Kinh tế

Ngày xuân lên nương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mùa vụ nhà nông lắm khi khiến nông dân chẳng thể nghỉ ngơi, gác hẳn việc đồng áng qua bên để vui chơi, tận hưởng Tết nhất. Họ vẫn ra đồng, lên nương dù đang trong những ngày Tết.
Đón Tết… trên nương
Người dân phơi tiêu. Ảnh: Lê Hòa
Sáng mùng 2 Tết, sau bữa cơm quần tụ với con cháu, gia đình, bác Lê Thị Tình (54 tuổi), ở làng Bi, xã Ia Dom đã tranh thủ lặn lội lên vườn cách nhà hơn 2 km để nhặt hạt điều. “Vườn xa nhà nên sợ mất trộm, Tết nhất vẫn tranh thủ đi nhặt hạt từ các quả chín rụng xuống đất. Thấy của phơi ngoài vườn ngồi không yên được, bởi tiền bạc lo lắng mọi việc, kể cả con cái học hành đều trông cả vào đó”- bác Tình, tâm sự.
Việc nhà nông không trừ ngày Tết. “Khách khứa đến nhà có ông nhà và con cháu lo. Mình và mấy đứa lớn tranh thủ ra nhặt. Riêng ngày mùng 2 mấy mẹ con nhặt sơ cũng được hơn yến điều. Coi như có lộc đầu xuân”- bác Tình, vui vẻ nói.
Cũng tất bật với mùa thu hoạch điều, chị Rơ Mah H’Phih (36 tuổi), ở làng Sung Le, xã Ia Kla cùng chồng cơm đùm cơm nắm lên rẫy nhặt điều từ mùng 1 Tết. “Vườn điều nhà mình xa nhà lắm, sợ người ta hái trộm nên hai vợ chồng đi nhặt. Mỗi ngày cũng được hơn 30 kg đấy!”-chị H’Phih vui vẻ khoe. Theo chị H’Phih, điều năm nay hạt nhỏ và ít trái hơn so với các năm trước, có thể do trời lạnh kéo dài nên hạt không chắc, tuy nhiên giá thu mua thì khá. Hiện tại, 1kg hat điều được thương lái mua với giá 26 ngàn đồng.
Thời điểm này cũng là mùa thu hoạch tiêu nên nhiều nhà vừa vui xuân, vừa tranh thủ thu hoạch những trụ tiêu quá chín. “Trước Tết trời lạnh nên tiêu chín từ từ, mấy nay nắng gắt hơn nên tiêu chín nhanh quá. Không hái sợ tiêu rụng xuống đất nên từ mùng 2 Tế,t hai vợ chồng tranh thủ đi hái”-cô Phạm Thị Lý, thôn Lâm Tôk, xã Ia Dơk, nói. 
Cô Lý cho biết thêm, nhà có hơn 300 trụ tiêu, nhờ trời mùa mưa vừa rồi không bị chết như các nhà lân cận nhưng tiêu đang có giá, chín là phải hái ngay, lại phải canh giữ vườn sợ “tiêu tặc”.
Tết của dân nuôi ong du mục
Hoàng Văn Việt, một thợ nuôi ong du mục từ TP. Buôn Ma Thuật (Đak Lak) đến Đức Cơ thì, đã từ lâu Tết nào anh cũng đón Tết xa gia đình. “Ong đặt điểm ở đâu, mình đón Tết ở đấy. Tết chỉ có mình và đàn ong giữa bạt ngàn rừng cây. Gắn với nghề phải chịu thôi”-Việt cười chia sẻ.
Với Việt, ngày Tết hay ngày thường cũng đều khởi động bằng những việc làm được lặp trình sẵn để lo cho đàn ong 550 thùng. “Mùa Tết cây cối tiết mật nhiều, nào là cao su, cà phê tới mùa tưới tắm nở bông, hoa điều… Sáng dậy đi kiểm tra ong, gạt phấn hoa, làm cầu… nói chung Tết chỉ là nghe và cảm nhận không khí đón Tết của gia đình qua điện thoại là chủ yếu”-Việt nói.
Với người nuôi ong du mục, không mấy ai được đón Tết bên gia đình. Ảnh Lê Hòa
Hiện tại đang là mùa cao su trổ lá nhưng lá non bị bệnh, rụng hết loạt nên “cắt” mật. Hoa cà phê, điều cữ trước thời tiết lạnh quá cũng cho mật và phấn kém. Người nuôi ong đánh mật ở các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai năm nay khá khó khăn. “Thời tiết này nếu ong ổn định cũng phải chừng 20 ngày mới được quay mật một lần. Mấy ngày Tết nay nắng ấm lên lượng phấn hoa ong đem về có khá hơn, mỗi ngày mình thu được chừng 50kg phấn tươi. Giá phấn các điểm đang thu mua là 150 ngàn đồng/kg nên cũng có được chút. Từ đầu mùa đến giờ thời tiết mới tạo điều kiện cho cánh nuôi ong mình kiếm chút tiền nên phải tranh thủ kiếm đắp lại phần vốn đầu tư-Việt, tâm sự.
Còn anh Nguyễn Tiến Thép (thôn Lâm Tôk, xã Ia Dơk), người có kinh nghiệm hơn 10 năm theo nghề nuôi ong, thì nhờ xung quanh nhà có vườn cao su và cà phê nên đến mùa Tết, anh cho chuyển ong từ Tam Quan-Bình Định về gần nhà để được đón Tết bên gia đình, vợ con. “Nghề này là vậy. Cứ rong ruổi đưa ong đi, nơi nào tới mùa hoa là mình ở đấy. Lúc thì Bình Định đánh mật dừa, lúc về Krông Pa đánh mè, lúc lại chạy tít lên Quảng Trị, Nghệ An để đánh mật tràm keo, thậm chí là đưa ong ra tận ngoài Bắc để đánh mật vải, mật nhãn… Cứ đi theo tiếng gọi của hoa thôi!”-anh Thép, hỏm hỉnh ví von.
Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm