Ngày Quốc tế lao động vẫn… lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong khi dòng người đang đổ về chật kín các điểm vui chơi, du lịch thì đâu đó trên hè phố vẫn còn rất nhiều mảnh đời đang tất bật mưu sinh. Ngày Quốc tế lao động cũng như các ngày lễ khác trong năm, hầu hết họ đều biết cả, song dường như chưa cho phép bản thân được ngơi nghỉ hôm nào.

Vất vả mưu sinh

 

Các bác xe ôm ngồi vắt vẻo chờ khách. Ảnh: Hồng Thi
Các bác xe ôm ngồi vắt vẻo chờ khách. Ảnh: Hồng Thi

Phố núi những ngày cận cuối lễ vẫn đông đúc, rộn vui. Nắng vàng ban sớm chiếu rọi xuống từng ngõ ngách, điểm tô thêm cái độ tim tím, biếc vàng của hoa bằng lăng và muồng hoàng yến hai bên đường. Thời điểm này, những người lao động tự do đã miệt mài bên công việc quen thuộc thường nhật, tỉ mẩn đánh từng chiếc giày hay nhặt mấy cái ve chai, lon, nhựa. Các tiểu thương ở Trung tâm Thương mại Pleiku và các khu chợ nhỏ khác đã rộn ràng họp chợ, lời mua tiếng bán vang cả một vùng. Cạnh đó, vài bác xe ôm ngồi vắt vẻo trên “con ngựa sắt”, trông đợi khách. Các công nhân vệ sinh của Công ty TNHH MTV Công trình đô thị đang quét dọn, thu gom rác thải, trả lại bộ mặt sạch đẹp cho thành phố. Pleiku ngày lễ thậm chí còn nhộn nhịp hơn cả bình thường.
 

Vài bó rau vườn được bán vội vào giữa trưa. Ảnh: Hồng Thi
Vài bó rau vườn được bán vội vào giữa trưa. Ảnh: Hồng Thi

Cầm trên tay xấp vé số còn khá dày, chị Trương Thị Thu Nương len lỏi qua từng chiếc bàn đông đúc trong quán cà phê Cochin (ngã tư Hoàng Văn Thụ-Tăng Bạt Hổ, TP. Pleiku) chào mời khách. Dịp lễ, mọi người có nhiều thời gian rảnh rỗi mà thư thả nhâm nhi cà phê, trò chuyện; việc bán buôn của chị nhờ vậy cũng thuận lợi hơn. Rời quê nhà (xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) lên Gia Lai mưu sinh đã được hơn 3 năm, vợ chồng chị cũng trải qua không ít những khó khăn, chật vật. Chồng chị gắn bó với mấy đồ nghề dán keo điện thoại, decal xe máy chỉ thấp thỏm ít đồng, thu nhập của gia đình đều trông chờ vào mấy xấp vé số của chị. Mỗi tháng trừ chi phí sinh hoạt và thuê nhà, chị kiếm được 4 triệu đồng. Số tiền này phần lớn được gói gém gửi về quê cho các con ăn học.
 

Với bà Chín, ngày 1-5 cũng như những ngày bình thường khác trong suốt 10 năm qua. Ảnh: Hồng Thi
Với bà Chín, ngày 1-5 cũng như những ngày bình thường khác trong suốt 10 năm qua. Ảnh: Hồng Thi

Chị Nương chia sẻ: “Hôm qua vì có cái đám cưới nên phải nghỉ rồi, nay biết Ngày Quốc tế Lao động đấy nhưng quan trọng gì đâu, mình cứ bán bình thường thôi. Ngày lễ nhiều người mua hơn ngày thường, mỗi bữa cũng được hơn 200 ngàn đồng, nghỉ bán thì tiếc”.

Liêu xiêu chất hàng bên gốc cây cổ thụ cạnh một quán nhậu, bà Nguyễn Thị Chín (61 tuổi, quê ở xã Nhơn Hạnh, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định) bộc bạch rằng, 10 năm gắn bó với nghề mua bán nhôm nhựa tại mảnh đất Pleiku này, bà chưa hề biết đến một ngày ngơi nghỉ. Thậm chí, bà khá bất ngờ khi được chúng tôi nhắc đến hôm nay là Ngày Quốc tế Lao động. Chồng bị bệnh suyễn từ nhỏ nên không thể làm việc nặng, thỉnh thoảng chỉ loay hoay với ruộng vườn, trong khi sức khỏe của bà cũng chẳng hơn gì, vừa bị thoái hóa cột sống, viêm khớp vừa bị dạ dày nên thuốc lúc nào cũng mang theo bên mình. “Thêm cái bệnh lãng tai nữa nên tôi chẳng dám làm thuê cho ai cả, sợ người ta bảo mình không nghe đi làm sai lại bị la rầy. Cứ đi mua bán nhôm nhựa vầy cho chắc, được bao nhiêu ăn bấy nhiêu. Lễ lộc gì cũng làm hết, chẳng biết đó là ngày nào”-bà Chín tâm sự.

 

Công nhân vệ sinh thu gom rác, trả lại vẻ mỹ quan cho thành phố. Ảnh: Hồng Thi
Công nhân vệ sinh thu gom rác, trả lại vẻ mỹ quan cho thành phố. Ảnh: Hồng Thi

Tất cả vì mục tiêu chung

Bên cạnh những mảnh đời tất bật mưu sinh vì cuộc sống với guồng quay cơm-áo-gạo-tiền, trong Ngày Quốc tế Lao động, vẫn có những con người hăng say làm việc nhằm phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đổi thay diện mạo quê nhà.

Năm nào cũng vậy, dù lễ, dù Tết, các công nhân vệ sinh của Công ty TNHH MTV Công trình đô thị Pleiku vẫn đều đặn gom rác hàng ngày. Với họ, đó vừa là nhiệm vụ vừa như một thói quen. Giữa trưa, chị Nguyễn Thị Đức vừa đẩy xe rác về nơi tập kết trên vỉa hè đường Hai Bà Trưng, vừa cười tươi, nói: “Tất cả công nhân chúng tôi đều xuống đường làm hết chứ không ai nghỉ cả. Hôm nay tôi làm ca ngày, ca tối có người khác thay. Góp phần giúp thành phố trở nên sạch đẹp hơn, chúng tôi cũng vui. Lao động là vinh quang mà”.

 

Dù ngày nghỉ nhưng các công nhân vẫn hăng say làm việc để kịp hoàn thành đúng tiến độ tại công trình sân bay Pleiku. Ảnh: Nguyễn Giác.
Dù ngày nghỉ nhưng các công nhân vẫn hăng say làm việc để kịp hoàn thành đúng tiến độ tại công trình sân bay Pleiku. Ảnh: Nguyễn Giác

Có mặt tại công trình “Kéo dài, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn và sây đậu máy bay-Cảng hàng không Pleiku” vào sáng 1-5, hàng trăm công nhân vẫn say sưa bên phần việc của mình: người vận hành các thiết bị vận tải vận chuyển đất đá, trộn bê tông; kẻ theo dõi, điều chỉnh thiết bị phục vụ cho việc rải thảm bê tông nhựa…Để hoàn thành các hạng mục công trình, bàn giao đưa sân bay Pleiku trở lại hoạt động trong đầu quí IV năm 2015, từ chủ đầu tư đến các đơn vị thi công đều đang ra sức đẩy nhanh tiến độ thi công, san lấp mặt bằng.

Đại diện đơn vị Cienco 4 cho biết, hiện tại, nhiều phần việc đã hoàn thành trên 80% tiến độ thi công, trong đó, việc san lấp đã thực hiện được trên 80% khối lượng, các phần còn lại chờ phía tỉnh Gia Lai bàn giao sẽ tập trung hoàn thiện sớm; phần bê tông nhựa đã xong 100% việc thảm lớp 2 và sẽ tiếp tục triển khai ngay lớp 3 khi nhựa đường được chuyển về đến công trình.

“Theo quy định, dịp lễ năm nay cán bộ, công nhân sẽ được nghỉ. Tuy nhiên, trước khối lượng công việc còn lại quá lớn, trong khi đó quy định về tiến độ đề ra là hoàn thành sớm, đảm bảo chất lượng, cho nên anh em vẫn phải làm việc. Và để động viên tinh thần làm việc của họ, phía Tổng công ty Cienco 4 đã quyết định thưởng 1 tháng lương cho toàn thể công nhân, kỹ sư đang thi công tại các công trường; đồng thời, số ngày công thực hiện trong các ngày lễ cũng được nhân ba lần”-ông Nguyễn Đức Tùng-Phó Giám đốc Ban điều hành Dự án, Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 4, cho hay.

 

Thi công cải tạo, nâng cấp quốc lộ 19 đoạn qua đèo Mang Yang. Ảnh: Nguyễn Giác
Thi công cải tạo, nâng cấp quốc lộ 19 đoạn qua đèo Mang Yang. Ảnh: Nguyễn Giác

Ngoài công trình trọng điểm này, trên các tuyến quốc lộ 14 và 19, các công nhân và nhà thầu cũng đang rất khẩn trương hoàn thiện các mục tiêu quan trọng với các gói thầu đảm nhận. Theo đại diện nhà đầu tư Đức Long Gia Lai-đơn vị phụ trách việc thi công nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14 đoạn từ Pleiku đến cầu 110, ngày 1-5, Công ty đã dừng toàn bộ công việc cho công nhân nghỉ lễ theo đúng quy định và sẽ trở lại thi công vào ngày 2-5 này. Tuy nhiên, trước đó, để đạt được tiến độ rãi thảm lớp 1 trên toàn tuyến, tất cả công nhân, kỹ sư đã liên tục làm việc đến tận 22 giờ ngày 30-4.

Nguyễn Giác-Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm