-cho rằng: Hầu hết các dự án thu tiền sử dụng đất của tỉnh đều nằm trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục xác định giá đất rất phức tạp, vướng ở nhiều khâu nên tiến độ triển khai các dự án chậm dẫn đến không thu được tiền sử dụng đất. Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp tháo gỡ và có hướng dẫn cụ thể về quy trình thủ tục xác định giá đất để TP. Pleiku nói riêng và các địa phương trong tỉnh thực hiện.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Pleiku cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan giải quyết dứt điểm các vướng mắc liên quan đến Dự án chợ Yên Thế. Dự án này vướng về mặt thủ tục hơn 10 năm nay do chưa xác định được giá đất khởi điểm do các sở, ngành chưa thống nhất phương án nên chưa thể triển khai đấu giá.
Ông Phạm Minh Trung-Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nêu giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn về các dự án đầu tư chậm triển khai. Ảnh: Đức Thụy |
Theo ông Phạm Minh Trung-Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, nguyên nhân dẫn đến các dự án đầu tư chậm triển khai là do việc ban hành kế hoạch sử dụng đất của các địa phương rất chậm. Để rút kinh nghiệm những năm trước đây, nhằm tạo điều kiện cho các địa phương trong năm 2024, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở phối hợp với các địa phương đẩy nhanh việc thẩm định, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất 2024 ngay từ đầu năm. “Hiện Sở đang tập trung thẩm định kế hoạch sử dụng đất năm 2024 của các địa phương và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2023. Kế hoạch sử dụng đất của các địa phương được ban hành sớm sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai các dự án và cũng khắc phục tình trạng hụt thu tiền sử dụng đất trong 2 năm qua”-Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thông tin.
Còn ông Nguyễn Bá Thạch-Giám đốc Sở Xây dựng-cho biết: Thời gian qua, các địa phương chưa quan tâm đến việc xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở, thậm chí không có dẫn đến khi xác định giá đất khởi điểm để tổ chức đấu giá đất gặp khó khăn, vướng mắc. Để khắc phục, Sở đã chủ động phối hợp với các địa phương tháo gỡ, trong đó chú trọng xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở gửi về Sở thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt.
Bên cạnh đó, Sở cũng đang phối hợp với các địa phương, nhất là TP. Pleiku hoàn thành các quy hoạch phân khu, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn. Đặc biệt, sau khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt, Sở sẽ cùng với các địa phương rà soát, điều chỉnh lại toàn bộ các quy hoạch còn bất cập như: quy hoạch phân khu, sử dụng đất, xây dựng… Qua đó, góp phần tạo thuận lợi trong việc triển khai thực hiện các dự án cũng như kêu gọi đầu tư vào địa bàn tỉnh.
Đại biểu Huỳnh Kiên-Tổng Biên tập Báo Gia Lai cho rằng, cần tháo gỡ các "điểm nghẽn" để khơi thông phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh: Đức Thụy |
Quan tâm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số
Lo ngại vấn đề tái nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đại biểu Đinh Thị Giang-Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh-trăn trở: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 tại Gia Lai được triển khai thực hiện đã trở thành “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS, giúp người DTTS Gia Lai từng bước thoát nghèo. Tuy nhiên, đời sống của người DTTS trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn. Ngoài việc không có việc làm thì tình hình thiếu đất sản xuất cũng đang là mối lo ngại khiến nhiều hộ DTTS có nguy cơ tái nghèo. Thiết nghĩ, chúng ta cần có cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ họ vươn lên thoát nghèo bền vững.
Các đại biểu chia thành 5 tổ tiến hành thảo luân tại tổ. Ảnh: Đức Thụy |
Đồng quan điểm, đại biểu Đỗ Thị Hương Lan-Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh-phân tích: Việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trong năm 2023 có nhiều chỉ tiêu chưa đạt so với kế hoạch đề ra, như: tỷ lệ nhà ở, phụ nữ có thai được khám định kỳ và sinh con tại các cơ sở y tế; người dân được tiếp cận truyền hình, phát thanh…
“Đề nghị các ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh các giải pháp căn cơ để đẩy mạnh triển khai, góp phần nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần vùng đồng bào DTTS và miền núi nhằm đạt hiệu quả như mục tiêu chương trình này đề ra. Bên cạnh đó, tỉnh cần quan tâm đến công tác giáo dục vùng DTTS, trong đó cần chú trọng đến công tác tuyển sinh tại các trường dân tộc nội trú. Phát huy hiệu quả các chính chính ưu tiên đối với người DTTS và tạo động lực, điều kiện để con em người DTTS đi học, từng bước nâng cao trình độ dân trí”-đại biểu Đỗ Thị Hương Lan nêu kiến nghị.
Đại biểu Đỗ Thị Hương Lan-Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh tham ý kiến tại thảo luận tổ. Ảnh: Đức Thụy |
Đặc biệt quan tâm đến vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người DTTS, đại biểu Nguyễn Hữu Thọ-Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đak Đoa-đề nghị: “Để đảm bảo quyền lợi cũng như giúp đồng bào DTTS có điều kiện vay vốn phát triển kinh tế, tỉnh cần có chính sách đặc thù. Đặc biệt, quan tâm hỗ trợ kinh phí đo đạc cũng như tháo gỡ vướng mắc trong giải quyết hồ sơ thủ tục”.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch-Phó Chủ tịch UBND tỉnh-nêu rõ: Gia Lai đã triển khai quyết liệt việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2030, trong đó đặc biệt chú trọng tới công tác giảm nghèo bền vững cho đồng bào DTTS. Để công tác giảm nghèo bền vững được triển khai sâu rộng, toàn diện và đạt hiệu quả cao, tỉnh đã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo, tổ chức bộ máy chỉ đạo thực hiện Chương trình. Tuy nhiên, hiện nay Chương trình vẫn còn vướng do nhiều chính sách bất cập, tỉnh đã và đang nỗ lực tháo gỡ.
“Một trong những giải pháp được các cấp chính quyền triển khai là luôn coi trọng việc giải quyết việc làm và đào tạo nghề gắn với các mô hình sinh kế cụ thể, giúp đồng bào thoát nghèo bền vững”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ.
Ngoài ra, tại phiên thảo luận tổ nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm tới tình trạng hiện nay cán bộ, công chức khối chính quyền sợ trách nhiệm dẫn đến nhiều công việc bị trì trệ, kéo dài gây ảnh hưởng đến công việc chung. Đại biểu Phạm Duy Lam-Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh-cho rằng: Nhiều hồ sơ, thủ tục kéo dài mất rất nhiều thời gian, ì ạch ở bộ phận cán bộ, công chức khối chính quyền các cấp. Để giải quyết công việc nhanh chóng, hiệu quả thì chúng ta cần tháo gỡ ngay “điểm nghẽn” trong thực hiện triển khai các nhiệm vụ. Cần xem xét lại tầm nhìn, công tác quản lý, năng lực lãnh đạo cũng như việc tham mưu, đề xuất của các cơ quan chuyên môn tại một số đơn vị.
Chiều nay, các đại biểu sẽ thảo luận tại hội trường và tiến hành phiên thảo luận tại hội trường; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.
Báo Gia Lai điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.