Làm rõ những vướng mắc, bất cập
Tại phiên thảo luận tổ, hầu hết các ý kiến của đại biểu đều bày tỏ sự đồng tình cao với các báo cáo của HĐND và UBND tỉnh. Các đại biểu cho rằng: Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng năm 2024, Gia Lai đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm, kinh tế-xã hội tiếp tục phát triển, an ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nêu rõ những tồn tại, vướng mắc cần được tháo gỡ.
Theo đại biểu Tô Văn Chánh-Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Krông Pa: Mặc dù kinh tế của tỉnh có sự tăng trưởng, khởi sắc nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Đề nghị UBND tỉnh cần có đánh giá, phân tích nguyên nhân và đề ra giải pháp tháo gỡ kịp thời. “Đặc biệt, UBND tỉnh, các sở, ngành cần quan tâm quy hoạch, phát triển các cụm công nghiệp nhằm tạo điều kiện để các địa phương thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội”-đại biểu Tô Văn Chánh đề nghị.
Về vấn đề này, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung thông tin: Hiện nay, tỉnh đang quy hoạch 31 cụm công nghiệp với diện tích 1.900 ha, trong đó có 14 cụm công nghiệp đã được UBND tỉnh thành lập với tổng diện tích trên 500 ha. Bên cạnh các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư chung theo quy định của Chính phủ, UBND tỉnh cũng ban hành chính sách hỗ trợ riêng.
Tuy nhiên, hiện nay, một số cụm công nghiệp vẫn còn gặp nhiều vướng mắc. “Thời gian tới, UBND tỉnh tiến hành rà soát để gỡ vướng, nhanh chóng đưa các cụm công nghiệp vào hoạt động”-Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ.
Quan tâm đến việc đầu tư hạ tầng kênh mương thủy lợi, đại biểu Võ Anh Tuấn-Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh-cho rằng: Trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt, tình trạng thiếu nước sản xuất, hạn hán xảy ra thường xuyên, tỉnh cần quan tâm đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi đã có chủ trương đầu tư. Cùng với đó, bố trí vốn hoàn thiện hạ tầng kênh mương nội đồng nhằm đảm bảo nguồn nước tưới, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.
Thông tin về nội dung này, ông Phạm Xuân Điệp-Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh-cho biết: Việc kiên cố hóa hệ thống kênh mương từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á do gặp nhiều vướng mắc nên đến thời điểm này mới trình Thủ tướng Chính phủ phương án vay, dự kiến sẽ được xem xét, thông qua trong năm nay.
Do đó, dự án này được triển khai trong năm 2025, trong đó, tại huyện Krông Pa được đầu tư 32 tỷ đồng để hoàn thiện hệ thống kênh mương, cải tạo đồng ruộng. Sau khi hoàn thành sẽ đảm bảo nước tưới cho khoảng 700 ha lúa, hoa màu của người dân.
Ban cũng đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn về mặt bằng nhằm đẩy nhanh triển khai đầu tư hoàn thiện hệ thống kênh mương hồ thủy lợi Tầu Dầu 2, Ia Rtô, Plei Thơ Ga nhằm phát huy hiệu quả các công trình này.
Sau 14 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo Gia Lai đã có sự chuyển biến rõ rệt. Phát huy những thành quả đạt được, các đại biểu kỳ vọng tỉnh tiếp tục xây dựng NTM theo hướng thực chất, bền vững.
Đồng quan điểm với các đại biểu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa cho rằng: “Chúng ta cần xem xét lại các chỉ tiêu phấn đấu trong năm 2025, nhất là chỉ tiêu số huyện, xã đạt NTM cho phù hợp, tránh chạy theo thành tích”.
Khẳng định quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, Chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung đề nghị: “Chúng ta phải xác định, để đạt được các tiêu chí NTM là điều không hề dễ dàng. Cần đi vào thực chất, không phải theo số lượng.
Tỉnh phải đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ và người dân nông thôn, nhất là các xã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn NTM; tập trung phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống người dân nông thôn”.
Ngoài ra, một số vấn đề còn tồn tại cũng được đại biểu thẳng thắn chỉ ra trong phiên thảo luận tổ. Trong đó, vấn đề được các đại biểu quan tâm và đề cập nhiều là tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện các dự án thu hút đầu tư; xây dựng cơ bản; hạ tầng, trang-thiết bị y tế; hạ tầng giao thông; khai thác tiềm năng phát triển du lịch…
Khơi thông “điểm nghẽn”
Với tinh thần trách nhiệm cao, tại buổi thảo luận tổ đã có 72 ý kiến trao đổi, nhìn nhận và đánh giá nhiều nội dung quan trọng trên các lĩnh vực. Các đại biểu tập trung chỉ rõ những tồn tại, hạn chế như: 4 chỉ tiêu quan trọng thuộc lĩnh vực kinh tế chưa có sự bứt phá nên không đạt so với nghị quyết đề ra; sản xuất công nghiệp tăng trưởng chậm; một số dự án năng lượng tái tạo chưa đưa vào vận hành; tai nạn giao thông tăng cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ; tội phạm hình sự, tội phạm về ma túy tăng so với năm 2023… Do đó, đề nghị UBND tỉnh cần có báo cáo giải trình, đánh giá, phân tích nguyên nhân và đề ra giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Trong ngày làm việc thứ 2, HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua 3 nghị quyết do UBND tỉnh trình gồm: Nghị quyết sửa đổi, bổ sung khoản 4 và khoản 8 Điều 1 Nghị quyết số 68/2023/NQ-HĐND ngày 8-12-2023 của HĐND tỉnh; Nghị quyết thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương và phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2025; Nghị quyết quyết định kế hoạch đầu tư công năm 2025 nguồn ngân sách địa phương, chương trình mục tiêu quốc gia và thông qua phương án phân bổ vốn năm 2025 nguồn ngân sách trung ương.
“Để thực hiện tốt các chỉ tiêu đã đề ra trong năm 2025, các đại biểu đề nghị UBND tỉnh cần có giải pháp để khơi thông các “điểm nghẽn”, phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Đồng thời, có ý kiến đối với Trung ương về các dự án còn tồn đọng liên quan đến điện gió; đẩy mạnh thực hiện các dự án ngoài ngân sách; sớm có phương án hỗ trợ nguồn kinh phí thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát”-ông Trần Hữu Thành-Quyền Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh-nhấn mạnh.
Đối với vấn đề đất san lấp, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Minh Trung lý giải: Trước đây, Luật Khoáng sản chưa đề cập nên việc sử dụng đất san lấp tương đối thuận lợi. Đến năm 2019, đất san lấp được xem là khoáng sản, phải được đưa vào đấu giá theo quy định nên đã ảnh hưởng đến nguồn đất đắp phục vụ các công trình, dự án.
“Để xử lý vấn đề này, tháng 5-2019, UBND tỉnh có công văn cho phép đăng ký khu vực khai thác đất san lấp để phục vụ thi công công trình sử dụng vốn nhà nước. Tuy nhiên, văn bản này đã thu hồi do không đúng quy định. Hiện Luật Địa chất và Khoáng sản 2024 đã thông qua và có hiệu lực, về cơ bản sẽ gỡ được một phần các vướng mắc liên quan đến đất san lấp”-Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết.
Theo Luật Địa chất và Khoáng sản 2024, đất san lấp là khoáng sản và được xếp vào nhóm 4 của khoáng sản. Việc thực hiện Luật được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 có hiệu lực từ ngày 15-11-2025, cho cấp giấy phép khai thác đất san lấp không qua đấu giá đối với các công trình thi công dự án quan trọng quốc gia, dự án đầu tư khẩn cấp, các công trình ứng phó khẩn cấp về thiên tai.
Ngoài ra, Luật cũng bổ sung một số nội dung thu hồi khoáng sản tận thu. Ông Trung nhấn mạnh: “Trên cơ sở đó, Sở đã tham mưu UBND tỉnh xem xét, xin ý kiến triển khai thí điểm tận thu khoáng sản trong giai đoạn Luật có hiệu lực để giải quyết vấn đề thiếu đất san lấp hiện nay”.
GRDP bình quân đầu người là chỉ tiêu quan trọng dùng để đánh giá tốc độ phát triển kinh tế. Để cải thiện chỉ tiêu này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Việt Hưng nêu giải pháp: Thời gian tới, Sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để huy động nguồn lực đầu tư, nhất là các dự án ngoài ngân sách cần chuẩn bị quy trình thực hiện rõ ràng, xác định thời gian, trách nhiệm các cơ quan trong từng dự án.
Bên cạnh đó, tập trung đánh giá tính khả thi của một số quy hoạch, một số dự án để có hướng xử lý phù hợp; khắc phục các vấn đề đang còn hạn chế, sớm hoàn thành các dự án đang dở dang và đưa vào khai thác…
Đồng thời, chúng tôi xác định giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ ưu tiên thực hiện ngay từ đầu năm. Do đó, sẽ tập trung khắc phục việc thiếu đất san lấp, các loại vật liệu xây dựng khác; công tác đền bù giải phóng mặt bằng.
Giải trình rõ về định mức chi dịch vụ môi trường, Chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung cho biết sẽ tiếp thu và giao các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất hướng giải quyết, báo cáo HĐND tỉnh trong thời gian sớm nhất.
“Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ năm 2024 gặp ảnh hưởng lớn với những bất ổn của tình hình thế giới. Đặc biệt, trong năm 2024, Quốc hội đã ban hành nhiều luật, văn bản pháp luật liên quan đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác điều hành, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trong năm của tỉnh. Điển hình như vấn đề đất san lấp. Đây là phát sinh gây ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai các dự án cũng như tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công”-Chủ tịch UBND tỉnh chỉ rõ.
Kết luận phiên thảo luận, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên đề nghị UBND tỉnh tiếp tục nghiên cứu, quan tâm giải quyết các vấn đề còn tồn tại. Đặc biệt là 4 chỉ tiêu chưa đạt để có giải pháp khắc phục nhằm triển khai tốt trong năm 2025.
Chủ tịch HĐND tỉnh cũng thống nhất các ý kiến giải trình của UBND tỉnh và các sở, ngành về các nội dung mà đại biểu nêu tại buổi thảo luận tổ và thảo luận chung tại hội trường. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh tiếp tục điều hành tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu năm 2025 với quyết tâm cao nhất.
Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên nhấn mạnh: “Quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy và cán bộ của hệ thống chính trị tỉnh. Trong đó, đề nghị các ngành, các cấp nghiên cứu, tính toán hỗ trợ thêm chế độ đối với các trường hợp dôi dư phải nghỉ theo quy định. Tiếp tục khơi thông các nguồn lực, các “điểm nghẽn” để phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương”.
Hôm nay (11-12), kỳ họp tiếp tục chương trình làm việc với phiên chất vấn và trả lời chất vấn; HĐND tỉnh thông qua các nghị quyết và tiến hành bế mạc.